12 nạn nhân vụ sập hầm vẫn ổn định về sức khỏe

(Dân trí) - Bước sang ngày thứ 4 bị kẹt trong hầm sập, nhưng nhờ được chăm sóc về dinh dưỡng, cung cấp ô xy, truyền khí nóng, xử lý vệ sinh môi trường nên thể trạng của 12 nạn nhân vụ sập cầu vẫn ổn định.

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Hải

Thứ trưởng Bộ Y tế, GS.TS Nguyễn Thanh Long và Thứ trưởng Phạm Lê Tuấn chủ trì cuộc họp. Ảnh: H.Hải

Chiều 19/12, Bộ Y tế họp nóng lên các phương án ứng cứu tốt nhất, khi dự kiến tối nay lực lượng cứu hộ sẽ tiếp cận được các nạn nhân kẹt trong hầm.

ThS. Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, ngay khi xảy ra tai nạn sập hầm, Bộ Y tế đã đạo Sở Y tế Lâm Đồng, Sở Y tế TP Hồ Chí Minh lên các phương án tiếp cận, chăm sóc y tế cho nạn nhân. Đến nay, người bệnh đã được chăm sóc dinh dưỡng chu đáo, các phương án y tế đã sẵn sàng, khi nạn nhân được đưa ra sẽ được chăm sóc y tế tốt nhất đến nay, công tác y tế đã sẵn sàng. Một bệnh viện dã chiến đã được lập nên, có đầy đủ các máy móc, phương tiện cấp cứu (đã có 10 máy thở tại hiện trường) để đảm bảo khi các công nhân được đưa ra sẽ được chăm sóc về y tế tốt nhất.

Trước đó, hôm 18/12 BV Chọ Rẫy đã chuyển tới hiện trường 50 túi dung dịch dinh dưỡng năng lượng cao để hỗ trợ, bơm vào cho nạn nhân sử dụng thay sữa. Tuy nhiên, đường ống truyền vào rất nhỏ, dung dịch này lại đặc, có dầu mỡ nên lực lượng cứu hộ cũng đã rất “sáng tạo theo kiểu Việt Nam, trộn dung dịch với nước sôi làm loãng và truyền vào, các nạn nhân đã ăn được, rất no.Tuy nhiên, vì là dung dịch dinh dưỡng đặc thù nên khó ăn hơn bình thường, nên các nạn nhân vụ sập hầm mong muốn sẽ được ăn cháo.

Được biết, trong chiều nay, lực lượng cứu hộ cũng tính đến phương án truyền cháo vào để các công nhân ăn thay đổi với sữa, xúc xích, dung dịch dinh dưỡng. Theo chỉ đạo của Bộ Y tế, đoàn BS của Viện Dinh dưỡng cũng đang tới hiện trường, mang theo gói hỗ trợ dinh dưỡng đặc biệt để chuyển cho các nạn nhân.

“Các nạn nhân gọi có đáp ứng, trả lời tỉnh táo, có nhu cầu ăn cháo, đó là tín hiệu mừng cho thấy sức khỏe 12 công nhân trong hầm vẫn ổn định. Tuy nhiên, chưa biết đến thời điểm nào cứu được các nạn nhân ra ngoài, nên các phương án chăm sóc dinh dưỡng người bệnh, đảm bảo ấm, vệ sinh môi trường trong hầm đều cần phải được tính đến”, Thứ trưởng Tuấn chỉ đạo.

Về vấn đề này, TS. Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Y học Lao động và Vệ sinh môi trường cho biết đã tính đến phương án “thông gió cưỡng bức”. Vì hiện mới truyền ôxy cho nạn nhân nhưng chưa hút được khí ra ngoài, áp dụng hút khí ra ngoài, có sự trao đổi khí môi trường trong hầm sẽ dễ chịu, tốt hơn cho các nạn nhân. Các phương án vệ sinh môi trường trong hầm cũng đang được triển khai, đảm bảo người bị nạn ít bị ảnh hưởng nhất đến sức khỏe.

TS Hải cũng cho biết đang tính đến phương án chuyển áo giữ nhiệt vào cho các nạn nhân nhưng rất khó khăn vì đường truyền nhỏ. Rất may mắn đến nay nước trong hầm đã được rút gần hết, chỉ còn dẫm lõng bõng nước, các nạn nhân không bị ướt nên đỡ nhiễm lạnh, hơn nữa khí nóng cũng được truyền vào sẽ giúp giữ nhiệt cho các nạn nhân.

Tại cuộc họp, PGS.TS Ngô Quý Châu, Phó Giám đốc BV Bạch Mai cho biết, ở trong môi trường kín của sập hầm, lạnh nên có nhiều nguy cơ cho sức khỏe các nạn nhân. Ngoài nguy cơ khí độc trong hầm, thì việc người bệnh ở trong môi trường lạnh thì sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng, viêm phổi. Vì thế, việc cấp cứu sau khi đưa được các nạn nhân ra ngoài phải rất chú ý đến vấn đề hô hấp của người bệnh.

Khi nghe ý kiến này, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn đã chỉ đạo TS Châu ngay lập tức liên lạc với bác sĩ bệnh viện chợ Rẫy đang có mặt tại hiện trường để trao đổi về chuyên môn, lên các phương án ứng cứu tốt nhất khi tiếp cận được các nạn nhân.

Thứ trưởng Tuấn cũng chỉ đạo cần chuẩn bị mọi phương tiện, thuốc men tốt nhất cho bệnh viện dã chiến, đảm bảo người bệnh được chăm sóc y tế tốt nhất ngay khi được đưa ra ngoài.

Hồng Hải