Bỗng dưng… có HIV/AIDS
(Dân trí) - Là một cô gái nông thôn chân chất quê lúa Thái Bình, chị T.T.Thi (32 tuổi) lấy chồng từ năm 1999. Chưa từng có giây phút "ngoài chồng-ngoài vợ" nhưng năm 2001, khi sinh con ở bệnh viện, chị mới ngã ngửa vì hai mẹ con chị mang trong mình căn bệnh thế kỷ.
Vượt qua sự tột cùng thất vọng
Sụp đổ, khóc ròng tưởng không vực dậy nổi vì giận chồng, thương thân, nhất là thương cậu con giai vừa mới sinh, đang còn đỏ hỏn, hồng hào, khoẻ mạnh …đã mang trong mình cái chết được báo trước. Nhưng rồi, sự mềm lòng, vị tha của người phụ nữ, chị cũng tha thứ cho chồng.
Cả hai vợ chồng chị về nhà sống với bố mẹ đẻ, giấu kín chuyện cả nhà chị có HIV/AIDS. Nhưng rồi, khi em bé của chị bỏ lên thiên đường, mọi người cũng rì rầm biết chuyện và tránh xa gia đình chị. Thương con, khao khát chăm nom trẻ nhỏ, chị rất muốn yêu chiều các em nhỏ hàng xóm, nhiều khi muốn dang tay đỡ em bé mải chạy vấp ngã đang khóc nhè, nhưng chợt nhớ ra, chị lại lặng lẽ quay đi. Chị sợ, bố mẹ đứa bé nhìn thấy, lại giằng em bé ra khỏi tay chị.
Mang trong mình mầm bệnh thế kỷ nhưng chị chưa chết ngay được mà vẫn phải sống. Vì thế, chị đi làm may thuê. Trong một lần, CLB Ngày mai tươi sáng giao lưu văn nghệ ngay gần nơi chị làm, chị đăng kí một tiết mục văn nghệ. Sau bài hát, chị lại nước mắt rơi lã chã vì mình đã không đủ dũng cảm sống vui tươi, đối mặt với bệnh tật như các thành viên kia. Vì thế, chị đã tham gia vào CLB Hương Lúa, rồi trở thành một tuyên truyền viên đồng đẳng, vừa để vợ chồng chị được tiếp cận điều trị HIV/AIDS miễn phí, vừa để có cơ hội động viên, chăm sóc những người phụ nữ cũng có hoàn cảnh như chị.
Lần đầu tiên tiếp cận với một người phụ nữ cùng xã, có chồng đi làm ăn xa bị ốm nặng, ho ra máu, gầy còm như nhiễm lao… phải về quê và đã tử vong, chị rất xúc động trước tình cảnh người phụ nữ, cũng như chị mấy năm trước đây. Hết nói nặng lại dùng lời nhẹ nhàng, chị đã động viên được người phụ nữ đó đi xét nghiệm. Hai chữ “DƯƠNG TÍNH” HIV/ADIS to tướng khiến người phụ nữ cả đời chỉ biết đến đồng ruộng ngỡ ngàng. Chị là một tuyên truyền viên đồng đẳng, lại cũng đang mang trong mình căn bệnh này nhưng mãi mới chọn được lời để nói với người phụ nữ thôn quê tội nghiệp.
Không dũng cảm đối mặt với mặc cảm tại quê nhà, người phụ nữ này đã vào Bình Dương làm việc và đã được chị Thi động viên tham gia nhóm tuyên truyền viên đồng đẳng. Hiện nay, sức khỏe của chị rất ổn định và là một tuyên truyền viên năng nổ ở Bình Dương.
Theo chị Đỗ Thị Phương Anh (Nam Định), trong suốt 4 năm tiếp cận các đối tượng nguy cơ cao lây nhiễm HIV/AIDS, phụ nữ là đối tượng dễ bị sốc nhất khi phát hiện mình nhiễm HIV vì đại đa số trong số họ, đều là người bị động. Họ là những người phụ nữ hết lòng chăm lo cho chồng con, nhất mực chung thuỷ và bị lây bệnh từ chồng, đối tượng mà họ không bao giờ nghĩ tới việc phải “đề phòng”.
Và khao khát làm mẹ
“Cũng có nhiều phụ nữ đồng cảnh truyền tai mình kinh nghiệm canh ngày rụng trứng và kiểm tra tải lượng vi rút và CD4 trước thời điểm quan hệ. Nếu CD4 cao, tải lượng vi rút âm tính thì bắt đầu quan hệ. Thực tế, khi CD4 cao, tải lượng vi rút âm tính thì giảm khả năng lây nhiễm sang con, nhưng không hoàn toàn nên mình vẫn rất sợ hãi”, chị Phương, một phụ nữ có HIV tâm sự.
Khao khát làm mẹ nhưng lại không nắm kỹ thông tin, biện pháp, nên tỷ lệ phụ nữ mang thai (PNMT) nhiễm HIV vẫn rất cao. Năm 2008, số PNMT nhiễm HIV là 0,25%, tương đương khoảng 5.000 PNMT nhiễm HIV/năm. Nếu những thai phụ này không được dự phòng lây nhiễm HIV thì tỷ lệ lây HIV sang con khoảng 30-40%, tức là mỗi năm ở Việt Nam sẽ có khoảng 2.000 trẻ em sinh ra đã nhiễm HIV. Nhưng nếu những bà mẹ có HIV đều được chăm sóc y tế chu đáo thì tỷ lệ này sẽ giảm xuống dưới 5%, nghĩa là số trẻ em có thể bị lây nhiễm HIV từ mẹ sẽ giảm mạnh, chỉ còn 250 cháu bé nhiễm HIV/năm”, TS.Chu Quốc Ân, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS, cho biết.
TPHCM: Thăm và trao quà cho bệnh nhân HIV/AIDS
Ngày 1/12, Uỷ ban phòng chống AIDS thành phố Hồ Chí Minh, nhân ngày Thế giới phòng chống AIDS, đã tổ chức 3 đoàn thăm và tặng quà cho các bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn thành phố.
Các đoàn đã đến thăm bệnh nhân AIDS đang được chăm sóc và điều trị tại 3 bệnh viện cùng 2 trung tâm gồm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, bệnh viện Nhân Ái, Trung tâm Mai Hoà, và Trung tâm Tam Bình 2.
Cả 3 đoàn đã trao tổng cộng 540 phần quà gồm bánh ngọt, trà, sữa, mì gói, với mỗi phần quà trị giá 100.000 đồng. Ngoài ra, Uỷ ban phòng chống AIDS thành phố cũng trao cho mỗi bệnh viện cùng trung tâm số tiền 5 triệu đồng để góp phần chăm lo thêm cho bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS.
Tính đến tháng 9/2009, tại TPHCM đa có 20.086 người nhiễm HIV/AIDS được chăm sóc, điều trị. Trong đó, có 13.855 bệnh nhân AIDS được điều trị bằng thuốc ARV, ngoài ra còn có một số bệnh nhân được điều trị bằng thuốc Methadone.
Riêng BV Bệnh Nhiệt Đới, hiện đang điều trị nội trú cho trên 50 bệnh nhân AIDS, đồng thời mỗi ngày có khoảng 150 bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đến lấy thuốc điều trị.
Được biết, trong 9 tháng đầu năm 2009, đã tư vấn xét nghiệm cho 93.283 thai phụ, đồng thời cung cấp sữa thay thế sữa mẹ cho 2.203 trẻ bị phơi nhiễm HIV.
Ngọc Thanh |
Hồng Hải