Ca mắc Covid-19 vẫn "neo" cao, nhóm nguy cơ tuyệt đối không chủ quan
(Dân trí) - Những ngày qua, số ca mắc Covid-19 có xu hướng giảm, tuy nhiên số trường hợp nặng vẫn ở mức cao. Đến ngày 30/3, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.635 ca.
Theo Bộ Y tế, từ 16h ngày 29/3 đến 16h ngày 30/3, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh Covid-19 ghi nhận 85.765 ca nhiễm mới, trong đó 6 ca nhập cảnh và 85.759 ca ghi nhận trong nước (giảm 2.619 ca so với ngày trước đó) tại 62 tỉnh, thành phố (có 62.336 ca trong cộng đồng).
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 3.635 ca, trong đó:
- Thở oxy qua mặt nạ: 2.901 ca
- Thở oxy dòng cao HFNC: 349 ca
- Thở máy không xâm lấn: 96 ca
- Thở máy xâm lấn: 284 ca
- ECMO: 5 ca
Bộ Y tế cho biết, dù tỷ lệ bệnh nặng, tử vong đã giảm nhiều so với giai đoạn trước nhưng số tử vong ghi nhận hàng ngày vẫn ở mức cao.
Tại Hà Nội, theo ThS.BS Phùng Quốc Anh, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Thanh Nhàn, trong đợt dịch lần này mặc dù số ca bệnh ghi nhận hàng ngày là rất cao nhưng tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng đã giảm nhiều so với các đợt dịch trước. Nguyên nhân chính được chỉ ra là bởi tỷ lệ bao phủ vaccine Covid-19 ở người dân là rất cao. Tại Bệnh viện Thanh Nhàn, các trường hợp chuyển nặng, tử vong được ghi nhận tại cơ sở này tập trung ở nhóm: người cao tuổi, người có nhiều bệnh nền và chưa được tiêm vaccine.
Tương tự, tại Bệnh viện Điều trị người bệnh Covid-19 Đại học Y Hà Nội, có khoảng hơn 50% bệnh nhân nặng là chưa tiêm vaccine, phần còn lại tiêm một mũi, có mắc bệnh nền.
Điều này cho thấy, ở nhóm đối tượng có nguy cơ cao, là những người mắc bệnh nền như ghép tạng, ung thư... nguy cơ diễn biến nặng hơn so với các đối tượng khác khi mắc Covid-19, dù đã tiêm vaccine.
PGS.TS.BS Phạm Văn Bùi, Chủ tịch Hội thận học lọc máu TPHCM, giảng viên cao cấp Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cố vấn chuyên môn Bệnh viện Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết, với những bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, như các bệnh nhân ghép tạng, ung thư đang hóa trị/xạ trị, ung thư máu…khi sức đề kháng, hệ miễn dịch bị tổn thương, dù được tiêm vaccine, mức độ phản ứng miễn dịch cũng không thể như người bình thường, nhưng nó vẫn mang giá trị bảo vệ rất lớn.
Vậy có cách nào để gia tăng kháng thể chống Covid-19, bên cạnh tiêm vaccine?
Theo GS Bùi, về chuyên môn, miễn dịch có thể chia thành thụ động và chủ động. Miễn dịch thụ động như đứa trẻ sinh ra hưởng được kháng thể từ mẹ truyền cho. Còn miễn dịch chủ động là trong quá trình lớn lên, hoặc khi tiêm vaccine, cơ thể tiếp xúc nhiều chất lạ (kháng nguyên), từ đó tạo ra kháng thể chủ động để bảo vệ trước các tác nhân này.
Với những người suy giảm miễn dịch, khi được tiêm vaccine, cơ thể họ có thể không tạo được kháng thể đủ mạnh, đủ hiệu quả để chống lại tác nhân gây bệnh, nên nguy cơ mắc bệnh, diễn biến nặng vẫn cao hơn các nhóm đối tượng khác.
"Ở nhóm đối tượng này, nếu có thể, hãy tạo cho họ miễn dịch thụ động, nghĩa là đưa trực tiếp các kháng thể vào cơ thể. Trong y học, kháng thể đơn dòng có tác dụng chống chính con vi khuẩn, siêu vi nào mà các nhà khoa học nhắm tới. Khi tiêm kháng thể này vào sẽ giúp cơ thể người bệnh chống lại virus đó", GS Bùi cho biết.
Vì thế, trên thế giới, liệu pháp kháng thể đơn dòng đã được chứng minh có lợi ích rất lớn với nhóm bệnh nhân dễ bị tổn thương trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.
"Nói dễ hiểu nhất, đó là với nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, sức đề kháng không còn đủ để tạo các kháng thể hiệu quả, phải nhờ kháng thể ngoại lai đưa từ ngoài vào để giúp cơ thể chống lại con vi khuẩn, virus nhất định", GS Bùi giải thích.
Bên cạnh đó, GS Bùi khuyến cáo nhóm đối tượng dễ tổn thương này không nên hoang mang. Hãy tiêm vaccine đầy đủ, tuân thủ 5K quan trọng nhất là mang khẩu trang và các hướng dẫn điều trị khi bị mắc Covid-19, giữ tâm thế bình tĩnh để tránh hoang mang (khi hoang mang, lo lắng rất dễ làm theo những thông tin không chính thống gây hại cho sức khỏe).