1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách ly ngay những người đến khám có tiền sử dịch tễ chưa rõ

(Dân trí) - Cách ly ngay người đến khám có tiền sử dịch tễ chưa rõ, giãn hoặc hoãn các ca mổ phiên, tăng cường khám online… là những biện pháp khẩn nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19 từ cộng đồng vào bệnh viện.

Ngày 6/4, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã có công điện khẩn gửi các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; y tế các bộ, ngành… về việc tiếp tục tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Theo Ban Chỉ đạo cho biết, hiện nay, dịch bệnh Covid-19 có diễn biến mới rất phức tạp, đã có sự lây nhiễm từ cộng đồng vào cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và ngược lại.

Vì thế, nhằm bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng, Ban chỉ đạo Quốc gia điện Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc bệnh viện, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan nghiêm túc thực hiện ngay các việc sau:

Cách ly ngay những người đến khám có tiền sử dịch tễ chưa rõ - 1

Giám đốc các cơ sở y tế cần nâng cấp các biện pháp phòng, chống dịch. Tất cả những người đến khám có biểu hiện nghi ngờ hoặc tiền sử dịch tễ chưa rõ ràng đều cần được chỉ định xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay hoặc cách ly, chuyển tuyến đúng. 

Đồng thời khẩn trương rà soát việc đón tiếp, sàng lọc, phân luồng, khám bệnh, cách ly, chuyển tuyến người nghi nhiễm Covid-19 theo đúng chỉ đạo. Cần tập huấn và triển khai việc sàng lọc người nghi nhiễm cẩn thận. Bảo đảm tất cả người bệnh, người nhà người bệnh đều phải được mang khẩu trang và vệ sinh tay đúng quy định ngay từ nơi tiếp nhận. 

Bên cạnh đó, bảo đảm đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân đạt chuẩn cho tất cả nhân viên y tế khi khám và điều trị cho người nhiễm hoặc nghi nhiễm Covid-19. Trường hợp người bệnh cấp cứu chưa khai thác được yếu tố nguy cơ thì kíp cấp cứu phải mang đầy đủ trang phục phòng hộ cá nhân như khi cấp cứu người nhiễm Covid-19.

Dựa trên tình hình thực tế, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bố trí các phòng khám theo nguyên tắc ở khu vực bên ngoài các khối nhà chính, khối nhà nội trú; phòng ngừa tối đa nguy cơ lây nhiễm vào các khu bên trong.

Các bệnh viện tuyến trên ưu tiên nhận người bệnh nặng, cấp cứu, chuyển tuyến; hạn chế tối đa nhận các trường hợp khám bệnh thông thường mà tuyến dưới thực hiện được. Tăng cường khám bệnh, tư vấn theo các hình thức trực tuyến, điện thoại, viễn thông để giảm lưu lượng người đến khám bệnh. Giãn, hoãn việc mổ phiên các trường hợp trì hoãn được.

Các bệnh viện cần rà soát, bố trí, sắp xếp hợp lý nhân lực bảo đảm cho công tác khám, chữa bệnh trong giai đoạn chống dịch hiện nay và nếu có diễn biến tăng lên.

Ban Chỉ đạo Quốc gia đề nghị Giám đốc Sở Y tế, Giám đốc các bệnh viện và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chỉ đạo các đơn vị và khẩn trương triển khai thực hiện. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm nếu không triển khai các biện pháp phòng chống việc lây nhiễm Covid-19 tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Trước đó liên quan đến bệnh nhân Covid-19 thứ 237 hàng chục y bác sĩ của 4 bệnh viện: Việt Pháp, Đức Giang, Huyết học-Truyền máu Trung ương và Bệnh viện E đã phải cách ly, lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm lần đầu đều cho kết quả âm tính. 

Đến sáng 6/4 Việt Nam ghi nhận 241 ca mắc Covid-19. 91 bệnh nhân được tuyên bố khỏi bệnh. Trong số các bệnh nhân đang nằm điều trị, có 52 trường hợp xét nghiệm đã âm tính 1-2 lần.

 

Nam Phương