1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Buộc thu hồi nhiều loại thực phẩm chức năng vì không có chất công bố

(Dân trí) - 3 sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam buộc phải thu hồi vì không đạt tiêu chuẩn chất lượng. Hàm lượng các chất trong mẫu kiểm nghiệm thấp hơn hoặc không tìm thấy như nhà sản xuất đã công bố.

Sản phẩm Viên xương khớp Kingphar không đạt tiêu chuẩn hàm lượng 
Sản phẩm Viên xương khớp Kingphar không đạt tiêu chuẩn hàm lượng glucosamin

như nhà sản xuất công bố.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm đã ban hành quyết định thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với 03 sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty Cổ phần Kingphar Việt Nam, bao gồm sản phẩm True Lady Kingphar số 2022/2015/ATTP- XNCB  ngày 27/01/2015, Thực phẩm chức năng Kingphar Baby số 24527/2014/ATTP-XNCB ngày 27/12/2014, thực phẩm chức năng Viên xương khớp Kingphar số 3585/2012/ATTP-XNCB ngày 24/10/2012. Đồng thời các sản phẩm này cũng phải tạm dừng lưu thông, thu hồi sản phẩm trên thị trường.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc cơ quan quản lý phải ra quyết định thu hồi Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm đối với 3 sản phẩm trên là do kết quả kiểm nghiệm cả 3 mẫu sản phẩm này đều không đạt tiêu chuẩn như nhà sản xuất đã công bố.

Cụ thể, mẫu sản phẩm True Lady Kingphar kết quả kiểm nghiệm cho thấy không phát hiện hàm lượng Isoflavon (nhà sản xuất công bố 40mg/viên) và hàm lượng Collagen chỉ đạt 81,1mg/viên (công bố là 100mg/viên).

Mẫu thực TPCN Kingphar Baby dù nhà sản xuất công bố có hàm lượng Lactobacillus acidophilus và Bifidobacteriumlatis nhưng kết quả kiểm nghiệm không phát hiện có thành phần này. Viên xương khớp Kingphar thành phần glucosamin giảm gần 10% so với tiêu chuẩn công bố.

Theo ông Vương Trí Dũng, Phó Chi Cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội, hiện hồ sơ liên quan đến việc 3 sản phẩm TPCN của Kingphar đã được chuyển giao sang Cơ quan công an để tiếp tục điều tra. Bởi trong 3 sản phẩm do Công ty cổ phần Kingphar Việt Nam sản xuất có 02 sản phẩm True Lady Kingphar và Kingphar Baby trong lô kiểm nghiệm không phát hiện thành phần trong sản phẩm theo công bố chất lượng. 

Ngoài ra, Cục An toàn thực phẩm cũng vừa ban hành quyết định thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm số 23478/2013/ATTP-XNCB cấp ngày 13/11/2013 đối với sản phẩm thực phẩm chức năng Bổ dương AK của Cơ sở sản xuất kinh doanh thuốc thành phẩm Y học cổ truyền Thái Nguyên. Lý do là cơ sở kinh doanh sản xuất đã có văn bản xin nộp lại hồ sơ công bố số sản phẩm.

Được biết, thực hiện sự chỉ đạo của Văn phòng Ban chỉ đạo 389 Quốc gia, vừa qua, Ban chỉ đạo 389 TP Hà Nội đã đồng loạt ra quân kiểm tra liên ngành và kiểm soát an toàn thực phẩm đối với mặt hàng thực phẩm chức năng lưu thông trên phạm vi toàn TP Hà Nội. Đến nay, đoàn đã kiểm tra 34 vụ, đã xử lý 15 vụ và chờ xử lý 19 vụ, thu ngân sách gần hàng trăm triệu đồng.

Mới đây, tại cuộc Tọa đàm về công tác chống hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực y tế diễn ra tại Hội An, Quảng Nam, PGS.TS. Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Trưởng ban chỉ đạo 389 Bộ Y tế khẳng định Bộ Y tế kiên quyết đấu tranh các hành vi vi phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng không đảm bảo chất lượng nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo người tiêu dùng cần cẩn trọng, khi lựa chọn các sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cần lựa chọn những sản phẩm uy tín, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, phòng những nguy cơ rủi ro cho sức khỏe do các sản phẩm nguồn gốc trôi nổi, không đảm bảo mang lại.

Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 5 tháng đầu năm nay, lực lượng chức năng đã phát hiện 8.800 vụ vi phạm về chống buôn lậu, hàng giả hàng nhái, gian lận thương mại. Tuy nhiên, trong số này mới chỉ có 25 vụ được khởi tố. Hàng giả đã và đang xuất hiện ở hầu hết các lĩnh vực, ngành hàng, tập trung vào các mặt hàng chủ yếu như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, sữa, phân bón, đồ chơi trẻ em…

Hàng loạt công ty bán TPCN bị phạt vì quảng cáo “chui”

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm cho biết, trong tuần qua, nhiều công ty kinh doanh thực phẩm chức năng đã bị xử phạt vì quảng cáo sai phép.  

Cụ thể, công ty TNHH SX TM và Dịch vụ Việt Việt Khang (quận 7, Tp Hồ Chí Minh) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng MAKA có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Công ty TNHH TM Bảo Bình An (Phường Hoàng Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Mãnh Chúa Diệu Khang có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Công ty TNHH Vitapure Hoa Kỳ (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) quảng cáo 03 sản phẩm thực phẩm chức năng Linh Dan Dưỡng Sinh, thực phẩm bổ sung Fezim (siro), thực phẩm chức năng Bokimilk cốm tan trên website http://www.vitapure-usa.com/vn khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo.

Công ty TNHH Y Dược Đại An (phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Bảo An Tiền Liệt Đơn có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Công ty TNHH Thương mại Hồng Vỹ (Phường Mễ Trì, NamTừ Liêm, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng BIG MAN có nội dung quảng cáo không phù hợp với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Công ty Cổ phần Dược thảo Phúc Vinh, (phường Khương Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Viên giảm cân PV và PV Gan khi không được cơ quan có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo và không thực hiện kiểm nghiệm định kỳ cho sản phẩm thực phẩm chức năng Dầu tỏi PV theo quy định.

Ông Phong cho biết, cùng với việc xử phạt bằng hình thức phạt tiền, Cục ATTP đã buộc các cơ sở vi phạm dừng ngay hành vi vi phạm, tháo gỡ các nội dung quảng cáo sai quy định, cải chính thông tin.


 Tú Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm