1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cách hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước

(Dân trí) - Để giảm thiểu các ca tử vong đáng tiếc do chết đuối, ngoài việc cảnh báo cho trẻ, một kỹ năng cần thiết mà các bậc phụ huynh nên biết đó là cách hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước.

Trẻ em Việt Nam ít được học bơi bài bản. Trong khi đó, ở các nước phát triển, người ta khuyến cáo cha mẹ nên cho con đi học bơi từ khi tròn 1 tuổi (nếu trẻ phát triển chậm tinh thần và thể chất thì để muộn hơn). Tất nhiên, không phải cứ biết bơi là không chết đuối.

 

Để tránh chết đuối, có nhiều điều khác phải dạy cho trẻ và cả người lớn: không đi vào những nơi nguy hiểm, biết cách gọi người giúp đỡ khi cần thiết, sử dụng phao cứu sinh đạt tiêu chuẩn. Và có một kỹ năng cần thiết mà các bậc ông bà, bố mẹ nên biết đó là cách hô hấp nhân tạo (tức hà hơi thổi ngạt và ép tim ngoài lồng ngực) cho trẻ 1 - 8 tuổi:

 

Cách hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước


1. Kiểm tra phản ứng. Lắc hoặc vỗ nhẹ vào đứa trẻ. Kiểm tra xem trẻ có cử động hoặc hoặc phản ứng gì không. Hỏi to trẻ “Con/cháu có sao không?”

 

2. Nếu trẻ không có phản ứng, tìm kiếm sự cứu giúp ngay. Nhờ ai đó gọi cấp cứu và đi lấy một máy trợ tim tự động bên ngoài (AED) nếu có. Không được để đứa trẻ nằm một mình để đi gọi cấp cứu hoặc lấy máy AED cho đến khi bạn đã thực hiện hô hấp nhân tạo cho trẻ trong khoảng 2 phút.

 

3. Cẩn thận đặt đứa trẻ nằm ngửa. Nếu trẻ có nguy cơ bị chấn thương cột sống, nên có hai người di chuyển trẻ để ngăn chặn việc đầu và cổ bị xoắn.
 

 

Cách hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước


4. Làm thông đường hô hấp. Nâng cằm đứa trẻ lên bằng một tay. Đồng thời, dùng tay kia ấn nhẹ xuống trán.

 

5. Hãy nhìn, lắng nghe, và cảm nhận hơi thở. Để tai của bạn sát miệng và mũi của trẻ. Theo dõi cử động lồng ngực. Cảm nhận hơi thở của trẻ bằng má của bạn

 

6. Nếu không thấy trẻ tự thở:

- Dùng miệng của bạn ngậm chặt miệng của trẻ;

- Bịt kín mũi trẻ;

- Nâng cằm và giữ đầu của trẻ hơi ngửa ra;

- Thổi 2 lần liên tiếp. Mỗi lần thổi khoảng một giây, và nếu thổi đúng thì phải thấy ngực trẻ phồng lên.

 

7. Thực hiện ép ngực:

- Đặt một gan bàn tay lên xương ức - ngay dưới núm vú - không được để gan bàn tay xuống tận phía cuối của xương ức;

- Đặt bàn tay kia của bạn trên trán của trẻ, giữ cho đầu hơi ngửa ra .

- Ấn lồng ngực của đứa trẻ để nén khoảng 1/3 đến 1/2 chiều cao của ngực;

- Ép ngực 30 lần. Sau mỗi lần ép, hãy để ngực phồng lên hoàn toàn. Ép ngực nhanh, dứt khoát, và liên tục. Vừa ép vừa đếm nhanh từ 1 đến 30 thì dừng.

Cách hô hấp nhân tạo cho trẻ bị đuối nước


 

8. Thổi ngạt hai lần nữa. Thấy lồng ngực trẻ căng lên là thổi đúng.

 

9. Tiếp tục hô hấp nhân tạo (ép ngực 30 lần, sau đó thổi ngạt 2 lần, sau đó lặp lại) trong khoảng 2 phút.

 

10. Sau khi đã thực hiện hô hấp nhân tạo khoảng 2 phút, nếu đứa trẻ vẫn không có hơi thở bình thường, ho, hoặc cử động gì, nếu bạn đang một mình cũng cứ để đứa trẻ nằm đó để gọi người cấp cứu hoặc 115 ngay.  Nếu có máy AED cho trẻ em, sử dụng ngay.

 

11. Tiếp tục bước 9 cho đến khi trẻ hồi phục hay người trợ giúp đến.

 

Nếu đứa trẻ bắt đầu tự thở được, để trẻ nằm nghỉ. Theo dõi nhịp thở của trẻ cho đến khi người giúp đỡ đến.

 

Chú ý: Nếu không có người hướng dẫn bạn thực hiện hô hấp nhân tạo một cách chuyên nghiệp, có thể tự tập ở nhà. Dễ, nhưng không tập thì lúc cần cũng không thể làm được.

 

Mỗi năm khoảng 3.500 trẻ chết đuối

 

Ngày 22/5, phó cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) Nguyễn Trọng An cho hay từ đầu năm 2012 đến nay đã có trên 200 trẻ em bị chết đuối, tăng so với cùng kỳ 2011.

 

Theo ông An, trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 3.500 trẻ bị chết đuối, năm 2010 có giảm còn khoảng 2.800 trẻ, nhưng tăng vọt vào năm 2011 lên gần 3.500 em.

 

Trả lời câu hỏi vì sao không phát động chiến dịch dạy bơi cho trẻ em thông qua hình thức lắp bể bơi thông minh tại các địa phương, ông An cho rằng một tỉ lệ lớn trẻ bị chết đuối là nhóm dưới 6 tuổi, nhóm tuổi khó khăn trong việc dạy bơi.

 

Theo thống kê của Bộ Lao động - thương binh và xã hội, Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa là ba địa phương có số trẻ chết đuối cao nhất nước, từ 132-180 em/địa phương/năm. Tiếp đến là khu vực Tây nguyên, ĐBSCL, bắc miền Trung từ 75-100 em/địa phương/năm… Đề án giảm chết đuối cho trẻ em đã được triển khai từ năm 2009, nhưng cho đến nay vì nhiều lý do, vẫn còn 7/15 tỉnh thành tham gia đề án chưa giảm số trẻ bị chết đuối.

 

Theo L.Anh

Tuổi trẻ

TS. BS. Quốc Nguyễn