Bộ Y tế ra "tiêu chuẩn dinh dưỡng" cho muối ăn, bột mì
(Dân trí) - Theo dự thảo nghị định do Bộ Y tế xây dựng, tới đây muối ăn sẽ buộc phải tăng cường i-ốt, bột mì phải tăng cường sắt và kẽm; dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu mè và dầu lạc phải tăng cường vitamin A; xì dầu (nước tương) phải tăng cường sắt.
Đó là những nội dung chính trong dự thảo Nghị định quy định về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm do Bộ Y tế chủ trì xây dựng đang được Bộ Tư pháp nghiên cứu, thẩm định.
Theo dự thảo này, vi chất dinh dưỡng là các vitamin, chất khoáng hoặc chất vi lượng khác cần thiết cho sự tăng trưởng, phát triển và duy trì sự sống cho cơ thể con người. Việc tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm là việc chủ động đưa thêm một hay nhiều vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm với hàm lượng nhất định mà cơ thể cần để phòng ngừa, khắc phục tình trạng thiếu hụt vi chất dinh dưỡng đối với sức khỏe cộng đồng.
Các thực phẩm sau đây bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng tương ứng: Muối dùng để ăn trực tiếp, dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường i-ốt; Bột mỳ dùng trong chế biến thực phẩm phải tăng cường sắt và kẽm; Dầu thực vật có chứa một trong các thành phần dầu đậu nành, dầu cọ, dầu mè và dầu lạc phải tăng cường vitamin A, trừ dầu thực vật dùng trong chế biến thực phẩm theo phương pháp công nghiệp; Xì dầu (nước tương) phải tăng cường sắt.
Dự thảo nghị định yêu cầu thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng phải đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng hoặc phù hợp quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
Góp ý kiến với dự thảo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị bổ sung “nước mắm” vào danh mục thực phẩm bắt buộc tăng cường vi chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, Bộ Y tế cho biết nước mắm do rất nhiều doanh nghiệp và hộ gia đình nhỏ sản xuất, không sản xuất tập trung toàn bộ ở các nhà máy lớn nên rất khó kiểm soát quy trình và chất lượng khi triển khai bắt buộc. Ngoài ra khi tăng cường sắt vào nước mắm làm thay đổi cảm quan của nước mắm, cụ thể là màu nước mắm sẫm hơn so với màu tự nhiên của sản phẩm. Do vậy Bộ Y tế xin phép không tiếp thu nội dung này.
Theo báo cáo thuyết minh dự thảo nghị định, hậu quả của thiếu các vi chất dinh dưỡng đã được biết rõ. Các hậu quả dễ nhận thấy như: thiếu i-ốt gây bướu cổ; thiếu vitamin A gây bệnh khô mắt, mù dinh dưỡng; thiếu sắt gây bệnh thiếu máu dinh dưỡng; thiếu kẽm làm tăng biến chứng trong thời kỳ thai nghén, cản trở sự phát triển trí lực và thể lực ở trẻ em, làm giảm khả năng đáp ứng miễn dịch, tăng nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng.
Thiếu vi chất dinh dưỡng còn gây nhiều hậu quả tiềm ẩn trầm trọng khác. I-ốt rất cần để tổng hợp ra nội tiết tố (hoóc-môn) giáp trạng, là hoóc-môn đóng vai trò quan trọng trong cơ thể. Thiếu i-ốt dẫn đến thiếu hoóc-môn giáp gây ra nhiều rối loạn khác nhau gọi chung là “các rối loạn do thiếu i-ốt”: bướu cổ, chậm phát triển trí tuệ, chiều cao, chậm phát triển sinh dục, đần độn, điếc, lác mắt, liệt cứng chi, sẩy thai tự nhiên, đẻ non, thai chết lưu... Hậu quả nghiêm trọng nhất của thiếu iốt là ảnh hưởng tới phát triển của bào thai. Thiếu i-ốt ở phụ nữ trong thời gian mang thai có thể gây sảy thai, thai chết lưu, đẻ non, mẹ thiếu i-ốt nặng, trẻ sinh ra có thể bị đần độn do tổn thương não vĩnh viễn. Theo Bộ Y tế, thiếu i-ốt liên tục ở trẻ em và thanh thiếu niên, sẽ gây giảm khả năng trí tuệ, giảm chỉ số thông minh, kể cả chậm phát triển thể chất, suy dinh dưỡng, lùn, kém hoạt động…
Trong khi đó, thiếu vitamin A tiền lâm sàng được xác nhận là nguyên nhân làm tăng cao tỷ lệ mắc bệnh, tử vong và làm chậm phát triển ở trẻ em. Thiếu máu thiếu sắt làm tăng nguy cơ tai biến sản khoa và tử vong đối với bà mẹ mang thai, giảm khả năng lao động và giảm phát triển trí tuệ ở trẻ em. Theo tính toán, trong số 1.600 trường hợp tử vong mẹ hàng năm có 192 (12%) trường hợp liên quan đến thiếu máu do thiếu sắt. Ngoài ra, thiếu máu còn ảnh hưởng tới phát triển kinh tế của đất nước do làm giảm năng suất lao động và tăng chi phí do bệnh tật gây ra do thiếu máu thiếu sắt.
Thiếu kẽm làm chậm phát triển thế chất đặc biệt là ảnh hưởng đến phát triển chiều cao ở trẻ em. Nặng hơn, trẻ sẽ có biểu hiện suy dinh dưỡng, lùn, chậm dậy thì, thiểu năng sinh dục và chậm phát triển tâm thần vận động. Nam giới có thể mất khả năng sinh sản. Phụ nữ có thai bị thiếu kẽm sẽ tăng nguy cơ các biến chứng trong thai kỳ như bào thai chậm phát triển, chuyển dạ kéo dài, trẻ sinh ra sẽ nhẹ cân và dễ sinh non và bị giảm đáng kể chức năng miễn dịch.
Không những vậy, Bộ Y tế cho rằng thiếu vi chất dinh dưỡng tạo gánh nặng quốc gia về sức khỏe và kinh tế. Trên thế giới 2 tỷ người bị thiếu vi chất dinh dưỡng; 136.000 phụ nữ và trẻ em tử vong hàng năm do thiếu máu, thiếu sắt; 190 triệu trẻ em trước tuổi học đường bị thiếu vitamin A; 1,1 triệu người tử vong hàng năm do thiếu vitamin A và kẽm. Thiếu dinh dưỡng ở châu Á và châu Phi làm giảm 11% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).
“Các vấn đề thiếu vi chất dinh dưỡng có ý nghĩa sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thiếu i-ốt, vitamin A, sắt và kẽm như đề cập ở trên gây tổn thất nhiều chi phí cho xã hội”- Bộ Y tế khẳng định.
Nghị định này dự kiến áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu vi chất dinh dưỡng và thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng dùng trong nước và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Thế Kha