1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bỏng niêm mạc mũi vì nhỏ nước tỏi ép

(Dân trí) - Vừa nhỏ 1 giọt nước tỏi ép vào mũi con, chị Hoa giật mình trước tiếng hét rồi oà khóc của bé. Chị liền thử nhỏ một giọt vào mũi mình. Ngay lập tức, cảm giác cay nóng sộc lên khiến chị tưởng như không chịu nổi.

Nước tỏi ép - con dao hai lưỡi

Được người bạn mách nhỏ nước tỏi ép có công dụng tuyệt vời, sẽ giúp bé hết khụt khịt, nhất là nước tỏi ép trộn với nước muối sinh lý 0,9%. Chị Hoa (CT2A, Văn Quán, Hà Nội) liền áp dụng ngay khi cu cậu bị hắt hơi, xổ mũi.

Nhưng vì nghe phổ biến không kỹ, chị ép tận 3 nhánh tỏi to, chỉ cho vào đó chừng 20 giọt nước muối sinh lý rồi lọc lấy nước nhỏ cho con. Chính vì nồng độ nước tỏi quá đặc khiến độ cay, nóng "đậm" làm cậu con trai nhỏ hoảng sợ.

Đáng ngại hơn, sau khi nhỏ nước ép tỏi, chị thấy niêm mạc mũi con đỏ hồng. Bé trở nên bằn hăn, hay cáu khóc. Chị vội đưa con đi khám, kể nguyên nhân thì bác sĩ nói niêm mạc mũi của bé bị kích ứng mạnh với sức nóng, cay từ tỏi nên bị ửng đỏ. Rất may là mới ở mức độ nhẹ, chưa bị bỏng niêm mạc mũi.

Trao đổi về vấn đề này, BS Nguyễn Văn Lộc, nguyên Phó GĐ BV Nhi T.Ư cho biết: Niêm mạc mũi trẻ vốn rất mỏng, trong khi đó nước tỏi lại có đặc tính nóng, cay, nhất là nếu nó quá đậm đặc. Vì thế, nhỏ nước ép tỏi rất nguy hiểm, có thể làm bỏng niêm mạc mũi.

“Nhất là nếu không pha loãng nước tỏi, để nồng độ quá đặc rồi nhỏ vào mũi trẻ dễ khiến trẻ bị bỏng rộp niêm mạc mũi, không phát hiện điều trị có thể gây hoại tử da, thậm chí dẫn đến nhiễm trùng máu do nơi hoại tử bị viêm nhiễm. Việc điều trị bỏng niêm mạc mũi cũng rất khó khăn và lâu dài. Vì thế, tuyệt đối không sử dụng nước ép tỏi, ép hành để nhỏ mũi cho trẻ”, BS Lộc cảnh báo.

Hơn nữa, khi bị bỏng rộp niêm mạc mũi, trẻ sẽ bị khó thở bằng đường mũi, buộc phải thở bằng miệng, không khí không được làm ấm dễ gây viêm họng, viêm phổi.
 
Thận trọng khi nhỏ mũi cho trẻ

“Với trẻ nhỏ, để rửa mũi khi bé bị ngạt mũi, đi đường bụi bặm về, cha mẹ chỉ nên sử dụng nước muối sinh lý để nhỏ. Tuyệt đối không sử dụng bất cứ loại thuốc nào cho trẻ mà không có hướng dẫn của thầy thuốc", BS Lộc nhấn mạnh.

Đặc biệt, khi nhỏ thuốc cho trẻ (ngay cả với muối sinh lý hay bất cứ loại thuốc nào (có chỉ định của thầy thuốc), cha mẹ cần chú ý đến nhiệt độ của thuốc nhỏ, vì nếu thuốc quá nóng hay lạnh đều có thể gây co thắt niêm mạc, mạch máu, không tốt cho trẻ. Thậm chí, nếu ngâm nóng quá sẽ gây bỏng niêm mạc mũi.

Vì thế, với các loại thuốc nhỏ mũi, trước khi nhỏ cho trẻ nên ngâm một hai phút trong nước ấm 40 - 500C trước khi nhỏ cho trẻ, nhất là vào mùa đông.

Tuy nhiên, BS Lộc cũng lưu ý, việc lạm dụng quá nhiều muối sinh lý cũng không tốt cho trẻ. Chỉ trong những trường hợp bị viêm mũi, có nước mũi trong, mũi đặc… thì mới nên dùng muối sinh lý rửa sạch trước khi nhỏ thuốc trị ngạt sẽ giúp thuốc có hiệu quả hơn.

Tuy nhiên, nhiều bậc phụ huynh, con không bị ngạt, sổ mũi ngày cũng nhỏ cho con 5 - 7 lần để rửa mũi là điều không nên. Vì lúc này, mũi đang ở trạng thái bình thường, việc sử dụng thường xuyên nước muối sinh lý để làm sạch mũi sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, mất đi chức năng bảo vệ mũi của lớp thảm này và gây tổn thương niêm mạc mũi. Chính vì thế mũi lại hay bị viêm hơn.

Vì thế, nếu trẻ không có dấu hiệu ngạt, sổ mũi thì không nên dùng. Còn khi bé bị ngạt mũi, bác sĩ thường chỉ định rửa mũi cho bé bằng nước muối sinh lý chừng 5 lần/ngày. Nhưng cần lưu ý, trước khi nhỏ nước muối vào mũi, nên ngâm ấm nước muối (nhớ là chỉ hơi âm ấm) rồi nhỏ vào mỗi bên mũi của bé chừng 1/3 - 1 lọ tuỳ theo độ tuổi. Sau đó dùng dụng cụ hút mũi hút sạch nước muối ra, làm như vậy chừng 2 lần thì mũi sẽ sạch. Sau cùng, nên nhỏ 1 - 2 giọt vào mũi và không hút ra nữa. Làm như thế này rất tốt, vừa giúp mũi bé được thông thoáng, mũi lại sạch trước khi được nhỏ một loại thuốc trị viêm mũi khác.

Hồng Hải

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm