Cách ăn buffet khôn ngoan
Đa số người ăn buffet vì sức hấp dẫn của các món ăn nên hầu như ai cũng ních một bụng thật no. Hậu quả sau đó là không thể kiềm chế tình trạng nặng bụng, khó tiêu và mệt mỏi, nhất là đối với người tuổi trung niên trở lên.
Cách ăn buffet (thực khách tự lấy thức ăn) ngày càng phổ biến và được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên để tránh những hệ luỵ không tốt cho sức khoẻ, ta hãy khôn ngoan chọn lựa món ăn ngon, vừa miệng mà vẫn cảm thấy khoẻ khoắn, không bị tăng cân sau nhiều buổi buffet liên tục.
Đừng cố bắt tội dạ dày
Đầu tiên, khi bước vào phòng ăn, khoan vội đến ngay quầy lấy dĩa mà hãy đi lướt qua một vòng thưởng ngoạn xem thực đơn hôm nay có những món gì và vị trí các món ăn sắp đặt ở đâu. Khi đó, trong đầu đã “chấm” sẵn các món “dứt khoát” ăn, kế đến là các món dự định thử cho biết. Sau khi kết thúc một vòng thì chắc là bạn đã đói lắm rồi. Hãy lấy dĩa và chọn cho mình các món ăn khai vị đầu tiên. Khi chọn món, cần lưu ý:
Món hấp, luộc, xúp sẽ tốt cho bạn hơn: Hạn chế các món quá nhiều chất béo như thịt mỡ, món chiên quay, nhất là món tẩm bột chiên vì rất giàu năng lượng. Bạn sẽ phải vận động thể lực rất tích cực nhiều ngày sau đó mới tiêu được hết phần năng lượng này. Ăn quá nhiều béo cũng rất khó tiêu. Nhớ ăn kèm rau các loại để hạn chế hấp thu chất béo. Tuy nhiên lưu ý khi dùng các loại nước xốt béo (mayonnaise) dùng cho món rau trộn vì chứa nhiều năng lượng.
Chọn thịt nạc, thịt gia cầm (bỏ da), các loại cá và hải sản một cách vừa đủ: Ăn nhiều đạm quá cũng gây đầy bụng, khó tiêu. Món nướng cũng khá hấp dẫn nhưng nên chọn loại không bị cháy và ám khói. Thịt cháy, nhất là thịt mỡ cháy sẽ chứa nhiều độc chất rất có hại. Các món ăn nhiều muối như thịt xông khói, dưa muối mặn, các món kho mặn, các loại nước xốt chỉ nên ăn ít thôi.
Thử trước một ít với món lạ: Nếu nếm thử thấy được thì hãy ăn thật. Đừng thấy món ăn trông bắt mắt mà lấy thật nhiều, bởi nếu không hạp khẩu vị sẽ rất phí. Người có cơ địa dị ứng nên thận trọng với các món ăn lạ. Tốt nhất nên hỏi nhân viên nhà hàng xem thành phần món đó là gì trước khi chọn ăn. Nếu chọn các món Nhật như sushi thì cũng tốt nhưng hãy thử một ít wasabi xem bạn có chấp nhận được không. Nó cay đến tận mũi đấy.
Ăn sau cùng các món giúp no bụng: Như cơm chiên, cơm trắng, xôi, bún…, khi đã thử hầu hết các món ưa thích mà bụng vẫn còn chỗ trống.
Không uống quá nhiều khi ăn: Vì sẽ làm no căng bụng và dịch vị bị pha loãng, khó tiêu. Hãy chọn thức uống là nước ép trái cây và uống từng ít một. Vitamin từ trái cây rất có lợi. Nước ép thơm có chứa nhiều men tiêu đạm, phù hợp với bữa ăn thịnh soạn.
Ăn trái cây tráng miệng thay vì chè bánh: các món chè bánh sẽ níu kéo sự chú ý của bạn. Thế nhưng lúc này bạn đã no lắm rồi và các món này cũng giàu năng lượng không kém. Hãy cân nhắc khi lấy thêm món nào lúc này. Có lẽ ăn một ít trái cây tráng miệng sẽ là chọn lựa tốt nếu bạn đã no. Đừng cố bắt tội cái dạ dày khốn khổ của bạn. Nó sẽ không thể làm việc nổi với cái mớ hỗn độn mà bạn vừa nạp vào.
Ăn chậm, dừng đúng lúc
Nên ăn chậm rãi để thưởng thức món ăn, trò chuyện với bạn bè để cảm nhận chính xác cảm giác no. Ăn nhanh quá sẽ dễ dẫn đến ăn quá mức cần thiết do não chưa kịp nhận được tín hiệu no từ dạ dày gởi lên.
Khi ăn buffet, món ăn luôn đa dạng và sẵn có nhưng dạ dày của bạn lại rất hạn chế. Do vậy, chỉ nên lấy thức ăn mỗi thứ một ít, dù là với món cực kỳ ưa thích. Bạn sẽ còn cơ hội quay lại lấy thêm nếu bụng vẫn còn sức chứa. Đừng sợ món ăn hết mà lấy thật nhiều. Không nên tốt bụng lấy giúp thức ăn cho bạn bè khi ăn buffet vì ai cũng có quyền lựa chọn và khẩu vị mỗi người mỗi khác. Có ai đo được dạ dày của người khác đâu, mình còn chưa biết mình đã no chưa nữa là.
“Văn hoá ăn buffet” không cho phép bạn để thừa một tí thức ăn nào vì ăn cái gì và bao nhiêu là quyền của bạn. Người có các bệnh mãn tính như tăng huyết áp, thừa cân béo phì, bệnh gút (gout), đái tháo đường, tăng cholesterol máu, rối loạn mỡ máu… cần hết sức tỉnh táo khi ăn buffet.
Bữa ăn buffet sẽ rất có lợi cho bạn nếu biết cách chọn lựa món ăn hợp với sức khoẻ của mình và hãy nhớ dừng đúng lúc!
Theo TS.BS Trần Thị Minh Hạnh
Trưởng khoa dinh dưỡng cộng đồng/SGTT