Cà Mau: Mỗi tháng phát hiện có gần 15 người bị nhiễm HIV
(Dân trí) - Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính đến cuối năm 2015, đã có gần 99% số xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố trong tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV. Tính trung bình, mỗi tháng có gần 15 người bị nhiễm căn bệnh này.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, tính từ năm 1994 đến 30/9/2016, số người bị nhiễm HIV được phát hiện là 2.904 người; trong đó, bệnh nhân chuyển sang AIDS là 1.078 người, số người tử vong là 412 người. Tỷ lệ hiện nhiễm trên dân số là 0,2%; tỷ lệ nhiễm ở nhóm tuổi 15-49 tuổi là là 0,28%.
Hơn 20 năm phòng, chống dịch bệnh HIV/AIDS, tỉnh Cà Mau đã kiềm chế được tỷ lệ nhiễm HIV ở mức dưới 0,2% trong cộng đồng đồng cư, trong khi đó cả nước dưới 0,3%.
Tuy nhiên, dịch bệnh HIV/AIDS ở Cà Mau vẫn chưa được khống chế, thể hiện ở số người mới được phát hiện nhiễm trong năm 2015 là 181 người (trung bình mỗi tháng phát hiện có gần 15 người bị nhiễm). Dịch bệnh HIV cũng đã lan rộng, đến cuối năm 2015 đã có gần 99% số xã, phường, thị trấn và 100% huyện, thành phố trong tỉnh phát hiện có người nhiễm HIV.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV ở tỉnh hiện vẫn ở mức độ thấp. Trong đó, còn nhiều hạn chế như: Sự kỳ thị, phân biệt, đối xử với người nhiễm HIV trong cộng đồng vẫn còn; chương trình can thiệp giảm tác hại trong cộng đồng dân cư thuộc nhóm có nguy cơ cao còn thấp…
UBND tỉnh Cà Mau cho biết, các mục tiêu quan trọng nhất liên quan đến HIV, tỉnh rất khó đạt được trong năm 2016 là giảm 50% số người nhiễm HIV mới do lây truyền qua đường tình dục không an toàn, bởi tỷ lệ hiện nhiễm trong độ tuổi từ 20-39 tuổi đến cuối năm 2016 chiếm khoảng 75%; việc điều trị cho 70% người lớn nhiễm HIV và 95% trẻ em nhiễm HIV đủ tiêu chuẩn điều trị bằng thuốc AVR, bởi tỷ lệ bao phủ điều trị AVR đến cuối năm 2016 chỉ đạt 33%.
Theo UBND tỉnh Cà Mau, một trong những khó khăn hiện nay là kinh phí dành cho các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.
Ước kinh phí dành cho công tác này trong giai đoạn 2017-2020 là trên 38 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhu cầu thì nguồn kinh phí có khả năng sẽ thiếu hụt. Qua các nguồn, tổng kinh phí mà tỉnh có thể huy động được là khoảng 18 tỷ đồng, chỉ đáp ứng được 47% tổng nhu cầu kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV.
Theo UBND tỉnh Cà mau, nguyên nhân của sự thiếu hụt kinh phí là do phải mở rộng và nâng cao chất lượng các hoạt động để ứng phó với tình hình dịch đang ngày càng lan rộng và có tính chất phức tạp; các dự án quốc tế không còn tài trợ; ngân sách Trung ương cắt giảm; bảo hiểm y tế chưa cam kết điều trị bảo hiểm y tế cho bệnh nhân HIV…
“Việc thiếu hụt kinh phí sẽ tác động rất lớn đến các hoạt động phòng, chống HIV như không đủ kinh phí để làm công tác truyền thông, dẫn đến việc lây nhiễm HIV khó kiểm soát; thiếu nguồn thuốc AVR sẽ dẫn đến tình trạng kháng thuốc và bệnh nhân sẽ phải chuyển sang phác đồ điều trị đắt tiền hơn…”, UBND tỉnh Cà Mau nêu rõ.
Giải pháp mà tỉnh Cà Mau đưa ra để bảo đảm nguồn kinh phí cho các hoạt động phòng, chống HIV là tăng dần tỷ lệ chi tiêu cho phòng, chống HIV từ ngân sách; 80% doanh nghiệp chủ động bố trí kinh phí để triển khai các hoạt động; 100% người nhiễm HIV có thẻ bảo hiểm y tế được chi trả theo quy định từ năm 2017; tăng nguồn thu từ một số dịch vụ phòng, chống HIV để tự cân đối thu chi cho các hoạt động của các dịch vụ này.
Huỳnh Hải