Cách nhận biết gà, ngan, vịt ăn chất Vàng ô

Thịt gà, ngan, vịt rất phổ biến trong bữa ăn gia đình, nhưng mới đây Bộ NN&PTNT đã phát hiện chất Vàng ô được trộn vào thức ăn chăn nuôi để tạo màu da vàng hấp dẫn cho gia cầm khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng.

Khi mua gia cầm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Ảnh: TL
Khi mua gia cầm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Ảnh: TL

Da gà vàng, trứng đỏ sậm nhờ Vàng ô

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm, Vàng ô (VAT Yallow) là hóa chất được dùng để nhuộm màu vải và làm vôi ve quét tường trong xây dựng. Nếu trộn vàng ô vào thức ăn cho gà sẽ khiến thịt gà, cá, trứng gia cầm trông bắt mắt, nhưng ăn chất này sẽ tích tụ lại và về lâu dài sẽ gây ung thư… đặc biệt là có thể gây ảnh hưởng rất tiêu cực đến ngành chăn nuôi gia cầm trong nước.

Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết, quá trình chăn nuôi các hộ chăn thả dùng chất Vàng ô để trộn vào thức ăn cho gà, khiến chúng tạo màu da thân, da chân và đặc biệt là lòng đỏ trứng gà có màu vàng bắt mắt. Sở dĩ có nạn nuôi gà bằng hóa chất vàng ô, nhuộm màu da gà vàng là do người Việt có thói quen thích gà và trứng gà có màu vàng đẹp mắt. Để đáp ứng nhu cầu, một số người chăn nuôi đã trộn chất này vào thức ăn chăn nuôi, kích thích gia cầm ăn vào cho màu da vàng đẹp, bắt mắt, dễ bán.

Gia cầm ăn thức ăn có trộn chất Vàng ô, không tăng chất dinh dưỡng ở thịt, mà còn gây bệnh nguy hiểm. Cụ thể như bị dị ứng, ngộ độc, ảnh hưởng đến gan, hệ thần kinh và thận, lâu ngày có thể gây ung thư. Với trẻ nhỏ hấp thụ quá nhiều chất này có thể bị các chứng kích thích, hiếu động thái quá, lơ đãng, thiếu tập trung.

Nhiều người cho rằng, mua gà sống về nuôi thả vườn, nuôi lồng nửa tháng mới ăn, với mong muốn để gà thải bớt những chất độc, kháng sinh trong cơ thể chúng. Nhưng theo TS Nguyễn Duy Thịnh, khi cơ thể con vật ăn thức ăn có chứa hóa chất cấm bản thân nó không tiêu hóa được, cũng không thải được và cứ tích lũy trong thịt và nội tạng gia cầm. Đặc biệt là trong lòng đỏ trứng. Vì vậy cách mua gà về rồi nuôi thêm nửa tháng, 1 tháng cũng không đào thải được các chất đó trong những con gia cầm đã ăn phải.

Cách nhận biết gia cầm sạch

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, người tiêu dùng cần phải thay đổi thói quen chọn thịt gà theo cảm quan màu sắc, mà hãy lựa chọn những thực phẩm tốt cho sức khỏe. Không nhất thiết gà phải vàng mà gà sạch là gà không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi. Da gà màu vàng tươi tự nhiên, màu trắng ngà, sờ vào không bị màu dính ra tay.

Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho rằng, người dân không nên quá nặng nề về cảm quan màu sắc, khi thấy da gà có màu vàng khác thường thì không nên mua. Hãy chọn gà có thương hiệu, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng… Khuyến khích mua gà trong các siêu thị, mua gà ở các cửa hàng tin cậy, có giao kèo để lựa chọn. Với thịt gà làm sẵn, nên chọn những con có dấu kiểm dịch của cơ quan thú y.

Các chuyên gia khuyên, khi mua gia cầm thịt sẵn, nên chọn con có màu vàng nhạt, nhưng cánh, ức, lưng vàng đậm, mỡ màu vàng. Thịt nhìn thấy tươi, không có mùi kháng sinh hoặc mùi hôi. Da không có vết tụ máu, hay bầm tím. Nên chọn gia cầm sống, mổ tại chỗ để mua được gia cầm tươi ngon. Có một cách rất dễ để người tiêu dùng phân biệt gà, ngan, vịt nhuộm màu độc hại là da của nó có màu vàng óng đẹp và đều, nhưng phần mỡ lại trắng (do bên trong của những con gia cầm này không bị chuyển màu) hoặc có thể thử bị nhuộm hóa chất bằng cách: Vắt ít nước cốt chanh hoặc ít nước muối vào, nếu da gà bị nhuộm sẽ đổi màu.

 

Nhận biết thịt lợn có hoá chất

Lợn ít bị nuôi bằng thức ăn trộn Vàng ô hơn vì không có chỗ cần tạo màu như gà. Nhưng lợn có thể bị nuôi bằng cám tăng trọng, siêu nạc, tiêm hóa chất, gây nguy hại cho người ăn. Nếu cấp tính có thể bị tiêu chảy. Ăn một khoảng thời gian nhất định có thể gây ngộ độc, nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, bệnh tim mạch, huyết áp, rối loạn tiêu hóa…

Chọn mua thịt lợn:

- Chọn miếng thịt lợn màu hồng sáng, mỡ trắng, bì lợn trắng.

Không nên chọn:

- Miếng thịt lợn có màu đỏ tươi khác thường, sáng và bóng.

- Thịt lợn có chỗ nạc – mỡ giáp nhau tách rời rõ rệt, có nước dịch màu vàng rỉ ra thì đó là thịt siêu nạc.

- Khi đun nấu ra nhiều nước, hao thịt, mùi thịt hôi (không thơm) – không nên ăn.

- Lớp mỡ dưới da lợn mỏng, lỏng lẻo không nên mua vì hóa chất làm lớp mỡ lợn siêu nạc mỏng hẳn, có khi chưa dày đến 1cm (mỡ lợn bình thường dày 1,5 - 2cm).

- Nếu thái thịt thấy mềm oặt, miếng thịt không đứng thẳng được trên bàn rất có thể thịt đã nhiễm chất tăng trọng, không nên ăn.

Khuyến khích người dân mua thịt lợn tại siêu thị đã được cơ quan kiểm tra và đóng dấu an toàn.

TS Nguyễn Duy Thịnh

Theo Uyển Hương

Báo Gia đình & Xã hội

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm