Ca ghép gan do rô-bốt thực hiện đầu tiên trên thế giới

(Dân trí) - Các bác sỹ tại một bệnh viện ở Gurgaon, Ấn Độ đã sử dụng rô-bốt để thực hiện ca cấy ghép gan cho một cháu bé 4 tuổi, đánh dấu ca ghép gan thành công đầu tiên sử dụng công nghệ này.

Ca ghép gan do rô-bốt thực hiện đầu tiên trên thế giới - 1

Quá trình phẫu thuật lấy gan ở người hiến tặng
 

Ca phẫu thuật được thực hiện hồi tháng trước tại Bệnh viện  Medanta Medicity ở Gurgaon, vùng ngoại ô của thủ phủ bang Haryana.

 

Các bác sỹ  đã sử dụng rô-bốt Da-Vinci để lấy đi 20% lá gan của anh Rahmatullah, 36 tuổi, người hiến tặng một phần lá gan cho cháu trai mình là Ziad và đặc biệt chỉ để lại sẹo có kích thước 3-4 inch (khoảng 7-10cm).

 

Theo các bác sỹ, đây mới chỉ là ca phẫu thuật gan sử dụng rô-bốt thứ 3 trên thế giới.

 

“Phẫu thuật bằng rô-bốt thường được ứng dụng với các ca phẫu thuật thận, tim và điều trị phụ khoa. Tuy nhiên, sử dụng công nghệ này trong cấy ghép gan không những tăng độ chính xác mà còn khuyến khích được người hiến tặng vì gây ít rắc rối liên quan đến phẫu thuật”, ông A.S Soin, Chủ tịch viện Gan Medanta, Trưởng nhóm phẫu thuật cho biết.

 

Chi phí  cho cuộc phẫu thuật bằng rô-bốt về phía người hiến tặng dao động khoảng 75.000 đến 80.000 rupi (khoảng 1.500 đô – 1.600 đô la Mỹ) , nhiều hơn chi phí cho một cuộc phẫu thuật thông thường. Tuy nhiên các bác sỹ cho biết mức chi phí này sẽ thấp hơn theo thời gian vì sẽ có nhiều cuộc phẫu thuật bằng rô-bốt hơn được tiến hành.

 

Ông Soin nói“ Trong năm tới hoặc trong 18 tháng tới, mức chênh lệch chi phí giữa một cuộc phẫu thuật thông thường và phẫu thuật sử dụng rô-bốt sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 25.000 rupi”. “Nếu thực hiện một ca phẫu thuật riêng rẽ thì chi phí sẽ rơi vào khoảng 100.000 rupi. Nếu thực hiện 3-4 cuộc phẫu thuật trên cùng một dây truyền thì chi phí sẽ tự động giảm xuống”, ông giải thích thêm.

 

Lê Bình

Theo dnaindia