Các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT là quy định bắt buộc
(Dân trí) - "Việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý', đại diện Cục Quản lý Dược cho biết.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) kết nối các cơ sở cung ứng thuốc sẽ giúp Việt Nam "chia tay" với hình ảnh mua thuốc dễ như mua rau hiện nay.
Để bạn đọc hiểu hơn về vấn đề này, Báo Dân trí phối hợp với Bộ Y tế tổ chức cuộc giao lưu trực tuyến “Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý bán thuốc theo đơn” với khách mời:
- Bà Nguyễn Minh Hoài – Tổ trưởng Tổ đề án Ứng dụng Công nghệ Thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc của Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
- Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
Đánh giá về tình trạng dễ dàng mua thuốc dù không có đơn, Bộ trưởng Tiến cho rằng, đến nay chỉ còn Việt Nam và một số rất ít nước trên thế giới, người dân cứ có nhu cầu là có thể tự mua thuốc ở bất kì nhà thuốc nào.
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THEO DÕI TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU VỚI CÁC KHÁCH MỜI TẠI ĐÂY
Bộ trưởng Tiến cho rằng nhiều người dân Việt đã có thói quen cứ đau bụng, tiêu chảy, đau đầu là ra kể bệnh ở nhà thuốc là được bán thuốc. Tình trạng mua bán thuốc không theo đơn, đặc biệt là thuốc kháng sinh đã dẫn đến nguy cơ kháng kháng sinh ngày càng hiện hữu. Bên cạnh đó, vẫn còn có tình trạng mua bán thuốc không rõ nguồn gốc, thuốc giả, thuốc kém chất lượng trên thị trường. Hệ thống phân phối thuốc còn trải qua nhiều khâu trung gian, gây khó khăn khi truy xuất nguồn gốc và kiểm soát chất lượng thuốc.
Đề án tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn giai đoạn 2017-2020 và Dự án kết nối mạng toàn quốc các cơ sở cung ứng thuốc đang tiếp tục triển khai. Mục tiêu trong năm 2018 sẽ kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc.
Trước đó, từ ngày 4/1/2018, Bộ Y tế đã triển khai thí điểm ứng công nghệ thông tin đối với nhà thuốc tại 4 tỉnh Phú Thọ, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Nam Định, tỉnh Vĩnh Phúc. Dự kiến trong năm 2018, dự án kết nối mạng tất cả các nhà thuốc trên toàn quốc sẽ hoàn thành, nhằm mục tiêu kiểm soát xuất xứ, giá cả thuốc được mua vào – bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc để góp phần giám sát việc bán thuốc theo đơn, kiểm soát giá thuốc và chất lượng thuốc.
Bộ Y tế cho rằng việc nối mạng hệ thống nhà thuốc không chỉ kiểm soát việc kê đơn thuốc, bán thuốc theo đơn mà còn góp phần kiểm soát được giá thuốc, việc thu hồi thuốc và hạn chế được tình trạng kinh doanh thuốc giả, thuốc kém chất lượng, thuốc không rõ nguồn gốc tại các nhà thuốc.
Với quy định này, tất cả các cơ sở bán lẻ cũng bắt buộc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT với lộ trình cụ thể. Theo đó, đối với nhà thuốc: Đến 01/01/2019 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Đối với Quầy thuốc: Đến 01/01/2020 phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra. Có cơ chế chuyển thông tin về việc mua bán thuốc, chất lượng thuốc giữa các nhà cung cấp với khách hàng cũng như việc chuyển Giao thông tin cho cơ quản lý liên quan khi được yêu cầu.
Đối với Tủ thuốc trạm y tế xã: Đến 01/01/2021 phải có thiết bị và thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả, nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra.
Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện trên toàn quốc có 41.394 cơ sở bán lẻ, trong đó 12.734 nhà thuốc tư nhân; 1200 nhà thuốc trong các cơ sở khám chữa bệnh; 12.425 quầy thuốc, 7300 đại lý.
“Giai đoạn đầu với dự án này, chắc chắn sẽ có khó khăn khi thay đổi thói quen đó, nhà thuốc chỉ bán thuốc theo đơn. Tuy nhiên, với dự án này, chúng ta sẽ chia tay hình ảnh đó, mong rằng Việt Nam không còn là nước trong rất ít nước còn lại trên thế giới, người dân có thể thoải mái tự mua thuốc ở nhà thuốc”, Bộ trưởng Tiến nói.
Giao lưu trực tuyến: Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý bán thuốc theo đơn
Dưới đây là một số nội dung câu hỏi giao lưu:
Minh Trần - Nam 43 tuổi
Xin hỏi, nếu ứng dụng CNTT nhưng nếu nhà thuốc không nhập dữ liệu thì làm thế nào để quản được? Làm thế nào để giám sát hoạt động của nhà thuốc có kết nối CNTT? Có xảy ra tình trạng bán thuốc "chui" không?
Bà Nguyễn Minh Hoài :
Như đã trao đổi ở trên, một trong những kết quả của việc triển khai UDCNTT kết nối cơ sở cung ứng thuốc là việc Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng CNTT kết nối liên thông cơ sở cung ứng thuốc phiên bản 1.0 bao gồm23 tiêu chí chuẩn yêu cầu đầu ra phần mềm kết nối từ cơ sở bán lẻ thuốc với Sở Y tế, Bộ Y tế.
Từ chuẩn này, cơ quan quản lý có thể truy xuất được đầy đủ thông tin của thuốc như số đăng ký, nhà sản xuất, nhà nhập khẩu, cơ sở cung cấp thuốc, giá bán lẻ, số lô, hạn dùng, số lượng nhập, số lượng bán, số lượng tồn, ngày nhập, số hóa đơn cũng như mã cơ sở bán thuốc… để kiểm tra khi có nhu cầu và Cơ quan quản lý có thể phân tích được dữ liệu sử dụng thuốc ở các địa bàn, chỉ đạo luân chuyển kịp thời khi có dịch bệnh thông qua việc kiểm tra, giám sát cũng như tổng hợp báo cáo của các đơn vị gửi về trên trang thông tin điện tử của đơn vị.
Bà Nguyễn Minh Hoài – Tổ trưởng Tổ đề án Ứng dụng Công nghệ Thông tin kết nối cơ sở cung ứng thuốc của Cục Quản lý Dược.
Việc quy định các nhà thuốc phải có thiết bị và triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng bảo đảm kiểm soát xuất xứ, giá cả nguồn gốc thuốc mua vào, bán ra là quy định bắt buộc. Vì vậy các nhà thuốc nào không chấp hành là vi phạm quy định và sẽ bị xử lý. Hiện nay, Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế đang được sửa đổi, Bộ Y tế sẽ rà soát bổ sung những hành vi vi phạm về việc không chấp hành triển khai ứng dụng CNTT thực hiện kết nối mạng với mức phạt đủ sức răn đe, ngoài hình thức xử phạt bằng tiền, có hình thức xử phạt bổ sung tước giấy chứng nhận điều kiện kinh doanh dược, tước chứng chỉ hành nghề dược.
Các nhà thuốc trong quá trình hoạt động, ngoài việc định kỳ phải kiểm tra thẩm định việc đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc 03 năm 01 lần, còn phải chịu sự kiểm tra đột xuất, hoặc kiểm tra theo kế hoạch của các cơ quan chức năng như Bộ Y tế, Sở Y tế, quản lý thị trường…Vì vậy nếu cơ sở nào vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định.
Kiều Minh - Nữ 28 tuổi
Xin hỏi bác sĩ, với trẻ con cảm sốt thông thường, tôi không cho con đi khám mà theo dõi tại nhà. Vậy với quy định này tôi có được mua thuốc hạ sốt, oresol... ở nhà thuốc hay không?
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp :
Với các thuốc thông thường như thuốc hạ sốt, giảm đau, oresol... là những thuốc nằm trong nhóm không cần kê đơn. Vì thế, khi có nhu cầu mua các loại thuốc này, bệnh nhân không cần phải có đơn của bác sĩ.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp
Tuy nhiên, trong những trường hợp có các dấu hiệu nặng, như sốt không hạ, sốt kéo dài... thì cần đưa bệnh nhân đi khám để có thể phát hiện những nguy cơ diễn biến nặng để xử trí kịp thời.
Nguyễn Ánh Tuyết - Nữ 36 tuổi
Mẹ tôi bị bệnh xương khớp nên tháng nào cũng phải mua thuốc. Hay mua thuốc cho mẹ nên tôi biết đúng là có tình trạng mỗi nơi mỗi giá. Vậy khi thực hiện quy định này, người dân muốn tra giá thuốc để biết rằng loại thuốc này có nằm trong dải giá mà BYT cho phép thì làm thế nào?
Bà Nguyễn Minh Hoài:
Chào bạn.
Về giá thuốc, theo quy định tại Luật giá 2012 và Luật Dược 2016, một trong các nguyên tắc quản lý nhà nước về giá thuốc: “Quản lý giá thuốc theo cơ chế thị trường, tôn trọng quyền tự định giá, cạnh tranh về giá của tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc theo quy định của pháp luật”.
Hiện nay trên thị trường cả nước có khoảng gần 62.000 cơ sở bán lẻ thuốc, do đó có sự cạnh tranh mạnh mẽ theo cơ chế thị trường. Vì vậy, việc quản lý giá thuốc đối với các cơ sở bán lẻnày tại Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ thực hiện theo cơ chế niêm yết công khai giá bán để người dân khi mua thuốc biết và so sánh, lựa chọn cơ sở bán lẻ có giá bán phù hợp, cụ thể:
Các cơ sở bán lẻ thuốc phải thực hiện việc niêm yết giá bán lẻ từng loại thuốc tại cơ sở bán lẻ thuốc;
Việc niêm yết giá bán lẻ thuốc được thực hiện bằng các hình thức in, ghi hoặc dán giá bán lẻ trên bao bì chứa đựng thuốc hoặc bao bì ngoài của thuốc; hoặc thông báo công khai trên bảng, trên giấy hoặc bằng các hình thức khác phù hợp và phải thuận tiện cho việc quan sát, nhận biết của khách hàng, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, không che khuất nội dung bắt buộc của nhãn thuốc;
Về việc kết nối cơ sở cung ứng thuốc, Bộ Y tế Bộ Y tế đã ban hành chuẩn yêu cầu dữ liệu đầu ra phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin kết nối liên thông các cơ sở bán lẻ thuốc bao gồm nhiều tiêu chí khác nhau. Các tiêu chí này nhằm đảm bảo việc truy xuất nguồn gốc thuốc, kiểm soát xuất xứ, nguồn gốc, chất lượng, hạn sử dụng, giá cả thuốc được mua vào, bán ra ở mỗi nhà thuốc trên toàn quốc.
Người dân có thể so sánh giá để mua thuốc với chi phí hợp lý qua việc sử dụng ứng dụng trên điện thoại hoặc tra cứu thông tin trên website… tương tự như các hàng hóa thông thường khác vốn đã được áp dụng trong nền tảng thương mại điện tử hiện nay.
Ngoài ra, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế)công bố trên trang thông tin điện tử của Cục Quản lý Dược thông tin giá bán buôn thuốc do các cơ sở sản xuất, nhập khẩu thuốc kê khai, kê khai lại và giá thuốc trúng thầu của các cơ sở y tế trên cả nước báo cáo.
...
BẠN ĐỌC CÓ THỂ THEO DÕI TOÀN BỘ BUỔI GIAO LƯU VỚI CÁC KHÁCH MỜI TẠI ĐÂY
Báo Dân trí