Các nhà khoa học lạc quan về khả năng miễn dịch Covid-19 sẽ kéo dài
(Dân trí) - Những tin đồn về tái nhiễm Covid-19 đã lan truyền trong nhiều tháng, và thật khó để không lo ngại khi một số bệnh nhân dường như đã khỏi bệnh đột ngột dương tính trở lại, đôi khi là vài tháng sau đó.
Những trường hợp này rất hiếm và các bác sĩ tin rằng có thể xảy ra trong một số bệnh cảnh: sai sót trong xét nghiệm, hoặc virus tồn tại hoặc "ẩn náu" trong cơ thể để tái xuất hiện sau đó.
Đúng là các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu phản ứng của hệ thống miễn dịch đối với nhiễm virus corona. Cũng như nhiều thứ trong đại dịch này, có rất nhiều điều chúng ta chưa biết, đặc biệt là khi nói đến khả năng miễn dịch - nó tồn tại trong bao lâu, nó trông như thế nào trong cơ thể và ý tưởng về miễn dịch quần thể đóng vai trò như thế nào.
Gạt sang một bên những tin đồn, có một tin tốt ở đây, đó là các nhà khoa học đang rất lạc quan rằng những người bị nhiễm bệnh có khả năng miễn dịch Covid-19 lâu dài.
Tiến sĩ, nhà nghiên cứu miễn dịch học Marion Pepper, Đại học Washington, nói “tất cả các thành tố đểu cho thấy đáp ứng miễn dịch bảo vệ”.
Kháng thể virus corona là tuyến phòng thủ đầu tiên
Hầu hết các tin tức xung quanh khả năng miễn dịch đều tập trung vào các kháng thể, protein được sản sinh bởi các tế bào B bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Kháng thể Covid-19 tạo ra khả năng miễn dịch, nhưng câu hỏi là nó tồn tại trong bao lâu - và khoa học vẫn chưa cho chúng ta câu trả lời cụ thể.
Nghiên cứu hiện nay cho thấy nồng độ kháng thể giảm trong vòng 2 đến 3 tháng sau nhiễm trùng, nhưng các bác sĩ đã nhấn mạnh rằng đây là một phản ứng miễn dịch khá bình thường. “Đây là động học nổi tiếng của cơ chế hình thành kháng thể sau nhiễm trùng”, TS Michael Mina, nhà miễn dịch học tại Đại học Harvard, cho biết trong một bài báo trên New York Times về "tái nhiễm" Covid-19. "Chúng đạt mức rất cao và sau đó giảm xuống”. Điều này không nhất thiết có nghĩa là cơ thể không có khả năng tự vệ trước virus.
Một điểm quan trọng khác, các nhà khoa học không biết nồng độ kháng thể nào tạo ra khả năng miễn dịch đối với Covid19. Mala Maini, một nhà miễn dịch học về virus tại Đại học College London, cho biết: “Ngay cả một lượng nhỏ kháng thể vẫn có thể có khả năng bảo vệ. Trong trường hợp đó, ngay cả số lượng kháng thể thấp, như được tìm thấy ở bệnh nhân vài tháng sau khi nhiễm, vẫn có thể mang lại tác dụng bảo vệ nhất định. Và theo nghiên cứu, không chỉ Covid-19 cấp tính mới có thể tạo ra những phản ứng miễn dịch lâu dài này - một số nghiên cứu đang báo cáo rằng ngay cả những trường hợp nhiễm Covid-19 nhẹ cũng có tác dụng như vậy.
Tế bào T và tế bào B có thể bảo vệ lâu dài
Các kháng thể không phải là hình thức bảo vệ duy nhất của cơ thể: Tế bào T là một loại tế bào bạch cầu quan trọng mà các nhà khoa học đang nghiên cứu. Tế bào T có thể được chia thành một số nhóm khác nhau: loại đầu tiên, tế bào T trợ giúp CD4, xác định các tác nhân gây bệnh trong máu và khi tìm thấy, chúng sẽ thúc đẩy các tế bào B (một loại tế bào bạch cầu khác) bắt đầu quá trình tạo kháng thể để đối phó với virus. Một loại tế bào T khác, được gọi là tế bào T diệt CD8, xác định các tế bào bị nhiễm bệnh thông qua một quy trình hơi khác và tiêu diệt ngay tại chỗ.
