1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Cả nhà nhập viện cấp cứu vì dùng sâu ban miêu chữa dị ứng

(Dân trí) - Bị dị ứng nổi mẩn đỏ, 4 người trong cùng một gia đình đã bắt loại bọ cánh cứng có tên là sâu ban miêu, sau đó rang vàng lên, giã ra và sắc lấy nước uống. Dị ứng chưa khỏi, hai người lớn và hai đứa trẻ phải đi viện cấp cứu vì tiêu chảy, nôn mửa, đái ra máu.

Trước đó ngày 6/10, Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai tiếp nhận 4 bệnh nhân trong cùng một gia đình gồm anh Ngải Seo P.(chồng),  chị Sùng Thị S. (vợ), và 2 con là Ngải Seo S. (10 tuổi), Ngải Seo Q. (9 tuổi) nhà ở thôn Phố Cũ, xã Si Ma Cai, huyện Si Ma Cai., tỉnh Lào Cai có  triệu chứng lờ đờ, mệt mỏi, đau quặn bụng, tiêu chảy, nôn, thiểu niệu, đái ra máu.

Cả nhà nhập viện cấp cứu vì dùng sâu ban miêu chữa dị ứng - 1

 Bác sĩ trung tâm ý tế huyện Si Ma Cai điều trị cho bệnh nhân bị ngộ độc sâu ban miêu - Ảnh Cổng thông tin điện tử tỉnh Lào Cai 

Bác sĩ  Nguyễn Xuân Thủy, giám đốc Trung tâm Y tế huyện Si Ma Cai cho biết, 4 bệnh nhân này đã cùng uống nước của một lại bọ cánh cứng có tên là sâu ban miêu sau khi rang vàng lên, giã ra và sắc lấy nước uống để chữa bệnh dị ứng và đã bị trúng độc.

Ngay sau khi được đưa vào vào Trung tâm y tế huyện Si Ma Cai cấp cứu  4 bệnh nhân kể trên đã được các bác sỹ cho truyền dịch giải độc, lợi tiểu, chống viêm, bảo vệ niêm mạc dạ dày, bù nước điện giải.  Vì thế sau hai ngày điều trị tích cực 3 bệnh nhân đã có dấu hiệu tích cực chỉ còn bệnh nhân Ngải Seo Q. vẫn có biểu hiện đái ra máu tiên lượng dè dặt.

Qua tìm hiểu được biết con bọ mà gia đình sử dụng chữa bệnh dị ứng có tên sâu Ban miêu, tên khoa học là Cantharis vesicatoria, hình dạng có cánh cứng, dài khoảng 15 - 20mm, ngang 4 - 6mm, đầu hình tim, có rãnh dọc ở giữa, râu đen hình sợi. Thân có 11 đốt, giữa đầu và thân có một chỗ thắt lại. Phía trên 2 cánh màu đen có các chấm màu vàng hoặc màu đỏ nhạt; hoặc thân màu vàng với các điểm hay các dải ngang màu đen.

Cả nhà nhập viện cấp cứu vì dùng sâu ban miêu chữa dị ứng - 2

Sâu ban miêu dễ nhầm lẫn với bọ xít. Ăn phải sâu ban miêu cực độc. Thậm chí chỉ tiếp xúc da, qua đường hô hấp cũng gây ngộ độc.

Đại diện trung tâm y tế huyện Si Ma Cai cho biết ngộ độc sâu ban miêu tuy gặp không nhiều nhưng rất nặng, tỷ lệ tử vong rất cao. Độc tố của sâu ban miêu là cantharidin, rất độc, gây hủy hoại các tổ chức, cơ quan trong cơ thể, từ dạ dày, ruột cho đến cơ, gan, thận, máu.

Theo Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), các bệnh nhân ngộ độc sâu ban miêu thường bị tổn thương đa cơ quan, tụt uyết áp, suy hô hấp. Xét nghiệm máu cho thấy trong máu bị nhiễm axit nặng, tổn thương cơ và suy thận, suy gan. Hầu hết bệnh nhân tiếp xúc qua đường tiêu hoá bị tổn thương đa tạng, suy đa tạng, tỉ lệ tử vong đến hơn 50%. Các

Đến nay trên thế giới vẫn chưa có phác đồ điều trị hiệu quả với người trúng độc sâu ban miêu, hầu hết các trường hợp ngộ độc sâu ban miêu đều dẫn đến tử vong.

Trong khi đó, Trung tâm văn hóa truyền thông huyện Si Ma Cai cũng cho biết thêm, hiện nay trên địa bàn huyện Si Ma Cai người dân vẫn đang săn lùng tìm bắt con vật này để làm thuốc chữa bệnh và bán cho các thương lái Trung Quốc với giá cao.

Vì thế chính quyền huyện Si Ma Cai khuyến cáo người dân tuyệt đối không được sử dụng các loại côn trùng làm thực phẩm hoặc cho vào vị thuốc dù chế biến bằng bất kỳ cách nào.Nếu phải đi bắt sâu, người dân chú ý sử dụng đầy đủ đồ bảo hộ lao động, tránh tiếp xúc trực tiếp với da, đặc biệt là mắt, không may bị ngộ độc thì phải đến ngay cơ sở y tế để được cứu chữa kịp thời không để lại di chứng.

                                                     Phạm Ngọc Triển 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm