1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bối rối vì mua thẻ bảo hiểm y tế phải trình giấy chứng nhận... ly hôn

(Dân trí) - Kết quả kiểm tra thực hiện Luật BHYT tại 10 tỉnh thành, đoàn kiểm tra phát hiện nhiều thủ tục làm khó người mua BHYT. Không ít người khi kê khai đã ly hôn thì buộc phải trình giấy chứng nhận... ly hôn; con cái đi làm ăn xa phải photo chứng nhận tạm trú, thẻ BHYT gửi về địa phương.

 

Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT. Ảnh: H.Hải
Ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ BHYT. Ảnh: H.Hải

 

Còn nhiều vướng mắc!

Chiều 13/5 ông Lê Văn Khảm, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế), cho biết qua khảo sát 10 địa phương về việc thực hiện BHYT mới đã phát hiện nhiều thủ tục gây phiền hà khi triển khai BHYT theo hộ gia đình.

Trong quá trình kiểm tra, chúng tôi phát hiện nhiều địa phương yêu cầu các loại giấy tờ vô lý đến mức... buồn cười. Có người khi kê tờ khai đăng kí tham gia BHYT hộ gia đình, khai đã ly hôn chồng nhưng trong sổ hộ khẩu vẫn có tên chồng nên được yêu cầu phải có giấy tờ chứng minh đã ly hôn.  Thủ tục thì rất chặt chẽ nhưng máy móc một cách quá đáng”, ông Khảm nói.

Ngoài ra còn rất nhiều thủ tục đến mức nhiêu khê, phức tạp khiến nhiều người từ bỏ mua thẻ BHYT. Như có trường hợp con đi làm công nhân ở tỉnh xa đã có BHYT thì yêu cầu photo BHYT của con gửi về; gửi chứng nhận tạm trú của thành viên đi học, đi làm ăn xa về địa phương để làm cơ sở xác nhận... mới được mua thẻ BHYT.

Theo ông Khảm, việc kê khai danh sách BHYT theo hộ gia đình về cơ bản là cần kiểm tra chặt chẽ để tránh tình trạng chỉ kê khai người ốm, già yếu tham gia BHYT. Tuy nhiên nếu quá máy móc về thủ tục hành chính tới mức yêu cầu những giấy tờ rất vô lý lại thành ra làm khó cho những người dân thực sự có nhu cầu, mong muốn mua thẻ BHYT.

Trước đó, khi quyết định thực hiện bán thẻ BHYT theo hộ gia đình, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã hướng dẫn một số nội dung về thu BHYT đối với người đang tham gia BHYT có tên trong sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú), trường hợp chưa cắt khẩu (như: đi nước ngoài, ly hôn…) thì Trưởng thôn (bản, tổ dân phố) yêu cầu gia đình phải xuất trình giấy tạm vắng, giấy ly hôn… để chứng minh.

Những thủ tục này đã làm khó người mua BHYT và kết quả là trong 3 tháng đầu năm 2015 số người tham gia BHYT đã giảm 1,2 triệu thẻ so với cùng kỳ năm 2014, trong đó đối tượng tham gia BHYT theo hộ gia đình giảm 15%.

“Xu hướng chung của tỉ lệ bao phủ BHYT là ngày càng tăng lên và đây là lần sụt giảm tỉ lệ mua thẻ BHYT đầu tiên được ghi nhận. Sự giảm sút của người tham gia BHYT là do thủ tục chúng ta còn cứng nhắc, chặt chẽ đến mức rất khó để thực hiện”, ông Khảm nói.

Nguyên nhân của tình trạng này là do dù Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có văn bản hướng dẫn nhưng chưa chi tiết, chưa đầy đủ nên có người hiểu chưa cặn kẽ, chưa đúng, địa phương nào cũng sợ bị sai nên làm cho chặt dẫn đến việc yêu cầu những thủ tục nhiêu khê, phiền hà, yêu cầu hết giấy tờ nọ, chứng minh kia.

Sẽ đơn giản hóa thủ tục mua thẻ BHYT

“Từ việc phát hiện những vấn đề này, trong hôm nay (14/5) Bộ Y tế sẽ họp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Tài chính để tìm phương án giải quyết những vướng mắc còn tồn tại, trên phương hướng tạo điều kiện đơn giản nhất về thủ tục, đáp ứng nhu cầu người tham gia BHYT, đảm bảo những người đã tham gia tiếp tục được tham gia mà không bị rào cản vì BHYT hộ gia đình”, ông Khảm cho biết.

Ngoài ra, để tăng tỉ lệ bao phủ BHYT, đạt mục tiêu 75% dân số có thẻ BHYT như chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, theo ông Cảm, vai trò của chính quyền địa phương là vô cùng quan trọng.

Có tỉnh có những kế hoạch mạch mẽ, giao chỉ tiêu đến xã phường tăng tỉ lệ bao phủ của thẻ BHYT, nhưng cũng có những tỉnh ra quy định chung chung, không gắn với trách nhiệm nên không hiệu quả.

Đại diện Vụ BHYT (Bộ Y tế) ví dụ như tỉnh Quảng Nam là một tỉnh không được đánh giá là tỉnh giàu nhưng đã hỗ trợ 30% còn lại cho hộ cận nghèo mua BHYT (ngân sách nhà nước hỗ trợ 70%, ngân sách tỉnh hỗ trợ nốt 30% còn lại). Hay như tỉnh Quảng Ninh, năm 2014 tỷ lệ bao phủ BHYT là 79% thì trong năm nay họ đạt mục tiêu bao phủ 81,5%. Để làm được điều này UBND tỉnh đã dùng ngân sách hỗ trợ nốt 30% người cận nghèo mua thẻ BHYT cho họ. Người cao tuổi từ 75 - 80 tuổi cũng được hỗ trợ nguồn lực mua thẻ BHYT. Chưa kể, họ cũng đang tiến hành thống kê số người mức sống trung bình để tỉnh lên phương án hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT.

Ngày 14/5, Vụ Bảo hiểm Y tế tiếp tục họp bàn cùng với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm đơn giản hóa các thủ tục đăng ký. Dự kiến, các bên sẽ ban hành văn bản hướng dẫn mới trong đó quy định người dân sẽ không cần phải photo thẻ bảo hiểm y tế, giấy tạm trú tạm vắng... của các thành viên khác trong gia đình.

 

 

 

Hồng Hải