Cà Mau: Còn nhiều điểm chế biến thực phẩm sử dụng chất cấm

(Dân trí) - Nhiều điểm chế biến, kinh doanh còn vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, hay tình hình “lợi dụng” chính sách bảo hiểm y tế trong khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế là những vấn đề mà người dân Cà Mau quan tâm “truy” vấn lãnh đạo tỉnh này.

UBND tỉnh Cà Mau vừa có báo cáo trả lời ý kiến cử tri sau kỳ họp thứ Nhất, HĐND khóa IX, do Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Hồng Quân ký, cho thấy, nhiều vấn đề liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe được nhiều người dân quan tâm.

Nhiều điểm chế biến, kinh doanh có chứa chất cấm

Người dân ở huyện Thới Bình phản ánh, tình trạng các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai,… không đảm bảo chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn còn xảy ra. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên tăng cường công tác kiểm tra, quản lý chặt chẽ và xử lý thật nặng các cơ sở vi phạm để bảo vệ sức khoẻ người dân.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, hiện nay, qua thống kê trên địa bàn tỉnh có 5.388 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm (có 615 cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm, 1.418 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 3.355 cơ sở dịch vụ ăn uống). Trong đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm, tuyến tỉnh quản lý 100%. Tuy nhiên, đối với tuyến huyện còn khá ít, chỉ khoảng 40%.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, thời gian qua, qua kiểm tra, đã phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm như: Cơ sở không đảm bảo VSATTP, vệ sinh cơ sở không đạt, trang thiết bị dụng cụ dùng để chế biến thực phẩm không bảo đảm,… Một số cơ sở kinh doanh cá khô, thủy sản không đảm bảo chất lượng; qua test nhanh có chứa chất cấm sử dụng như hàn the.

UBND tỉnh Cà Mau thừa nhận, dù đã có nhiều cố gắng trong quản lý nhà nước về VSATTP, nhưng vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Việc kiểm tra VSATTP chưa bao quát hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; cán bộ phụ trách thanh tra chuyên ngành VSATTP còn thiếu và chủ yếu là kiêm nhiệm, việc xử phạt chưa triệt để từ đó dẫn đến ý thức chấp hành pháp luật chưa cao.

Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho hay, thời gian tới, ngoài việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân về kiến thức VSATTP, tỉnh sẽ tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, thanh tra VSATTP, kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm VSATTP theo quy định của pháp luật, nhất là đối với các trường hợp cố ý sản xuất, chế biến, mua bán thực phẩm không đảm bảo chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người; đồng thời công bố cơ sở không đạt điều kiện VSATTP trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Một điểm sản xuất kinh doanh bị bắt quả tang bơm chứa tạp chất vào tôm. (Ảnh minh họa)
Một điểm sản xuất kinh doanh bị bắt quả tang bơm chứa tạp chất vào tôm. (Ảnh minh họa)

Bảo hiểm xã hội từ chối thành toán hàng chục tỷ đồng tại một phòng khám đa khoa

Nhiều người dân ở huyện Thới Bình cũng đề nghị UBND tỉnh cho biết tình hình khám, chữa bệnh và thanh toán bằng bảo hiểm y tế tại Phòng khám đa khoa Phương Nam (TP Cà Mau) thực hiện có đúng quy định.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2016, tại Phòng khám đa khoa Phương Nam do lượng bệnh tăng đột biến, trong điều kiện vừa mở rộng vừa khám chữa bệnh nên ở một số khu vực của phòng khám chưa được liên hoàn, lưu lượng người bệnh còn ngồi chờ đông. Một số buồng khám có lượng bệnh tăng cao như: Tai - Mũi - Họng, chẩn đoán hình ảnh,… bác sỹ khám bệnh vượt công suất, một số thời điểm chưa đảm bảo thời gian cần thiết để thực hiện một kỹ thuật đạt chất lượng; việc khám, chữa bệnh ở địa bàn giáp ranh Cà Mau, Bạc Liêu chưa đúng quy định.

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Y tế phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, Sở Tài chính tiến hành kiểm tra tại Phòng khám này. Qua đó, đề nghị Bảo hiểm xã hội tỉnh từ chối thanh toán những khoản chưa đúng quy định. Đồng thời, yêu cầu Phòng khám nghiêm túc thực hiện đúng quy trình chuyên môn kỹ thuật, bố trí lượng bệnh đảm bảo thực hiện các chuyên khoa, khuyến cáo ngưng tặng quà cho người bệnh.

Trong quý I/2016, Bảo hiểm xã hội tỉnh Cà Mau giám định và từ chối thanh toán cho Phòng khám tổng số tiền trên 36 tỷ đồng. Trong quý 2/2016, tỉnh sẽ tiếp tục xem xét việc thanh toán tiền Bảo hiểm xã hội tại Phòng khám này.

Trước vụ việc trên, UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, Sở Y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa lường hết những tác động tiêu cực của việc tặng quà cho bệnh nhân, tạo dư luận không tốt trong xã hội là một trong những nguyên nhân làm tăng lượng bệnh tại Phòng khám trong khi chưa có những giải pháp xử lý kịp thời.

UBND tỉnh Cà Mau cho biết, trong thời gian tới, chỉ đạo Sở Y tế phối hợp Bảo hiểm xã hội tỉnh tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thực hiện chính sách Bảo hiểm y tế đối với các cơ sở khám chữa bệnh công lập và ngoài công lập, kịp thời chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.

Huỳnh Hải