Cách tiêu đờm hậu Covid-19 cho trẻ

Ho là một trong những triệu chứng của Covid-19, đặc biệt hay gặp ở đối tượng trẻ em. Ho có đờm ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé.

Tại sao người bệnh Covid-19 bị ho?

Ho bản chất là một phản xạ để bảo vệ cơ thể, có tác dụng tống xuất tác nhân gây bệnh ra khỏi đường hô hấp của con người và những người nhiễm SARS-CoV-2 cũng không ngoại lệ. Mặc dù mang lại ý nghĩa tích cực nhưng mặt khác nếu tình trạng ho xảy ra liên tục sẽ gây phản ứng ngược, khiến người bệnh mệt mỏi, khó ngủ và cần phải có biện pháp điều trị phù hợp. 

Người bệnh Covid-19 cần phân biệt rõ 2 loại ho, bao gồm ho khan và ho có đờm, và dĩ nhiên mỗi loại ho sẽ có cách điều trị khác nhau. 

Người nhiễm virus SARS-CoV-2 đa số chỉ ho khan và việc sử dụng các thuốc giảm ho đa phần mang lại hiệu quả. Ngược lại, người ho có đờm thì không nên sử dụng các thuốc ức chế ho, thay vào đó là lựa chọn loại thuốc tiêu đờm phù hợp, khi đờm loãng ra thì phản xạ ho sẽ dễ dàng tống xuất chúng ra khỏi cơ thể. Hầu hết triệu chứng ho có đờm xuất phát từ nguyên nhân bội nhiễm vi khuẩn và dẫn đến tình trạng viêm phế quản hoặc/và viêm phổi nặng hơn. Do đó, người bệnh Covid-19 có biểu hiện ho đờm cần phải đến bệnh viện để được bác sĩ khám, chẩn đoán và điều trị thích hợp.

Cách tiêu đờm hậu Covid-19 cho trẻ - 1

Ngoài ra, cần lưu ý ho có thể do các nguyên nhân khác thay vì Covid-19 như: 

Cơ địa dễ bị dị ứng

Tiền căn hen suyễn

Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản sẵn có

Do kích thích trung khu thần kinh gây ho ở dọc đường hô hấp, khí quản, hầu họng… 

Biện pháp tiêu đờm giảm ho ở trẻ nhiễm SARS-CoV-2

Rất nhiều bậc phụ huynh có con nhiễm virus SARS-CoV-2 lo lắng và cố gắng tìm hiểu các thông tin liên quan đến biểu hiện và cách xử trí ho có đờm ở trẻ em, trong đó bao gồm cả thắc mắc trẻ có được sử dụng các thuốc tiêu đờm hay không? Tuy nhiên thực tế việc sử dụng các thuốc tiêu đờm ở trẻ không thật sự cần thiết và hiệu quả cũng không cao.

Về bản chất, đờm là sản phẩm của tình trạng viêm, bên trong bao gồm tác nhân gây bệnh (như vi khuẩn), bạch cầu và các chất tiết của quá trình viêm. Lượng đờm bài tiết ra sẽ được tống xuất ra bên ngoài thông qua phản xạ ho đã được nhắc đến ở trên. Động tác ho ở trẻ mắc Covid-19 giúp đờm nhớt bật lên cổ, sau đó sẽ bài xuất ra ngoài theo nhiều cơ chế khác nhau. Với trẻ nhỏ chưa biết khạc, đờm được trẻ nuốt xuống bụng và bài xuất ra ngoài theo đường tiêu hóa, trẻ lớn hơn hoặc người trưởng thành sẽ khạc đờm ra ngoài và một số trẻ không nuốt, không khạc sẽ tống xuất đờm ra ngoài qua động tác ói.

Mặc dù lý thuyết là vậy nhưng thực tế chỉ cần trẻ ho khạc đờm nhiều hoặc kèm nôn ói sau bữa ăn sẽ khiến phụ huynh sốt ruột và mong muốn sử dụng một loại thuốc tiêu đờm. Đây được xem là nguyên do khiến nhiều phụ huynh vì lo lắng cho con mà tự ý sử dụng các loại thuốc tiêu đờm giảm ho theo mách bảo trên mạng xã hội hoặc tự mua thuốc về cho con uống. Việc này vô cùng nguy hại, vừa không giúp cải thiện triệu chứng ho đờm vừa nguy cơ gây hại sức khỏe cho trẻ.

