Các bệnh viện tại TPHCM "khổ" vì phí giao dịch MoMo, Zalo

Hoàng Lê

(Dân trí) - Sở Y tế TPHCM cho biết, phí giao dịch phải trả cho đơn vị cung cấp hình thức thanh toán không dùng tiền mặt như MoMo, Zalo khá cao, tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của các bệnh viện.

Tại buổi giám sát của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TPHCM về tiến độ thực hiện đề án Y tế thông minh giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030, diễn ra ngày 15/11, Sở Y tế TPHCM cho biết, kể từ khi đề án được UBND TPHCM phê duyệt vào tháng 7/2021, đến nay đã có nhiều kết quả.

Tỷ lệ người dân quan tâm chuyển đổi số còn rất thấp

Cụ thể, TPHCM đã triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử, xây dựng dữ liệu lớn về sức khỏe và mô hình bệnh tật của người dân. Hồ sơ bệnh án điện tử và các ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) tăng thêm tiện ích cũng được triển khai. Ngành y tế địa phương cũng xây dựng trung tâm điều hành thông minh, ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong lĩnh vực y tế, ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý sức khỏe người dân và phòng chống dịch bệnh...

Sở Y tế TPHCM cho rằng, thuận lợi trong việc triển khai đề án trên là có sự quan tâm của lãnh đạo Thành phố, sự phối hợp và hỗ trợ của các sở, ban, ngành, các chuyên gia trong xây dựng và triển khai các giải pháp.

Theo thống kê, tất cả bệnh viện ở TPHCM đã triển khai hệ thống thông tin. Có 26/28 bệnh viện hạng I đã xây dựng kế hoạch triển khai bệnh án điện tử, 22/28 bệnh viện đảm bảo triển khai trong năm 2023 theo đúng lộ trình của Bộ Y tế. Bước đầu, một số bệnh viện đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và robot điều trị hiệu quả, như robot phẫu thuật nội soi tại bệnh viện Bình Dân.

Các bệnh viện tại TPHCM khổ vì phí giao dịch MoMo, Zalo - 1

Một ca phẫu thuật bằng robot tại Bệnh viện Bình Dân (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bên cạnh thuận lợi, cũng có nhiều khó khăn, hạn chế. Về hạ tầng công nghệ thông tin, phần mềm ứng dụng ở các cơ sở y tế hiện nay chưa được đầu tư đúng mức đáp ứng nhu cầu chuyển đổi số.

Các hệ thống phần mềm quản lý thông tin trong bệnh viện hầu hết được xây dựng theo yêu cầu, kiến trúc kỹ thuật đặc thù riêng từng bệnh viện, không thống nhất trục thông tin quản lý chung. Rất nhiều phần mềm quản lý thông tin được triển khai từ sớm nhưng không được nâng cấp kịp thời, dẫn đến lạc hậu.

Đối với hệ thống lưu trữ và truyền thông hình ảnh y tế (PACS), hiện nay chỉ có một số bệnh viện triển khai đúng thời gian theo đề án triển khai thí điểm của Bộ Y tế, còn lại vẫn đang chờ văn bản hướng dẫn cụ thể.

Sở Y tế TPHCM cũng chia sẻ, vì chi phí đầu tư CNTT chưa được tính vào chi phí thu viện phí, dẫn đến việc đầu tư mới và tái đầu tư tại các cơ sở y tế gặp nhiều khó khăn. Thời gian thực hiện các dự án đầu tư CNTT còn kéo dài, do thủ tục đầu tư phức tạp.

Nguồn nhân lực chuyên trách CNTT trong môi trường y tế hiện nay còn khan hiếm, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Nguyên nhân vì nguồn thu nhập không đảm bảo, không có chế độ đãi ngộ hợp lý. Ngoài ra, nhân lực không am hiểu về quy trình, nghiệp vụ hay chuyên môn đặc thù về y khoa, dẫn đến việc chuyển đổi sang ngôn ngữ số gặp khó khăn.

Các bệnh viện tại TPHCM khổ vì phí giao dịch MoMo, Zalo - 2

Bảng khảo sát mức độ hài lòng của người dân tại Bệnh viện Mắt TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Sở Y tế TPHCM cho rằng, việc tiếp cận công nghệ mới, hiện đại đã giúp người dân thuận lợi hơn và rút ngắn thời gian chờ đợi sử dụng các dịch vụ y tế. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân quan tâm hưởng ứng và sử dụng các tiện ích chuyển đổi số của ngành y vẫn còn rất thấp. Điều này làm kéo dài thời gian duy trì đồng bộ cả hệ thống số và hệ thống giấy tại các cơ sở y tế, tác động lên sức lao động của nhân viên y tế.

Kiến nghị miễn phí giao dịch y tế trên Momo, Zalo

Từ thực trạng trên, Sở Y tế TPHCM kiến nghị cần hoàn thiện và đồng bộ hệ thống cơ sở pháp lý cho hoạt động chuyển đổi số y tế trên phương diện quốc gia, đặc biệt quy định pháp lý cho việc lưu trữ hồ sơ, thừa nhận các loại giấy phép được cấp trên môi trường mạng.

Sở Y tế mong muốn các cơ sở y tế được hỗ trợ ngân sách đầu tư hạ tầng CNTT, có cơ chế, chính sách nhằm động viên, khuyến khích cho đối tượng nhân sự CNTT làm việc trong cơ sở y tế. Chi phí đầu tư CNTT cần được đưa vào cấu thành giá bảo hiểm y tế để các cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải tiến chất lượng phục vụ cho người dân.

Các bệnh viện tại TPHCM khổ vì phí giao dịch MoMo, Zalo - 3

Trung tâm dữ liệu được Bệnh viện Nhi đồng 1 đầu tư từ năm 2008 (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Sở Y tế TPHCM cũng đề nghị có chính sách không thu phí giao dịch (như thanh toán qua thẻ POS, chuyển khoản ngân hàng, MoMo, Zalo...) với ngành y tế và cả giáo dục. Sở này lý giải, phí giao dịch phải trả cho đơn vị cung cấp khá cao, tác động không nhỏ đến tình hình tài chính của các cơ sở y tế và chưa khuyến khích việc chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.

Mặc khác, giá thu dịch vụ khám chữa bệnh theo Sở Y tế cần kết cấu đầy đủ các yếu tố cấu thành, trong đó có phí giao dịch không dùng tiền mặt, vì đa số các bệnh viện đã thực hiện cơ chế tự chủ theo loại hình tự chủ toàn phần. Ngoài ra, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở y tế khi kết nối với phần mềm quản lý, như miễn phí tích hợp, miễn phí giao dịch.