Bỏng nặng do xe máy bất ngờ bốc cháy

(Dân trí) - Đang đi xe trên đường, xảy ra va chạm nhẹ với tay gương của xe bên cạnh, V bị ngã xuống đường cùng chiếc xe. Một chút xăng rò rỉ từ xe ra đường “bỗng dưng” bén lửa bốc cháy, khiến V bị bỏng nặng ở hai chân.

Nạn nhân của vụ tai nạn hi hữu ngày 9/2 này là Đ.H.V (20 tuổi ở Thanh Xuân, Hà Nội, sinh viên năm thứ 3 ĐH Xây dựng). Theo lời kể của V, mấy ngày gần đây V cũng phát hiện sự bất thường của xe máy, mới di chuyển một đoạn là máy đã nóng ran, nhỡ chạm chân vào thì thấy bỏng giãy, còn để chân hai bên vẫn cảm thấy hơi nóng hừng hực từ máy xe như muốn bùng lên. Nhưng do bận học, V chưa kịp đưa xe đi kiểm tra thì đã xảy ra tình huống trên.

Sự việc xảy ra khi V đang chạy xe trên cầu Chương Dương và va chạm nhẹ vào tay gương xe bên cạnh khiến xe của V. bị đổ ra đường và xăng rò rỉ ra ngoài. Không ngờ xăng liền bén với máy nóng bốc cháy, khiến V không kịp nhảy hẳn ra khỏi xe nên cũng bị bén lửa lên hai ống quần. Nhưng do cuống quá, lại không biết sơ cứu nên khi thoát được khỏi xe, V cứ cuống cuồng chạy quanh tìm cách dập lửa đang cháy hừng hực ở chân, mãi mới dập lửa được và được đưa thẳng vào Viện bỏng quốc gia cấp cứu, nên vùng tổn thương bỏng khá nặng nề. Cho đến nay (gần 1 tháng), bệnh nhân vẫn phải nằm viện điều trị.

Theo TS Đỗ Lương Tuấn, chủ nhiệm khoa Bỏng người lớn, tai nạn bỏng thường xảy ra rất bất ngờ, như trường hợp của V. nên mọi người thường lúng túng không biết cách sơ cứu. Lúc này, tốt nhất là sau khi dập lửa cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến nơi gần nhất có nước để người bệnh được ngâm vết bỏng vào chậu nước sạch, hoặc để vết bỏng dưới vòi nước chảy. Nước sẽ làm giảm nhiệt tại vết bỏng, giúp người bệnh vừa đỡ đau rát, vừa để bỏng không “ăn” sâu vào thêm.

Người đi xe máy cũng cần lưu ý thường xuyên kiểm tra xe, thay dầu, tránh để xe trong tình trạng nóng máy quá lâu rất dễ đánh lửa và bén lửa, có thể gây những tai nạn đáng tiếc.

Hồng Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm