BV Bệnh nhiệt đới TƯ: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh

(Dân trí) - Thống kê của BV Bệnh nhiệt đới TƯ, số bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện liên tục tăng. Nếu 6 tháng đầu năm chỉ có 65 ca thì đến tháng 9, con số này là 224 ca và chỉ trong 3 tuần đầu tháng 10, đã 204 ca nhập viện.

Tái diễn cảnh nằm ghép

Khoa Vi-rút - Ký sinh trùng chỉ là 1 trong 3 khoa cùng điều trị bệnh nhân SXH tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới TƯ nhưng phòng nào cũng 8 bệnh nhân chia cho 4 giường, chưa kể người nhà đã khiến căn phòng trở nên chật chội. Thậm chí khoa đã phải kê thêm 4 giường ra ngoài hành lang cho 7 bệnh nhân nằm.
 
“Trên khoa này, giường bệnh nào cũng phải nằm ghép 2 người. Có nhiều trường hợp còn phải nằm ghép 3, khi mà một bệnh nhân cùng giường đã đỡ hơn, không còn phải truyền thuốc nữa”, chị N.T.T (31 tuổi ở Minh Khai, Hà Nội) đang nằm điều trị chia sẻ.
 
BV Bệnh nhiệt đới TƯ: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh - 1
Giường bệnh nào cũng ghép 2 bệnh nhân. Ảnh: H.Hải
BV Bệnh nhiệt đới TƯ: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh - 2

Dù phải kê thêm giường ở ngoài hành lang nhưng vẫn không thể tránh được ghép giường (Ảnh: Nhân Hà)

Tính trung bình mỗi ngày có khoảng 10 ca SXH nhập viện điều trị nhưng do đặc điểm của bệnh là phải nằm điều trị dài ngày (5-10 ngày) nên đã dẫn tới quá tải khi số bệnh nhân cũ chưa ra, lại thêm bệnh nhân mới nhập viện.

“May mà mấy hôm nay, thời tiết đỡ ngột ngạt, chứ như mọi hôm, không khí oi bức, người mệt mỏi. Rồi thêm lo lắng, cáu gắt khi bác sĩ hỏi về kỳ kinh vì họ lo ngại kỳ kinh có thể kéo dài do SXH”, chị T nói.

Tình trạng nặng
BV Bệnh nhiệt đới TƯ: Bệnh nhân sốt xuất huyết tăng nhanh - 3
Những bệnh nhân tự điều trị ở nhà thường nhập viện trong tình trạng nặng (Ảnh: Nhân Hà)
 
BS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ cho biết, việc nhập viện muộn không chỉ khiến bệnh nhân ở tình trạng nặng mà còn kéo dài thời gian điều trị hơn. Thực tế điều trị cho thấy, nhiều bệnh nhân đến viện đã có hiện tượng xuất huyết do tiểu cầu giảm như chảy máu lợi, chảy máu cam, tiểu cầu giảm thấp, chỉ ở mức 10-11 nghìn, thậm chí có bệnh nhân chỉ còn 6 - 8 nghìn tiểu cầu. Tình trạng giảm tiểu cầu quá mức này rất nguy hiểm, bệnh nhân dễ bị chảy máu, xuất huyết như xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, xuất huyết tiêu hóa, xuất huyết não… Những bệnh nhân SXH có tiểu cầu dưới ngưỡng 50 nghìn thì người bệnh sẽ phải nhập viện theo dõi điều trị, sẵn sàng truyền tiểu cầu nếu có xuất huyết.

Nguyên nhân khiến phần lớn bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện muộn là vì người bệnh chủ quan, không hề nghĩ mình bị SXH. Nhiều bệnh nhân đang điều trị chia sẻ, khi đột ngột sốt cao, hầu hết trong số họ đều không nghĩ là bị sốt xuất huyết mà nghĩ đơn giản sốt vi-rút. Đến khi nổi ban trên da, không hết mệt, lúc này đến viện đã ở giai đoạn nặng, kết quả xét nghiệm cho thấy lượng tiểu cầu rất thấp.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thu Thủy (khu tập thể Đài truyền hình VN, Minh Khai, Hà Nội). Chị kể, chị bị sốt cao liên tục 3 ngày liền, ngày đầu đi khám tại phòng khám tư, bác sĩ chẩn đoán sốt vi-rút chỉ cần hạ sốt và nghỉ ngơi. Nhưng đến ngày thứ 4, chị mệt lả dần, ăn vào là nôn, tiếp tục sốt cao. Gia đình đưa vào bệnh viện TƯ quân đội 108 khám và xin nhập viện nhưng bị từ chối vì bác sĩ cũng chỉ cho rằng bị sốt vi-rút thông thường. Gia đình lại chuyển sang bệnh viện Bệnh nhiệt đới TƯ khám, kết quả thử máu cho thấy chị bị giảm tiểu cầu rất nặng và phải nhập viện điều trị.

