Các nhà khoa học Nhật Bản giải mã lý do người Châu Á dễ mắc ung thư dạ dày
(Dân trí) - Nguy cơ mắc ung thư dạ dày của người Châu Á cao bất thường là do một kiểu đột biến gen đặc trưng, kết hợp cùng thói quen sử dụng đồ uống có cồn.
Một nhóm các nhà khoa học đến từ nhiều viện nghiên cứu của Nhật Bản đã phát hiện ra rằng, nguy cơ mắc ung thư dạ dày của người Châu Á cao một cách bất thường là do một kiểu đột biến gen đặc trưng, kết hợp cùng thói quen sử dụng đồ uống có cồn. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí khoa học Science Advances.
Ung thư dạ dày là loại ung thư khởi phát trên thành dạ dày. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng, chế độ ăn, độ tuổi và một số các bệnh lý dạ dày là những yếu tố nguy cơ của căn bệnh nan y này. Cùng với đó, theo nhiều công trình khoa học, những người Châu Á lại có nguy cơ mắc ung thư dạ dày cao hơn dân cư ở những khu vực khác trên thế giới.
Về vấn đề này, nhóm tác giả đã đặt ra giả thiết rằng, các đột biến gen và thói quen sử dụng đồ uống có cồn có thể là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày ở người Châu Á.
Để khẳng định, họ đã tiến hành so sánh dữ liệu gen được thu thập từ 513 bệnh nhân mắc ung thư dạ dày, trong đó có cả người Châu Á và các khu vực khác. Bên cạnh đó, nhóm nghiên cứu cũng tiến hành thu thập 243 mẫu mô của các bệnh nhân người Nhật Bản. Ngoài ra, dữ liệu gen của 76 bệnh nhân Châu Á và 212 bệnh nhân không phải người Châu Á cũng được trích xuất thêm từ các nền tảng dữ liệu y tế.
Sau khi phân tích và so sánh những dữ liệu thu thập được. Nhóm tác giả phát hiện ra rằng, có 1 loại ung thư dạ dày liên quan đến đột biến gen ALDH2, loại gen đóng vai trò trong khả năng chuyển hóa rượu của cơ thể, thường gặp ở người Châu Á. Kết hợp cùng các dữ kiện khoa học khác, nhóm tác giả đưa ra kết luận: “Sự kết hợp giữa đột biến gen đặc trưng và thói quen sử dụng rượu bia có thể là yếu tố nguy cơ điển hình của căn bệnh ung thư dạ dày đối với người Châu Á. Thậm chí, ngay cả khi người Châu Á chỉ uống một lượng nhỏ đồ uống có cồn thì nguy cơ mắc ung thư dạ dày cũng sẽ tăng lên nhiều hơn các nhóm dân cư khác”.
Một phát hiện khác của nghiên cứu này là loại ung thư dạ dày vừa được đề cập còn sở hữu đặc điểm miễn dịch học đặc trưng. Nhóm tác giả cho rằng, loại ung thư này sẽ đáp ứng theo một cách riêng biệt với các liệu pháp miễn dịch vẫn thường được sử dụng, để điều trị ung thư dạ dày. Các số liệu cũng chỉ ra, một vài loại ung thư dạ dày có liên quan đến đột biến gây mất chức năng CDH1, xảy ra thường xuyên hơn ở người Châu Á.
Ở Việt Nam, ung thư dạ dày là bệnh lý ung thư đường tiêu hóa khá phổ biến, đứng thứ 2 ở nam giới và đứng thứ 5 ở nữ giới. Cứ 100.000 nam giới thì có 24,5 người mắc ung thư dạ dày. Hiện nay, việc chẩn đoán ung thư dạ dày thường gặp nhiều khó khăn do các triệu chứng bệnh dễ nhầm lẫn. Vì thế mà 70% bệnh nhân ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn tới cơ hội chữa khỏi không cao. Việt Nam cũng là một trong những nước có tỷ lệ người mắc ung thư dạ dày cao và tỷ lệ tử vong do ung thư dạ dày cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Minh Nhật
Theo MedicalXpress