1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bướu giáp nặng 600gr khiến nam thanh niên không thể cúi đầu

Doãn Công

(Dân trí) - Ngày 9/9, lãnh đạo Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết, các bác sĩ đã phẫu thuật khối bướu giáp khổng lồ nặng 600gr cho bệnh nhân nam 20 tuổi quê ở Gia Lai.

Bệnh nhân là anh S.B. (20 tuổi, ở tỉnh Gia Lai) nhập viện ngày 4/9, trong tình trạng khối u to chèn kín vùng cổ, gây mất thẩm mỹ, chèn ép đường thở, nuốt khó, không thể cúi hoặc ngửa cổ được.

Khai thác tiền sử bệnh cho thấy anh B. mắc bệnh này từ nhỏ, nhưng không điều trị. Qua thăm khám, chụp CT-scan cắt lớp, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị bướu giáp khổng lồ vùng cổ, kích thước phải 52x48mm, trái 53x61mm.

Bướu giáp nặng 600gr khiến nam thanh niên không thể cúi đầu - 1

Anh S.B. trước và sau khi phẫu thuật cắt bỏ khối bướu giáp (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật cấp cứu do bị khối bướu chèn ép gây suy hô hấp. Tiên lượng ca phẫu thuật gặp nhiều khó khăn vì khối u to, chèn ép đường thở.

Mục tiêu phẫu thuật sao để hạn chế mất máu, bảo tồn thần kinh thanh quản, giúp giọng nói bệnh nhân bình thường sau mổ.

Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy toàn bộ khối u tuyến giáp 2 bên an toàn, bảo tồn tối đa chức năng.

Theo bác sĩ Nguyễn Quốc Cường, Phụ trách Khoa Ngoại Tổng hợp, đây là trường hợp bướu to nhất từng được phẫu thuật tại Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa. Sau mổ, sức khỏe bệnh nhân đã ổn định, có thể nói và hít thở thoải mái.

TS Vũ Tuấn Anh, Giám đốc Bệnh viện Phong - Da liễu Trung ương Quy Hòa cho biết hiện bệnh viện có thể thực hiện tất cả các loại thủ thuật, phẫu thuật tuyến giáp, từ bướu lành tới ung thư tuyến giáp, từ phẫu thuật mổ mở kinh điển tới phẫu thuật nội soi tuyến giáp. Điều này không những đem lại hiệu quả điều trị cao, mà còn đạt thẩm mỹ giá trị thẩm mỹ cho người bệnh.

Bướu giáp (bướu cổ/bướu tuyến giáp) là một trong những dạng rối loạn tuyến giáp phổ biến. Phần lớn người bệnh có bướu tuyến giáp lành tính, có thể điều trị đơn giản, nhưng cũng có thể thuộc dạng ác tính.

Tùy thuộc vào tình trạng bệnh mà có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc), thủ thuật (như đốt khối u bằng sóng cao tần - RFA), hay phẫu thuật (mổ nội soi, mổ mở) để điều trị cho bệnh nhân.