Cà phê có gây ung thư?
(Dân trí) - Acrylamide được phân loại là chất có thể gây ung thư Nhóm 2A. Hạt cà phê rang cũng chứa chất này, vậy liệu cà phê có khả năng gây ung thư không? Và bạn nên uống như thế nào để có lợi?
Lương y Phùng Tuấn Giang, Chủ tịch Viện nghiên cứu phát triển y dược cổ truyền Việt Nam, cho biết, vẫn còn nhiều ý kiến bất đồng về việc cà phê tốt hay xấu đối với sức khỏe. Cà phê dường như là con dao hai lưỡi.
Nó có thể khiến chúng ta cảm thấy tỉnh táo, năng suất và có động lực hơn, nhưng đối với một số người, nó lại có tác dụng ngược lại, khiến họ cảm thấy lo lắng, bồn chồn và không thể tập trung.
Cà phê không chỉ chứa nhiều caffeine mà còn giàu chất chống oxy hóa và chứa một lượng nhỏ một số vi chất dinh dưỡng mà cơ thể chúng ta cần. Tuy nhiên, nó cũng có liên quan đến nhiều tác dụng phụ khác nhau và các chuyên gia y tế thường khuyên rằng một số nhóm người nhất định nên hạn chế uống để tránh những ảnh hưởng xấu đến sức khỏe.
Về đặc tính chống ung thư, theo lương y Giang, nghiên cứu mới nổi cho thấy có thể có mối liên hệ giữa việc tiêu thụ cà phê và nguy cơ ung thư. Ví dụ, một đánh giá được công bố trên Scientific Reports lưu ý rằng uống cà phê có liên quan đến việc giảm nguy cơ mắc nhiều loại ung thư, bao gồm miệng, họng, đại tràng, gan, tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung...
Nghiên cứu về cà phê và bệnh ung thư
Theo Medical News Today, ung thư là một căn bệnh phức tạp và không phải lúc nào cũng dễ dàng xác định được nguyên nhân. Các nhà khoa học đã nghiên cứu nhiều chất khác nhau để tìm hiểu xem chúng có làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư ở một người hay không.
Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), chi nhánh của Tổ chức Y tế Thế giới, đã xem xét hơn 1.000 nghiên cứu trên người và động vật và không tìm thấy bằng chứng đầy đủ cho thấy cà phê là chất gây ung thư.
Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về mối liên hệ giữa cà phê và ung thư. Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy trên thực tế, uống cà phê có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số bệnh ung thư. Một nghiên cứu được công bố vào năm 2020 cũng cho thấy mối liên hệ nghịch đảo giữa việc uống cà phê và nguy cơ ung thư gan và nội mạc tử cung.
Mặc dù các nghiên cứu trước đây đôi khi tìm thấy mối liên hệ giữa việc uống cà phê và phát triển bệnh ung thư, nhưng nguyên nhân thường là do hút thuốc chứ không phải do cà phê. Những người hút thuốc cũng có xu hướng uống cà phê.
Acrylamide có làm tăng nguy cơ?
Hạt cà phê rang có chứa một chất gọi là acrylamide, là sản phẩm phụ của quá trình rang.
IARC phân loại acrylamide là chất có thể gây ung thư Nhóm 2A. Điều này có nghĩa là có bằng chứng đáng kể cho thấy acrylamide có thể gây ung thư ở động vật. Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu hơn để xác định xem liệu nó có làm tăng nguy cơ ung thư ở người hay không.
Theo Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA), acrylamide cũng xuất hiện trong khói thuốc lá, quy trình công nghiệp như sản xuất nhựa, giấy và thuốc nhuộm, thực phẩm giàu tinh bột nấu ở nhiệt độ cao như khoai tây chiên…
Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS) tuyên bố rằng acrylamide cũng có mặt trong bao bì thực phẩm, một số chất kết dính...
Viện Nghiên cứu Ung thư Mỹ cho rằng, chúng ta phải hiểu không có mối liên hệ nào được thiết lập giữa acrylamide trong thực phẩm và nguy cơ ung thư cho con người. Acrylamide làm tăng nguy cơ ung thư cho động vật thí nghiệm với số lượng cao hơn rất nhiều so với những gì con người nhận được từ cà phê.
Mọi người có thể hạn chế tiếp xúc với acrylamide bằng cách lưu ý đến các phương pháp nấu ăn và không hút thuốc. Họ có thể nướng khoai tây thay vì chiên và nướng bánh mì cho đến khi nó có màu nhạt thay vì màu nâu sẫm.
Ngoài ra còn có mối liên hệ giữa việc uống chất lỏng quá nóng và ung thư thực quản. Vì vậy, tốt nhất bạn nên để cà phê nguội một chút trước khi uống, đặc biệt nếu cà phê không chứa sữa. Một nghiên cứu năm 2019 khuyến nghị rằng nhiệt độ an toàn tối ưu để uống đồ uống nóng là 50-70 độ C.
Những rủi ro là gì?
Hầu hết các bệnh ung thư xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm gen, môi trường và lối sống của con người.
