Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19

(Dân trí) - Người mắc Covid-19 dù không có triệu chứng vẫn có thể lây lan mầm bệnh. Trong khi đó, theo ước tính của chuyên gia, tỉ lệ những ca bệnh "vô hình" này có thể lên đến 40%.

Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 - 1

Theo thống kê mới đây của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hoa Kỳ, có khoảng 25% những người nhiễm virus SARS-CoV-2 nhưng lại không hề biểu hiện triệu chứng. Người phát ngôn của tổ chức này nhấn mạnh, đây có thể chính là lý do mà dịch Covid-19 lại lây lan với tốc độ chóng mặt ở đất nước này. Với ¼ số người nhiễm bệnh “vô hình”, nước Mỹ cũng đang cân nhắc thay đổi khuyến cáo về việc đeo khẩu trang, bởi trước đó các quan chức y tế Mỹ đã liên tục nhắc đi nhắc lại việc những người không có triệu chứng ốm thì không cần thiết phải sử dụng phương tiện phòng hộ này.

Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 - 2

Ở quy mô toàn cầu, hiện các nhà nghiên cứu vẫn chưa có một con số thống kê chính xác về những ca mắc bệnh không biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, các trường hợp như vậy đã được ghi nhận ngay từ khi dịch vừa bùng phát vào tháng 12/2019. Trường hợp của bệnh nhân “Z”, một người đàn ông Quảng Đông, 26 tuổi là một ví dụ điển hình. Theo điều tra dịch tễ, bệnh nhân “Z” đã tiếp xúc gần với một người đến từ Vũ Hán mắc Covid-19. Mặc dù cũng bị lây nhiễm SARS-CoV-2 nhưng đến 7 ngày hay 11 ngày sau khi tiếp xúc, bệnh nhân “Z” vẫn không hề có một triệu chứng nào của Covid-19. Thậm chí, vào ngày thứ 7 sau khi tiếp xúc, virus SARS-CoV-2 đã sinh sôi ở cả mũi và cổ họng của anh ta và tải lượng virus ghi nhận được cũng tương đương với các bệnh nhân có triệu chứng.

Ở thời điểm hiện tại, giới khoa học ngày càng dành nhiều mối quan tâm hơn cho nhóm bệnh nhân không có triệu chứng như “Z”, bởi nhóm này thực sự là một thách thức với công tác kiểm soát dịch, vì dù bên ngoài trông khỏe mạnh nhưng họ vẫn có khả năng lây lan SARS-CoV-2 như những người bị ốm và đang phải cách ly điều trị. Theo kết quả điều tra trên Diamond Princess, du thuyền từng là ổ dịch Covid-19 lớn nhất thế giới bên ngoài biên giới Trung Quốc, đã có đến 18% du khách nhiễm virus SARS-CoV-2 không bao giờ biểu hiện triệu chứng. Một nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm các chuyên gia Hong Kong cũng dự đoán rằng, có từ 20% đến 40% các trường hợp lây nhiễm ở Trung Quốc đã xảy ra trước khi F0 xuất hiện triệu chứng.

Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 - 3

“Tỉ lệ thực tế của các ca bệnh không có triệu chứng trên thế giới có thể đang ở mức rất cao”, TS Gerardo Chowell, chuyên gia dịch tễ học đến từ Đại học bang Georgia nhận định. Là người trực tiếp phân tích các con số liên quan đến Diamond Princess, chuyên gia này cho rằng, hầu hết những người trên du thuyền đều là người lớn tuổi, vốn là nhóm đối tượng có xu hướng biểu hiện triệu chứng cao hơn. Do đó, kết quả 18% số ca không xuất hiện triệu chứng ghi nhận trên du thuyền này là khá thấp so với mặt bằng chung. Dựa trên những tính toán của mình, TS Gerardo Chowell nhận định: “Có khoảng 40% các ca bệnh trong cộng đồng sẽ không xuất hiện triệu chứng”.

Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 - 4

Không ít ý kiến cho rằng, lý do Covid-19 có thể “xâm chiếm” thế giới với tốc độ vượt trội so với những “họ hàng gần” là  SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng) hay MERS (Hội chứng hô hấp Trung Đông), chính là nhờ những ca lây nhiễm “vô hình” này. Nhiều nghiên cứu chỉ ra, người nhiễm virus SARS-CoV-2 có khả năng lây lan cho người khác mạnh nhất trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 ngày, trước khi xuất hiện triệu chứng điển hình, trong khi đó SARS và MERS không lây lan trong thời kỳ ủ bệnh.

 “Loại virus corona mới lây lan dễ dàng như bệnh cúm mùa”, đó là nhận định của TS Michael T. Osterholm, một chuyên gia bệnh truyền nhiễm của Đại học Minnesota. TS Michael T. Osterholm lấy dẫn chứng cụ thể, virus SARS-CoV-2 không chỉ lây lan thông qua các giọt bắn lớn từ người bệnh, mà còn qua các giọt bắn nhỏ hơn 5 micromet được gọi là khí dung. Điều này đồng nghĩa với việc người mắc Covid-19 có thể lây truyền virus chỉ với việc nói chuyện, hát hay thậm chí là thở.

Ca bệnh không triệu chứng: Thách thức lớn trong cuộc chiến chống Covid-19 - 5

Vụ việc của một dàn hợp xướng ở thành phố Seattle (Mỹ) là ví dụ điển hình, mà các chuyên gia vẫn sử dụng để dẫn chứng cho khả năng lây lan qua khí dung của virus SARS-CoV-2. Theo đó, vào ngày 10/3, 60 thành viên của đoàn hợp xướng trong Thành phố đã tụ họp để luyện tập 1 vở diễn mới. Trong thời gian 2 giờ 30 phút tập luyện, không ai trong số họ tiếp xúc với nhau và cũng không ai có triệu chứng bệnh. Tuy nhiên, chỉ 2 tuần sau, hơn 20 thành viên đã phải nhập viện và 2 trường hợp trong số đó đã tử vong vì Covid-19.

Trước những thực tế này, theo TS Michael T. Osterholm, khi vắc-xin Covid-19 vẫn còn đang trong giai đoạn phát triển, giải pháp tốt nhất để làm dịu đi đại dịch này chính là giãn cách xã hội. TS Michael T. Osterholm phân tích: “Bởi vì virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan ngay cả khi bệnh nhân không xuất hiện triệu chứng. Do đó việc yêu cầu những người bị ốm tự cách ly ở nhà, cũng như giải pháp hạn chế tiếp xúc với người bị ốm là chưa đủ. Đây cũng là lý do vì sao nhiều chuyên gia đang kêu gọi tất cả mọi người hãy đều đeo khẩu trang”.

 Minh Nhật

Theo NYT, WHO