BS Kính khuyến cáo, trong thời điểm này, khi bỗng nhiên sốt cao đột ngột 39-40 độ, nhất là ở trong vùng có người bị SXH, người bệnh cần nghĩ đến nguy cơ này để tự theo dõi tại nhà. Phần lớn các trường hợp SXH có thể chăm sóc tại nhà bằng cách uống paracetamol hạ sốt, nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, cho ăn cháo, súp, sữa, uống nhiều nước. Nếu không đáp ứng thuốc hạ sốt, nên đến viện kiểm tra để được hướng dẫn theo dõi. Còn khi đã xuất huyết da, niêm mạc, có thể kèm chảy máu cam, chán ăn, đau cơ, đau khớp, đau bụng…), cần nhanh chóng đưa người bệnh đến bệnh viện, phòng nguy cơ sốc SXH rất nguy hiểm đến tính mạng.
 
Phân biệt SXH và sốt vi-rút
 
Thực tế, đại đa số bệnh nhân SXH đều nghĩ mình chỉ bị sốt vi rút thông thường nên không đi khám, chỉ khi có dấu hiệu rõ ràng của SXH kèm theo nguy cơ tiền sốc SXH mới nhập viện. BS lưu ý bệnh nhân có thể tự theo dõi để phân biệt SXH với sốt vi rút thường để kịp thời đến viện khi có dấu hiệu trở nặng.
 
Ở ngày thứ 1, thứ 2: Cả bệnh SXH và sốt vi rút thường chỉ có biểu hiện là sốt cao. Vì thế, để phân biệt giữa hai loại bệnh này không hề đơn giản, ngay cả với bác sĩ có kinh nghiệm. Đây cũng là lý do nhiều người bệnh khi vào viện khám, phải nhập viện vì SXH ngỡ ngàng bởi trước đó, khi bị sốt họ cũng có thăm khám bác sĩ nhưng phần lớn được chẩn đoán là sốt vi rút.
 
Tuy nhiên, có thể theo dõi tình trạng hạ sốt sau khi uống thuốc paracetamol để nhận biết. Nếu sốt cao do SXH thì sau khi uống paracetamol để hạ nhiệt, thì thân nhiệt cũng chỉ hạ được trong một thời gian ngắn, sau đó bệnh nhân lại tiếp tục sốt cao trở lại và người bệnh luôn cảm thấy rất mệt mỏi, không muốn ăn. Còn nếu sốt vi rút thông thường, nhiệt độ cơ thể cũng chỉ hạ được trong khoảng 3 - 4h sau dùng thuốc rồi lại sốt cao trở lại. Tuy nhiên, khi hạ sốt, người bệnh không thấy quá mệt mỏi, vẫn ăn uống được.
 
Ở ngày 3, với sốt vi rút, tình trạng sốt bắt đầu giảm đi, không sốt cao 39 - 40 độ C nữa mà bắt đầu giảm xuống. Thời gian tác dụng của thuốc hạ sốt cũng dài hơn. Hai ngày trước, thông thường 4 tiếng phải uống thuốc hạ sốt một lần thì bước sang ngày thứ 3, có thể 9 - 10 tiếng mới lại bị sốt lại.
 
Còn với bệnh SXH ngày thứ ba vẫn thường chỉ biểu hiện sốt, không có biểu hiện gì khác. Nhưng thực tế, ở thời điểm này, người bệnh đã có biểu hiện xuất huyết dù là tối thiểu. Nếu tới bệnh viện khám, thầy thuốc có kinh nghiệm có thể thấy da của bệnh nhân xung huyết nặng nề hơn người bình thường bằng cách ấn mạnh một ngón tay xuống da thì thấy xung quanh có quầng đỏ rất rõ. Hoặc có thể nhận biết dấu hiệu thắt dương tính qua thao tác thăm khám đo huyết áp.

Hồng Hải