Vì vậy, các tế bào này giúp chống lại nhiễm trùng đang hoạt động, nhưng chúng có liên quan gì đến khả năng miễn dịch Covid-19?
Đầu tiên, cả tế bào B và tế bào T diệt đều có tạo nên các hình thức bảo vệ lâu dài hơn. Các tế bào B có thể trở thành tế bào huyết tương tiếp tục sản sinh kháng thể trong vài tuần, sau đó di chuyển đến tủy xương để bảo vệ lâu dài, hoặc chúng có thể biến thành tế bào B ghi nhớ, một phần của "hệ thống giám sát" của cơ thể. Nếu cơ thể bạn bị nhiễm lại, các tế bào B ghi nhớ sẽ ghi nhớ virus và báo cho tế bào T trợ giúp, tế bào này có thể khởi động lại toàn bộ quá trình sản sinh kháng thể. Tế bào T diệt làm điều tương tự bằng cách biến thành tế bào T CD8 ghi nhớ, "mang đến phản ứng nhanh và lâu dài" nếu virus quay trở lại.
Đối với khả năng miễn dịch, tin tốt ở đây là các tế bào huyết tương, tế bào B ghi nhớ và tế bào T CD8 ghi nhớ đều gắn bó và bảo vệ cơ thể trong một thời gian dài, khác với các kháng thể sẽ suy yếu khi nhiễm trùng được chữa khỏi.
Đặc biệt, đối với Covid-19, một nghiên cứu gần đây trên tờ Cell đã phân lập tế bào T từ máu của những bệnh nhân khỏi bệnh đã lâu và phát hiện ra rằng chúng phản ứng tích cực với sự hiện diện của mầm bệnh corona, nhân lên thành tuyến phòng thủ bảo vệ.
Đáng chú ý, các tế bào T đặc hiệu với virus corona cũng được tìm thấy trong máu của những người đã tiếp xúc nhưng có kết quả xét nghiệm kháng thể âm tính - nghĩa là những người không có triệu chứng cũng có thể có sự bảo vệ nhất định, ngay cả khi họ không còn sản sinh (và không còn dương tính với) kháng thể.
TS Smita Iyer, chuyên gia miễn dịch học tại UC Davis, đã mô tả kết quả này là "rất hứa hẹn" trong bài báo về miễn dịch của NYT. Bà tiếp tục: “Điều này cho thấy sự lạc quan về khả năng miễn dịch quần thể, và tiềm năng của vắc-xin”, đồng thời nói thêm nghiên cứu này cho thấy bằng chứng “Bạn vẫn có thể có miễn dịch lâu bền mà không phải chịu hậu quả của nhiễm trùng”.
Bản thân các kháng thể cũng có thể giúp chúng ta tìm ra liệu các tế bào B và T có tồn tại lâu dài trong cơ thể hay không. Cụ thể, thực tế là chúng vẫn tồn tại nhiều tháng sau khi nhiễm trùng (như đã nói ở trên) cho thấy các tế bào B và T đang tồn tại, tạo ra kháng thể và tiếp tục thực hiện công việc của chúng. TS Deepta Bhattacharya, nhà nghiên cứu miễn dịch học tại Đại học Arizona, cho biết: “Mọi thứ đang thực sự hoạt động đúng như dự kiến”.
Bạn có thể trở nên miễn nhiễm với Covid-19 không?
Để chứng minh chắc chắn khả năng miễn dịch với COVID-19, các nhà khoa học sẽ cần bằng chứng trực tiếp rằng mọi người có thể chống lại virus sau lần phơi nhiễm thứ hai. Chúng ta chưa có điều đó, mặc dù trong hai nghiên cứu nhỏ, khỉ rhesus miễn nhiễm với virus sau khi phơi nhiễm một lần. Nhìn chung, hiện tại, các dấu hiệu đều tốt, cho thấy bằng chứng cơ thể có thể miễn dịch với virus trong ít nhất vài tháng và có thể lâu hơn.