Ca tái nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hồng Kông có đáng lo ngại?

Cẩm Tú

(Dân trí) - Các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông đã báo cáo trường hợp tái nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận. Vậy trường hợp này có đáng lo ngại không?

Ca tái nhiễm Covid-19 đầu tiên ở Hồng Kông có đáng lo ngại? - 1

Chúng ta rút ra được điều gì qua trường hợp tái nhiễm Covid-19 đầu tiên được báo cáo ở Hồng Kông?

Các nhà khoa học và các bác sĩ vẫn đang tìm hiểu về khả năng miễn dịch của cơ thể đối với Covid-19, mặc dù họ tin rằng nếu một người tiếp xúc với virus, người đó có thể miễn nhiễm trong ít nhất vài tháng nhờ những kháng thể và có thể lâu hơn nhờ những tế bào bạch cầu được gọi là Tế bào T và Tế bào B. Họ cũng nói rằng tái nhiễm là rất hiếm gặp. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tại Đại học Hồng Kông đã báo cáo trường hợp tái nhiễm đầu tiên được xác nhận.

Người đàn ông, 33 tuổi, "trẻ và khỏe mạnh", lần đầu tiên có các triệu chứng nhẹ - ho, sốt, đau họng và đau đầu, theo Stat News - và 4,5 tháng sau đó, vào ngày 15 tháng 8, bệnh nhân được phát hiện tái nhiễm sau khi trở về từ Tây Ban Nha qua Anh. Các nhà nghiên cứu cho biết bệnh nhân anh ta có thể đã bị nhiễm chủng virus lưu hành ở châu Âu vào tháng 7 và tháng 8, và ở lần nhiễm bệnh thứ hai này bệnh nhân không có triệu chứng.

Có giả thuyết cho rằng một số người có thể có kết quả dương tính trong nhiều tuần sau khi khỏi bệnh do dấu vết virus kéo dài. Tuy nhiên, "kết quả của chúng tôi chứng minh rằng lần nhiễm trùng thứ hai của bệnh nhân là do một loại virus mới mà anh ấy mắc phải gần đây chứ không phải do dấu vết virus tồn lưu", nhà vi sinh lâm sàng Kelvin Kai-Wang To, Đại học Hồng Kông, cho biết, theo The New York Times.

Vậy, tất cả điều này có nghĩa là gì? Các nhà nghiên cứu cho rằng chủng Covid-19 mà người đàn ông này bị nhiễm lần thứ hai không liên quan đến lần đầu. Các phát hiện cũng cho thấy Covid-19 có thể gợi nhớ đến virus corona cảm lạnh thông thường (thường chỉ tạo ra khả năng miễn dịch trong 3 đến 6 tháng và nhiều nhất là dưới một năm) và có thể lưu hành "ngay cả khi bệnh nhân có miễn dịch tự nhiên do nhiễm trùng hoặc do tiêm chủng”.

Tuy nhiên, Maria Van Kerkhove, một nhà dịch tễ bệnh truyền nhiễm và trưởng nhóm kỹ thuật Covid-19 tại Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói rằng chưa nên đưa ra bất kỳ kết luận nào với trường hợp ở Hồng Kông này và WHO vẫn đang xem xét tình hình. Bà nói: “Những gì chúng ta biết về nhiễm trùng là con người phát triển đáp ứng miễn dịch, và điều chưa hoàn toàn rõ là đáp ứng miễn dịch đó mạnh đến mức nào và tồn tại trong bao lâu”.

Hơn nữa, TS Akiko Iwasaki, giáo sư miễn dịch học từ Trường Y Đại học Yale, cho biết trường hợp này không gây lo ngại. Bà viết: đây là một trường hợp kinh điển về cách mà miễn dịch nên hoạt động và "trong khi miễn dịch không đủ để ngăn chặn sự tái nhiễm, nó đã bảo vệ người đó khỏi bị bệnh", (nghĩa là người nhiễm không có triệu chứng ở lần thứ hai).

Còn đây là tin tốt hơn: bệnh nhân "không phát hiện được kháng thể tại thời điểm tái nhiễm nhưng đã phát triển kháng thể sau khi tái nhiễm", TS Iwasaki nói và gọi điều này là đáng phấn khởi. Bà viết: “Đây không phải là lý do để báo động”, và cần phải tiến hành nghiên cứu thêm về phạm vi tái nhiễm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm