Ca Covid-19 tái dương tính: Virus không phát triển qua nuôi cấy
(Dân trí) - Các chuyên gia đã nuôi cấy lại 3 mẫu virus của các ca mắc Covid-19 tái dương tính, kết quả các virus này không phát triển.
Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã nhận 3 mẫu bệnh phẩm của các ca Covid-19 tái dương tính của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, 2 mẫu của Quảng Ninh nhưng mới tiến hành nuôi cấy virus trên 3 mẫu. Thời gian nuôi cấy virus được một tuần. Kết quả ban đầu cho thấy virus này không phát triển.
PGS.TS Lê Quỳnh Mai, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết virus không phát triển vì virus yếu, không có khả năng nhân lên, chưa đủ nồng độ để lây nhiễm cho tế bào, khuếch đại lên tế bào.
“Virus không sống nên không có khả năng lây cho người khác. Virus muốn lây thì phải khỏe, có nồng độ nhất định. Về nguyên tắc, bao giờ cũng nuôi cấy virus 3 lần liên tiếp”, TS Mai nói.
Vì không có các thành phần cơ bản của một tế bào (như hệ thống enzyme hô hấp, enzyme chuyển hóa,...) nên virus bắt buộc phải ký sinh trong tế bào của vật chủ (tế bào cảm thụ). Virus cũng chỉ biểu hiện sự sống khi thực hiện các quá trình nhân lên ở tế bào cảm thụ qua các hoạt động như gây nhiễm cho tế bào.
Trước đó, liên quan đến một số trường hợp dương tính trở lại sau khi điều trị khỏi bệnh, Bộ Y tế đã giao cho 2 labo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP HCM tiến hành nuôi cấy virus. Nếu virus đó sống, phát triển thì chứng tỏ cơ thể người đó chưa khỏi bệnh
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đặt ra 3 khả năng với một số trường hợp âm tính xong lại dương tính trong quá trình điều trị.
Thứ nhất, có thể người bệnh chưa khỏi bệnh hoàn toàn, trong quá trình điều trị chưa đào thải hết mầm bệnh, virus vẫn còn tồn tại trong cơ thể, đặc biệt trong tế bào niêm mạc phổi.
Thứ 2 là khả năng những người này đã khỏi bệnh nhưng trong quá trình đào thải virus ở dạng bất hoạt- xác virus. Khi chúng ta làm khuếch đại gen, chúng ta xác định được gen của virus. Trường hợp này, đào thải ra mầm bệnh nhưng mầm bệnh không hoạt động được.
Thứ 3 là người lành mang trùng, như Phó thủ tướng đã nói chúng ta có một trường hợp. Cho đến thời điểm hiện nay chúng ta chưa khẳng định được chắc chắn có phải người lành mang trùng không nhưng nó ở dạng như vậy. Điều này có thể xảy ra khi cơ thể con người ta chưa sản xuất đủ kháng thể để có thể khống chế, kiểm soát và tiêu diệt được virus này.
Tại Hàn Quốc cũng báo cáo có tới hơn 100 ca tái dương tính trở lại với SARS-CoV- 2 sau khi được công bố khỏi bệnh. Về lý thuyết một số trường hợp dương tính lại có thể có virus sống và khiến cho bệnh nhân biểu hiện triệu chứng, có khả năng lây lan cho người khác. Tuy nhiên, chưa ghi nhận các ca lây nhiễm thứ phát từ các ca này.
Trước đó, Bộ Y tế thông báo 5 ca tái dương tính gồm: BN 188, 137, 52, 149 và 36, 3 ca nghi ngờ tái dương là BN 74, 207 và 224. Các trường hợp này đều được theo dõi, cách ly tiếp tại các cơ sở y tế.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia, trong tuần vừa qua (từ 20-26/4), thế giới ghi nhận thêm 516.209 trường hợp mắc mới và 37.944 trường hợp tử vong, so với tuần trước số mắc mới tăng 33.054 trường hợp và tử vong giảm 8.314 trường hợp. Ghi nhận 90% số tử vong do Covid-19 tại Mỹ và các quốc gia thuộc châu Âu. Mỹ vẫn tiếp tục là quốc gia có số mắc và tử vong cao nhất trong số 212 quốc gia/vùng lãnh thổ có dịch Covid-19.
Tại châu Á, ghi nhận sự gia tăng đột biến số mắc mới tại Singapore với hơn 1000 ca mắc mới được ghi nhận mỗi ngày trong tuần qua.
Tại Việt Nam, trong tuần (từ 20-26/4) chỉ ghi nhận 2 trường hợp mắc mới ngày 24/4 (về từ nước ngoài, được cách ly ngay khi xuống sân bay). Đến nay, Việt Nam ghi nhận 270 trường hợp mắc Covid-19; 222 trường hợp đã khỏi bệnh. Hiện nay còn lại 48 người bệnh đang điều trị tại 9 cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, ghi nhận một trường hợp khỏi bệnh nhưng được xét nghiệm dương tính trở lại đang được theo dõi tại các cơ sở y tế.
Điều đó cho thấy tính phức tạp trong cơ chế lây nhiễm của virus SARS-CoV-2, cần đánh giá và triển khai đúng các biện pháp phòng, chống nhằm kiểm soát nguy cơ lây nhiễm Covid-19, đặc biệt đối với các trường hợp nhiễm bệnh trong cộng đồng nhưng không biểu hiện triệu chứng, triệu chứng nhẹ.
Nam Phương