Các loại thuốc tiêu đờm hay được sử dụng ở người trưởng thành như bromhexin, acetylcystein, guaifenesin… được cho là có thể tiêu đờm giảm ho cho trẻ một cách hiệu quả. Về cơ chế tác dụng, các loại thuốc này sẽ cắt các phân tử trong đờm hoặc tăng tiết nước vào trong đờm, từ đó khiến đờm loãng ra. Sau đó chỉ cần một vài động tác ho mạnh là đờm nhớt sẽ được tống xuất ra bên ngoài. Tuy nhiên, hầu hết các thuốc tiêu đờm kể trên đều không chứng minh được hiệu quả trong các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp ở trẻ em. Do đó, nhiều hướng dẫn điều trị Covid-19 cho trẻ em trên thế giới đều không có sự xuất hiện của các loại thuốc tiêu đờm. Ngược lại, việc sử dụng tự ý một số thuốc tiêu đờm cho trẻ nhỏ có thể kích thích khởi phát các cơn co thắt phế quản, đặc biệt khi trẻ có tiền sử khò khè tái đi tái lại.

Một số cách tiêu đờm giảm ho ở trẻ mắc Covid-19

Cần nhấn mạnh thêm là việc không sử dụng các thuốc tiêu đờm giảm ho thì các bệnh lý nhiễm siêu vi hô hấp ở trẻ, bao gồm Covid-19 vẫn sẽ tự khỏi bệnh theo thời gian. Tuy nhiên, để hỗ trợ trẻ nhanh khỏi bệnh hơn, cha mẹ có thể áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc như sau:

- Vệ sinh mũi: Biện pháp được cho là hiệu quả nhất để tiêu đờm giảm ho ở trẻ nhiễm SARS-CoV-2 chính là vệ sinh mũi trước khi ăn hoặc uống sữa. Với trẻ trên 6 tháng tuổi, cha mẹ có thể cho con uống một muỗng nước lọc ấm để hỗ trợ đờm ở cổ họng trôi xuống bụng.

Muốn đờm nhanh tống xuất ra ngoài thì cha mẹ cần phải để con ho. Đồng thời, có biện pháp hỗ trợ làm loãng đờm bằng cách cho con uống nước ấm (với trẻ lớn) hoặc sữa ấm (với trẻ dưới 6 tháng tuổi). Nước ấm được xem là một yếu tố hỗ trợ làm loãng đờm hiệu quả;

Súc miệng nước muối: Biện pháp truyền thống này được nhiều người bệnh Covid-19 áp dụng và mang lại hiệu quả, bao gồm cả đối tượng trẻ em. Súc họng nước muối giúp làm sạch đờm trong cổ họng, đồng thời hỗ trợ giảm nhanh cảm giác đau rát cổ họng.

Cách giảm ho tiêu đờm hậu Covid-19 cho trẻ

Ho đờm ngoài xảy ra trong giai đoạn mắc bệnh vẫn có thể tiếp diễn ở giai đoạn hậu Covid-19 ở một số trẻ. Bên cạnh các biện pháp đã đề cập ở trên, cha mẹ có thể sử dụng một số loại thảo dược thiên nhiên để giảm ho tiêu đờm hậu Covid-19 cho trẻ. Trong số đó, công dụng một số vị thảo dược được biết đến như sau:

- Mật ong: Mang tính bình, vị ôn, hơi ấm nên rất phù hợp để giảm ho do virus SARS-COV-2. Mật ong còn chứa nhiều chất dinh dưỡng, enzym tiêu hóa, một số axit amin… qua đó hỗ trợ làm lành niêm mạc họng, bổ sung dinh dưỡng và tăng cường hệ miễn dịch;

- Mạch môn: Tính bình, vị mát, có tác dụng nhuận phế, dưỡng âm, sinh tân dịch rất tốt. Mạch môn có thể hỗ trợ bồi bổ cơ thể, ức chế tác nhân gây bệnh hô hấp, giảm ho tiêu đờm hiệu quả, tuy nhiên nên có sự tham vấn của bác sĩ đông y trước khi chủ động điều trị cho trẻ;

- Gừng tươi: Vị ôn ấm, tính bình tương tự mật ong, do đó khi sử dụng sẽ phát huy khả năng tiêu đờm, giảm ho, giảm sốt;

- Quất: Vị ngọt chua, tính ấm, được biết đến với tác dụng tiêu đờm giảm ho, khai thông đường hô hấp…

Hậu Covid-19 ở trẻ có nhiều diễn tiến khác nhau. Vì thế, cha mẹ cần chú ý đến các dấu hiệu của trẻ để áp dụng các biện pháp hỗ trợ khi cần thiết. Trong trường hợp trẻ xuất hiện thêm các dấu hiệu bất thường khác thì cha mẹ cần sớm đưa trẻ đến các trung tâm y tế để thăm khám và điều trị.

Thạc sĩ, Bác sĩ Phan Ngọc Hải
Bác sĩ Nhi - Sơ sinh - Khoa Nhi - Sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec Đà Nẵng