Ca Covid-19 tại Bắc Giang tổn thương phổi rất nặng, phải thở máy xâm nhập

Minh Nhật

(Dân trí) - Sau khoảng 2 tuần điều trị, tình trạng phổi của bệnh nhân có diễn biến nặng hơn, đã phải đặt ống nội khí quản để thở máy vào trưa nay. Bên cạnh tổn thương phổi, BN793 còn bội nhiễm vi khuẩn, nấm.

Theo BS Võ Đức Linh, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, trong số 3 bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại cơ sở y tế này, có 2 trường hợp đã tiến triển tốt, cai được máy thở (BN812, BN867), trong khi đó ca bệnh ở Bắc Giang (BN793) lại diễn biến xấu và phải đặt nội khí quản để thở máy xâm nhập.

Ca Covid-19 tại Bắc Giang tổn thương phổi rất nặng, phải thở máy xâm nhập - 1

BS Võ Đức Linh, khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Cụ thể, tình trạng của các ca Covid-19 nặng như sau:

BN812: Nam, 62 tuổi, nhân viên giao Pizza ở Hà Nội

Thời điểm đầu, BN812 có tình trạng tổn thương phổi nặng nhất, phải thở máy xâm nhập. Tuy nhiên, qua quá trình điều trị, bệnh nhân đã được rút ống nội khí quản và chuyển sang thở oxy kính.

Hãy cài đặt Bluezone để bảo vệ mình và bảo vệ mọi người.

“Hiện thể trạng của bệnh nhân tương đối ổn, bệnh nhân ăn uống được, ngủ tốt và tình trạng nhiễm trùng có xu hướng giảm, phổi bệnh nhân tiến triển tốt hơn. Xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR của bệnh nhân vào ngày 21/8 đã cho kết quả âm tính” – BS Linh cho hay.

Ca Covid-19 tại Bắc Giang tổn thương phổi rất nặng, phải thở máy xâm nhập - 2

BN812: Nam, 62 tuổi, nhân viên giao Pizza ở Hà Nội

Theo chuyên gia này, BN812 sẽ tiếp tục được dùng kháng sinh cho đủ liệu trình và đánh giá tình trạng nhiễm trùng để xem xét dừng kháng sinh. Cùng với đó, các bác sĩ tiếp tục theo dõi sát tổn thương phổi của bệnh nhân để xem xét dừng thở oxy kính.

BN867: Nam, 63 tuổi, Hải Dương

Đây là bệnh nhân tiến triển khả quan nhất trong cả 3 ca nặng. Nhờ đáp ứng tốt với thở máy không xâm nhập nên từ 4-5 ngày nay, bệnh nhân đã có thể tự thở khí phòng 100%. Bệnh nhân ăn uống tốt, không sốt, phổi có xu hướng tốt lên.

Ca Covid-19 tại Bắc Giang tổn thương phổi rất nặng, phải thở máy xâm nhập - 3

BS Linh trao đổi về tình trạng của các bệnh nhân Covid-19 nặng đang điều trị tại khoa Hồi sức tích cực

Theo quan sát của phóng viên, bệnh nhân đã có thể đi lại trong phòng bệnh, tự sinh hoạt, xem TV.

“Kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 của BN867 vào ngày 21/8 vẫn dương tính cho nên chúng tôi vẫn tiếp tục chờ kết quả xét nghiệm tiếp theo. Bên cạnh đó, bệnh nhân cũng được theo dõi sát tình trạng tổn thương phổi” – BS Linh phân tích.

BN793: Nam, 58 tuổi, Bắc Giang

Theo BS Linh, sau khoảng 2 tuần điều trị, tình trạng phổi của bệnh nhân có diễn biến nặng hơn. Bên cạnh tổn thương phổi, BN793 còn bội nhiễm vi khuẩn, nấm.

“Sáng nay, tình trạng phổi xấu hơn, cơ hô hấp yếu nên chúng tôi đã vừa phải đặt ống nội khí quản, để bệnh nhân chuyển từ thở máy không xâm nhập sang thở máy xâm nhập” – BS Linh cho hay.

Ca Covid-19 tại Bắc Giang tổn thương phổi rất nặng, phải thở máy xâm nhập - 4

BN793: Nam, 58 tuổi, Bắc Giang

Chuyên gia này nhấn mạnh rằng, tình trạng tổn thương phổi của bệnh nhân rất xấu, thậm chí còn nặng và phức tạp hơn BN812 trước đây. Theo đánh giá, có thể do tình trạng nhiễm trùng của bệnh nhân tăng lên khiến tổn thương phổi nặng thêm.
Về điều trị, theo BS Linh, đối với BN793 cần phải đánh giá 1 cách toàn diện, đặc biệt là theo dõi sát tình trạng hô hấp của bệnh nhân, đánh giá huyết động…

BS Linh phân tích: “2-3 ngày gần đây, bệnh nhân được dùng kháng sinh và kháng nấm. Phải điều trị được đợt nhiễm trùng này của bệnh nhân thì hy vọng là tổn thương phổi dần dần sẽ giảm bớt. Nhìn chung thời gian điều trị dự tính sẽ còn tương đối dài”.

Về tiên lượng của BN793, theo BS Phạm Văn Phúc, khoa Hồi sức tích cực, vì bệnh nhân vừa đặt ống thở máy nên chưa thể khẳng định trước điều gì. Quan trong nhất hiện tại là bệnh nhân có đáp ứng thở máy hay không. Bên cạnh đó, cần phải xác định một cách chi tiết nguyên nhân vì sao phổi lại xấu đi (do Covid-19 hay các căn nguyên khác như vi khuẩn, nấm).

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm