1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay, phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam

Chiều 4/6, Bộ Y tế tổ chức cuộc họp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (PHEOC), cập nhật tình hình dịch bệnh Ebola đang tái bùng phát mạnh mẽ ở Tây Phi và các biện pháp phòng, chống.

Bộ Y tế yêu cầu áp dụng giám sát thân nhiệt ở sân bay, phòng tránh Ebola xâm nhập Việt Nam - 1

Theo báo cáo của PHEOC, tại CHND Công Gô, dịch Ebola bắt đầu ghi nhận từ ngày 5/4, trường hợp xác định ngày 8/5/2018 và công bố dịch. Hiện đã có tổng số 58 ca, 27 người tử vong. Ca xác định 35, 14 ca nghi ngờ, trong đó có 3 trường hợp là cán bộ y tế. Hiện các quốc gia khác chưa ghi nhận ca bệnh.

Cục Y tế dự phòng đã chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, US CDC theo dõi, đánh giá diễn biến tình hình dịch tại Công Gô. Bộ Y tế có văn gửi Chủ tịch UBND của một số tỉnh, thành phố có cảng hàng không quốc tế về việc tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh Ebola.

Cuộc họp nhận định nguy cơ dịch Ebola lây truyền vào nước ta ở mức thấp do dịch bệnh Ebola năm 2018 tại Công Gô được phát hiện sớm, quy mô ổ dịch nhỏ, khu vực xảy ra dịch bệnh ở khu vực hẻo lánh cách xa khu vực đông dân cư, giao thông đi lại khó khăn, ít giao thương và không có khách du lịch.

Hiện không có đường bay thẳng từ Công Gô tới khu vực Châu Á Thái Bình Dương cũng như tới Việt Nam. Số lượng hành khách từ Công Gô xuất, nhập cảnh Việt Nam rất ít. Từ đầu năm 2018 đến nay chỉ có dưới 20 hành khách xuất, nhập cảnh tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn nhất.

Việt Nam đã có kế hoạch, hệ thống phòng chống dịch bệnh sẵn sàng để ứng phó với dịch bệnh Ebola từ công tác giám sát, xét nghiệm, cách ly, điều trị. Chủ động phối hợp chặt chẽ với WHO, các tổ chức quốc tế nhằm nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình dịch bệnh, dự báo nguy cơ đối với Việt Nam để báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời Lãnh đạo Bộ.

Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chỉ đạo: "Mặc dù nguy cơ xâm nhập ở mức thấp nhưng cũng không loại trừ thời gian tới dịch diễn biến phức tạp, có nguy cơ lây lan quốc tế trong đó có các nước trong khu vực Đông Nam Á và Việt Nam. Duy trì họp văn phòng EOC và đánh giá nguy cơ để cung cấp thông tin cập nhật, đề xuất các hoạt động, kế hoạch phòng chống kịp thời. Thực hiện giám sát chặt chẽ dịch bệnh dựa vào sự kiện, cộng đồng, bệnh viện. Tăng cường giám sát tại cửa khẩu đối với hành khách đi/đến từ khu vực có dịch tại các cửa khẩu quốc tế lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, Tân Sơn Nhất. Giám sát bằng thân nhiệt, chưa cần áp dụng tờ khai y tế".

Chỉ đạo, rà soát công tác thu dung, điều trị, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn tại các cơ sở điều trị; công tác chẩn đoán, xét nghiệm tại các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur; rà soát, cập nhật kế hoạch phòng chống, các tài liệu hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật phục vụ việc giám sát, phòng chống, điều trị bệnh do vi rút Ebola để bổ sung, cập nhật kịp thời phù hợp với tình hình dịch.

Theo Thùy Linh

Lao động