Các bác sĩ “sinh tử” cùng nạn nhân vụ sập hầm thủy điện

(Dân trí) - “Mỗi giây phút trôi qua, sự sống của 12 công nhân kẹt lại trong hầm bị đếm ngược. Lực lượng y tế chúng tôi đã lên mọi phương án, sát cánh chiến đấu với cái đói, cái rét cùng nạn nhân. Hạnh phúc đã vỡ òa khi từng người được đưa ra khỏi hầm”.

Sẵn sàng đương đầu với thảm họa hàng loạt

12 nạn nhân nhân vụ sập hầm thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo được cứu thành công nhờ sự nỗ lực không biết mệt mỏi của tất cả các lực lượng tham gia cứu hộ. Trong nhiệm vụ đặc biệt ấy có sự góp sức của những người mặc áo blouse. Sự hỗ trợ đắc lực về mặt y tế đã giúp nạn nhân chiến thắng cái đói, cái rét sau nhiều ngày kẹt trong lòng đất âm u.

Tâm lý căng thẳng của các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến giữa rừng
Tâm lý căng thẳng của các bác sĩ tại bệnh viện dã chiến giữa rừng

“Đang đi đám tang một người đồng nghiệp vừa qua đời, tôi nhận được lệnh điều động của Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu bệnh viện Chợ Rẫy chi viện để cùng với lực lượng Y tế tỉnh Lâm Đồng tham gia cứu hộ nạn nhân vụ sập hầm. Xác định đây là tình huống khẩn cấp, không được phép chậm trễ, 3 anh em chúng tôi mỗi người chỉ có một bộ quần áo trên mình hỏa tốc lên đường. Với kinh nghiệm tham gia ứng cứu trong vụ sập cầu Cần Thơ trước đây, trong lúc di chuyển từ TPHCM lên Lâm Đồng, chúng tôi đã chuẩn bị sẵn mọi phương án cứu hộ về mặt y tế”, PGS.TS.BS Trần Minh Trường, Phó giám đốc bệnh viện Chợ Rẫy, nhớ lại.

Bộ trưởng Kim Tiến yêu cầu lực lượng y tế tham gia ứng cứu phải bám vững vị trí địa hình, đồng thời giao Sở Y tế Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ cùng bệnh viện Chợ Rẫy vạch ra mọi phương án ứng cứu, không để xảy ra sơ hở, kịp thời hồi sức cho bệnh nhân. Mặt khác một tình huống giả định gay cấn là sự cố thảm họa sập hầm tiếp diễn khiến chính những người tham gia cứu hộ gặp nạn cũng được vạch ra, yêu cầu các đơn vị y tế phải giải quyết.

PGS Trần Minh Trường trực tiếp cấp cứu cho một nạn nhân
PGS Trần Minh Trường trực tiếp cấp cứu cho một nạn nhân

Nhưng quan trọng hơn cả là cứu chữa cho người bệnh khi còn kẹt trong hầm và khi được đưa ra ngoài. Giữa núi rừng, các lán trại được bố trí thành một bệnh viện dã chiến. Ngoài 6 Trung tâm Y tế tại tỉnh Lâm Đồng, đoàn thứ 2 của Chợ Rẫy gồm 7 y bác sĩ do PGS.TS.BS Nguyễn Văn Khôi, Phó Giám đốc bệnh viện, làm trưởng đoàn cũng góp mặt. Các bác sĩ phải lội bùn lầy vào tận hiện trường giám sát thực địa và sẵn sàng đón nạn nhân để hỗ trợ ngay khi họ được cứu.   

Những tình huống gay cấn

Tiếp lời PGS Trần Minh Trường, BS Trương Dương Tiển, khoa Cấp cứu Hồi sức, bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: “Khi mũi khoan xuyên qua vị trí bị sập của hầm, tiếp cận được với khu vực các nạn nhân đang bị kẹt, mọi người như trút được một phần gánh nặng, cánh cửa của sự sống nhờ việc cung cấp o-xy, nước, dinh dưỡng cho các nạn nhân đã mở toang”.

Tại hiện trường, theo sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về việc cung cấp những dưỡng chất cần thiết để duy trì sự sống cho bệnh nhân. Lúc này, một loại dung dịch đặc biệt giàu năng lượng, ăn vào no lâu, giúp tăng thân nhiệt chuyên sử dụng cho bệnh nhân trong quá trình hồi sức tại bệnh viện Chợ Rẫy đã được hỏa tốc gửi theo xe khách lên Lâm Đồng.

“Tuy nhiên, đường ống truyền nước và truyền dinh dưỡng vào trong chỉ lớn bằng ngón tay út lại nằm theo phương ngang nên bơm dung dịch có nhiều chất béo vào đã làm tăng sức căng của bề mặt. Khi các anh em thực hiện thao tác bơm dung dịch vào trong thông báo nguy cơ đường ống có thể sẽ bị vỡ vì áp lực quá lớn, chúng tôi đã một phen tá hỏa. 

Nếu bị vỡ ống, việc tiếp oxy, nước, dinh dưỡng sẽ bị ngưng trệ, không biết khi nào mới có thể nối lại được, sự sống của các anh chị em bị kẹt trong hầm sẽ rất nguy nan. Làm không khéo chúng tôi có thể biến mình thành tội đồ. Khi phương án pha loãng dung dịch thức ăn được bơm thành công, mọi người mới vơi bớt nỗi lo”, BS Trương Dương Tiển chia sẻ.

Nạn nhân cuối cùng của vụ thảm họa được chuyển tới bệnh viện
Nạn nhân cuối cùng của vụ thảm họa được chuyển tới bệnh viện

Trong khi chờ đợi, những tình huống cứu hộ y tế đã được diễn tập kỹ lưỡng. Rồi hạnh phúc đã vỡ òa khi cuối giờ chiều ngày 19/12, một ngách thông được mở ra, 12 nạn nhân lần lượt được đưa ra ngoài. “Tuy nhiên, vừa rời cửa hầm sau nhiều ngày trong lòng đất khi tiếp xúc với ánh sáng, gió và không khí lạnh bên ngoài họ gần như bị gục hết. Các phương án giữ ấm thân nhiệt, truyền nước, bù dịch lập tức được triển khai theo kế hoạch đã vạch sẵn. Mọi việc diễn ra rất nhanh, chúng tôi dùng phương án thay vì hỏi tên từng người thì đeo cho mỗi người một số thứ tự, hồ sơ bệnh án sơ cấp cứu ban đầu được lập theo số trên. Các nạn nhân lần lượt được chuyển về bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng tiếp tục điều trị.”

Với chất giọng đầy niềm vui, PGS Trần Minh Trường chia sẻ: “Khi mọi chuyện tưởng đã hoàn tất, tôi bất ngờ nhận được cuộc gọi từ bệnh viện cho biết, có 2 bệnh nhân bị kích động đang phải cấp cứu. 

Sợ bệnh nhân bị sốc có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tôi vội đề nghị kiểm tra số bệnh án thì ghi nhận nạn nhân tăng lên 14 người. Kiểm tra kỹ lại anh em mới phát hiện đó là 2 người nhà của các công nhân. 

Chúng tôi cảm thấy vui khi đã đóng góp một phần sức mình vào công tác cứu hộ thành công cho các nạn nhân vụ sập hầm. Xin chúc mừng anh chị em công nhân đã thoát nạn. Chúc mừng thành công chung của các lực lượng cứu hộ và các đơn vị liên quan”.

Vân Sơn (lược ghi)