Cách chữa mụn bọc
"Trên mặt tôi thường có những mụn trứng cá rất to, ban đầu đỏ sau có mủ, khi vỡ mủ để lại vết thâm rất lâu, có nốt để lại sẹo trông rất xấu. Xin hỏi bệnh này chữa như thế nào?".
Trả lời:
Theo bạn mô tả thì đó trứng cá bọc, thường gặp ở lứa tuổi 18-40. Nguyên nhân gây bệnh là sự gia tăng bài tiết chất bã nhờn ở hệ thống nang lông tuyến bã kèm theo tình trạng nhiễm khuẩn tại chỗ.
Trứng cá bọc thường gặp ở vùng mặt, đôi khi ở lưng, mông. Lúc đầu là vài cục sần đỏ cứng nhỏ, sau lớn dần lên, riêng rẽ hoặc liên kết lại thành mảng, sau đó mềm dần, mọng và vỡ ra chảy mủ máu. Sau khi khỏi, mụn vẫn để lại vết thâm, có khi để lại sẹo lõm hoặc lồi tùy cơ địa của từng người.
Người bị trứng cá bọc cũng hay bị trứng cá thông thường đi kèm. Trứng cá bọc thường phát đi phát lại thành nhiều đợt, đến tuổi 25 có thể giảm rõ rệt hoặc khỏi hẳn.
Để hạn chế sự phát triển của trứng cá bọc, phải giữ vệ sinh cho da khô, sạch sẽ, không dùng tay để nặn, nhể trứng cá, không thức khuya quá, không lao động quá sức kể cả lao động trí óc. Hạn chế các chất cay, nóng, chất kích thích thần kinh như rượu bia, cà phê và thức ăn đồ uống quá ngọt như sữa đặc, mít, xoài...
Việc điều trị trứng cá bọc đòi hỏi kiên trì và có sự hướng dẫn sử dụng thuốc của thày thuốc chuyên khoa da liễu.
Theo BS. Đỗ Quang Huy
Sức khỏe & Đời sống