Một số yếu tố nguy cơ chính gây ung thư bao gồm hút thuốc, béo phì, thừa cân, chế độ ăn uống không lành mạnh, uống rượu, một số tình trạng sức khỏe hiện có như virus u nhú ở người (HPV), phơi nắng, rủi ro tại nơi làm việc như tiếp xúc với một số hóa chất và bức xạ, một số gen di truyền nhất định…
Những yếu tố nguy cơ này có thể kết hợp với nhau để làm tăng khả năng một người mắc bệnh ung thư.
Uống cà phê như một phần của lối sống lành mạnh dường như không gây nguy hiểm. Tuy nhiên, tiêu thụ quá nhiều cà phê có thể gây ra các vấn đề về sức khỏe. Cà phê có chứa caffeine, một chất kích thích khiến não tỉnh táo hơn và làm tăng huyết áp tạm thời.
Những người có vấn đề về tim có thể chọn tránh cà phê nếu họ thấy tim đập nhanh sau khi uống. Cà phê cũng có thể gây trào ngược axit ở một số người và có thể gây kích ứng dạ dày.
Uống cà phê vào buổi tối có thể khiến bạn khó ngủ. Vì thế, nếu uống cà phê vào cuối ngày, bạn có thể chọn loại không chứa caffein hoặc uống trà thảo dược.
Chúng ta có nên uống ít cà phê?
Hạt cà phê rang có chứa một số acrylamide. Những người uống cà phê có thể tránh hóa chất này bằng cách chọn hạt cà phê chưa rang, mặc dù chúng có hương vị rất khác nhau.
FDA khuyến nghị người lớn nên tiêu thụ không quá 4-5 tách cà phê mỗi ngày. Học viện Nhi khoa Mỹ khuyên trẻ em hoặc thanh thiếu niên không nên tiêu thụ các sản phẩm có chứa caffeine.
Các bác sĩ thường khuyên những người đang mang thai hoặc đang cho con bú nên hạn chế tiêu thụ caffeine. Tuy nhiên, các hướng dẫn về điều này có thể khác nhau và khó thực hiện vì độ đậm đặc của cà phê cũng khác nhau.
Mức độ caffeine có thể thay đổi khá nhiều tùy thuộc vào các yếu tố như loại hạt, nhà sản xuất và phương pháp được sử dụng để pha cà phê.
Để giảm lượng caffeine tiêu thụ, bạn có thể thay thế cà phê bằng trà, cà phê đã khử caffeine, trà thảo dược. Trà đen và một số loại trà thảo dược, chẳng hạn như trà xanh, có chứa caffeine tuy nhiên, nó thường ít hơn một tách cà phê.
Uống cà phê có lợi ích gì cho sức khỏe không?
Một nghiên cứu năm 2017 đã xem xét nhiều bằng chứng và kết luận rằng uống một lượng cà phê vừa phải nói chung là an toàn. Theo nghiên cứu này, uống cà phê cũng có thể có lợi cho sức khỏe.
Nghiên cứu so sánh những người không uống cà phê với những người uống 4-7 cốc mỗi ngày, 1-3 cốc và 1 cốc.
Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng tất cả các nhóm uống cà phê đều có tỷ lệ mắc bệnh ung thư thấp hơn những người không uống cà phê. Những người uống nhiều cà phê giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư tuyến tiền liệt, nội mạc tử cung, miệng, bệnh bạch cầu…
Nghiên cứu không tìm thấy mối liên hệ chặt chẽ giữa việc tiêu thụ cà phê và các bệnh ung thư dạ dày, đại trực tràng, buồng trứng, tuyến giáp, vú, tuyến tụy…
Các lợi ích khác của việc uống cà phê bao gồm giảm nguy cơ tử vong do mọi nguyên nhân và giảm nguy cơ mắc bệnh tim, bệnh gan và bệnh Parkinson.
Một phân tích tổng hợp năm 2018 cho thấy uống cà phê có thể làm giảm 6% nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cà phê cũng chứa chất chống oxy hóa. Đây là những chất có thể ngăn chặn hoặc làm chậm quá trình tổn thương tế bào. Tuy nhiên, cần nghiên cứu thêm về lợi ích sức khỏe tiềm tàng của chất chống oxy hóa.
Như vậy, các nghiên cứu hiện tại cho thấy cà phê không có khả năng gây ung thư. Nó có thể làm giảm nguy cơ phát triển một số loại ung thư. Tuy nhiên, vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để khẳng định điều này.
Là một phần của chế độ ăn uống lành mạnh, cà phê có thể sẽ có lợi. Uống không quá 4 tách cà phê mỗi ngày sẽ không gây ra bất kỳ rủi ro nào cho sức khỏe và có thể làm giảm nguy cơ mắc một số bệnh.
"Hầu hết các chuyên gia sức khỏe khuyên chúng ta nên uống 1-2 tách cà phê mỗi ngày, điều này không liên quan đến phản ứng tiêu cực nhưng dường như có lợi cho hầu hết mọi người. Không nên uống quá 500mg caffeine mỗi ngày, tức là khoảng 5 tách cà phê thông thường", lương y Giang nhấn mạnh.
Phụ nữ mang thai không nên uống quá 200mg caffeine mỗi ngày hoặc ít hơn, hoặc kiêng hoàn toàn.