1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách nhận biết hắt hơi, sổ mũi do cảm lạnh hay viêm mũi xoang

Nam Phương

(Dân trí) - Hắt hơi, chảy nước mũi, ho… là triệu chứng bệnh thông thường nhiều người hay gặp phải. Vậy đây là dấu hiệu của cảm lạnh thông thường hay viêm mũi xoang? Khi nào chúng ta cần đi khám?

Nhiều người bệnh khi đến khám đều hỏi bác sĩ bản thân chỉ bị cảm lạnh hay là viêm mũi xoang. Sau khi cảm giác bị nhiễm lạnh, thấy sốt, hắt hơi, chảy nước mũi, ho… 90% bệnh nhân đều mua thuốc cảm uống và thấy các triệu chứng có diễn biến nặng lên. Thường sau 10 ngày, họ mới đến gặp bác sĩ với các triệu chứng chảy nước mũi vàng xanh, kèm theo đau nhức mặt, mắt.

Vậy thực chất bệnh nhân bị cảm lạnh hay viêm mũi xoang? 

PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết nếu sau khi bị lạnh, bạn hắt hơi, dịch mũi chảy ra có màu vàng xanh thì đây là viêm mũi xoang đợt cấp. Nếu sau khi cảm lạnh, bạn thấy hắt hơi, dịch mũi trong như nước mưa kèm theo đau mình mẩy thì đây là cảm lạnh. 

Cách nhận biết hắt hơi, sổ mũi do cảm lạnh hay viêm mũi xoang - 1

Khi bị ho, hắt hơi, sổ mũi..., đa phần người bệnh nghĩ do cảm lạnh thông thường (Ảnh minh họa: Floridaent).

Có thể điều trị cảm lạnh bằng các thuốc có thành phần chủ yếu là paracetamol (acetaminophen) có công dụng hạ sốt, giảm đau. Khi phối hợp với các dược chất khác như chlorpheniramin maleat (hoặc loratadin, fexofenadin), thuốc còn có thêm tác dụng chống dị ứng.

Tuy nhiên, nhiều kết quả nghiên cứu và sử dụng trên lâm sàng cũng cho thấy paracetamol uống có thể gây hại gan, còn phenylpropanolamin và pseudoephedrin có thể gây đột quỵ cho người tăng huyết áp. Vì thế, việc tham khảo ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng thuốc là rất quan trọng.

"Nếu sau 2 ngày dùng các thuốc trên không đỡ, bạn cần phải đến khám ngay tại các cơ sở y tế có chuyên khoa tai mũi họng. Bạn không nên đợi đến khi đau nhức mặt, chảy mũi vàng xanh vì đây đã là biến chứng viêm xoang của đợt viêm mũi họng do lạnh (cảm lạnh)", PGS Đào cho biết.

Điều trị cảm lạnh như thế nào? 

Bác sĩ cũng lưu ý, với tình trạng cảm lạnh, các thuốc dùng vẫn phải do thầy thuốc quyết định. Bên cạnh các thuốc có thành phần kể trên, thầy thuốc có thể kê thêm các thuốc điều trị tại chỗ của mũi như thuốc co mạch mũi, thậm chí là kháng sinh khi cần thiết. 

Với thuốc co mạch mũi, trên thị trường hiện nay, có hai dạng bào chế chính là thuốc nhỏ mũi và thuốc xịt mũi, hoạt chất chính xylometazolin, naphtazoline. Thuốc được các bác sĩ khuyến cáo chỉ nên sử dụng trung bình trong 5-7 ngày/đợt điều trị. 

Theo PGS Đào, nếu sử dụng các thuốc này trong thời gian dài sẽ dẫn đến hiện tượng khô niêm mạc mũi, ngạt mũi nhiều hơn, làm giảm tính đàn hồi của mạch máu trong niêm mạc mũi, làm hư hệ thống màng nhầy - lông chuyển. Do đó, việc đáp ứng của niêm mạc mũi đối với thuốc ngày càng giảm, tạo nên bệnh viêm mũi do ngạt mũi kéo dài. 

Một số thuốc chống viêm Etanolamine, Ster acid, disodium phosphate, Argyrol 1% là loại thuốc có muối bạc (Ag NO3) có tác dụng sát trùng nhẹ, làm săn niêm mạc mũi.

Sau khi khám, đánh giá khả năng tự phục hồi của niêm mạc mũi, để tránh tình trạng viêm nhiễm tấn công vào xoang, bác sĩ cũng có thể kê thêm kháng sinh nhóm beta lactam dự phòng bội nhiễm sau cảm lạnh

Việc điều trị sớm hay muộn của người bệnh còn có giá trị tiên lượng hiệu quả. Do đó, nếu sau cảm lạnh 2 ngày các triệu chứng không thuyên giảm, người bệnh phải đến khám tại các cơ sở y tế mà không nên tự ý mua thuốc tại các nhà thuốc. 

Vì nếu viêm mũi đơn thuần do lạnh, hoặc thậm chí viêm mũi mủ do bội nhiễm sau cảm lạnh, việc điều trị chỉ cần 7 - 10 ngày. Tuy nhiên, nếu bệnh diễn biến thành viêm mũi xoang bạn sẽ phải điều trị trong 1 - 3 tháng, PGS Đào cho biết. 

Đồng thời, viêm mũi xoang là một biến chứng từ viêm mũi họng thông thường nên khả năng phục hồi của niêm mạc mũi, xoang rất khó khăn và thường sau đó viêm xoang rất dễ xảy ra và diễn biến nhanh hơn.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm