Bộ Y tế: Chốt cách ly 14 ngày nghiêm ngặt các trường hợp nghi nhiễm
(Dân trí) - Về thông tin thời gian ủ bệnh của virus corona mới lên đến 24 ngày, ngày 14/2, Bộ Y tế cho biết Tổ chức Y tế thế giới và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ đều khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày.
Bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới gây ra được ghi nhận tại TP Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc từ tháng 12/2019, sau đó lan rộng ra toàn bộ 31/31 tỉnh, thành phố của Trung Quốc. Hiện nay ngoài Trung Quốc đã ghi nhận các trường hợp bệnh tại 27 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, ảnh hưởng lớn đến an sinh xã hội của nhiều quốc gia.
Ngày 12/2, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức đặt tên cho bệnh này là covid-19 thay cho tên gọi nCoV trước đó.
Để đảm bảo việc phòng chống dịch bệnh do virus corona mới, Bộ Y tế đã chỉ đạo thực hiện tổng thể các biện pháp, trong đó biện pháp cách ly y tế trong vòng 14 ngày là đặc biệt quan trọng đối với những người có tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh, trường hợp nghi ngờ, các trường hợp về từ vùng có dịch.
Theo Bộ Y tế, WHO và Trung tâm kiểm soát dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) khuyến cáo cần cách ly y tế 14 ngày. Hiện nay, tất cả các nước trên thế giới đều áp dụng cách ly y tế 14 ngày.
Tại Việt Nam, tất cả những người đi từ hoặc đi qua tỉnh Hồ Bắc dù chưa có biểu hiện nhiễm bệnh đều được coi là bệnh nhân, những người này cùng với người nhà của họ đều phải cách ly tại cơ sở cách ly tập trung. Người đi từ 31/31 vùng của Trung Quốc (trừ tỉnh Hồ Bắc) phải cách ly y tế tại nhà, tại nơi lưu trú, đảm bảo cách ly nghiêm ngặt, không cho ra khỏi nhà và nơi lưu trú để tránh lây lan ra cộng đồng.
Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn cách ly y tế tại cơ sở cách ly tập trung và hướng dẫn cách ly y tế tại nhà, nơi lưu trú hướng dẫn chi tiết về đối tượng cách ly, thời gian cách ly, việc thực hiện cách ly.
“Thời gian ủ bệnh của virus ảnh hưởng đến thời gian thực hiện biện pháp cách ly y tế. Hiện nay, tất cả các nước vẫn thực hiện việc cách ly trong vòng 14 ngày. Những trường hợp ủ bệnh lên đến 24 ngày có thể chỉ là ca đơn lẻ”, PGS.TS Trần Đắc Phu - Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nhấn mạnh.
Theo TS Phu, đây là virus mới nên Việt Nam sẽ theo dõi sát cảnh báo của WHO, các nước để có điều chỉnh khi cần thiết
Trước đó, một nghiên cứu dịch tễ trên 1.099 ca nhiễm virus corona mới của một chuyên gia Trung Quốc cho thấy số ngày ủ bệnh trung bình của virus là (3 ngày) ngắn hơn so với báo cáo trước đây trên 425 ca nhiễm khác (5,2 ngày). Bên cạnh đó cũng ghi nhận có trường hợp thời gian ủ bệnh đến 24 ngày nhưng có thể do không chắc chắn thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh.
Ngoài ra cũng theo nghiên cứu này, chỉ 43,8% bệnh nhân có sốt lúc được chẩn đoán xác định nhiễm virus corona mới, nhưng đa số sau đó có sốt (87,9%) trong quá trình nằm viện. Viêm phổi nên được coi là biến chứng thường gặp nhất của bệnh cảnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona mới.
Tuy nhiên báo cáo này có nhiều hạn chế. Một trong những số đó là báo cáo dựa trên thống kê hồ sơ bệnh án điện tử có sẵn từ 552 bệnh viện của 31 tỉnh, thành thuộc Trung Quốc, trong đó có một số lượng bệnh nhân được chẩn đoán tại khu vực phòng khám hoặc cấp cứu nên thông tin ghi chép lại dưới dạng vắn tắt. Do vậy các thông tin ban đầu lúc nhập viện khó có thể kiểm chứng lại được (đặc biệt là thông tin liên quan đến thời điểm tiếp xúc với mầm bệnh).
Tại Hà Nội, tính đến sáng ngày 14/2, chưa ghi nhận ca nhiễm virus corona mới nào. Số trường hợp nghi nghờ nhiễm là 61, trong đó đến nay 58 trường hợp đã có kết quả âm tính. Còn 17 trường hợp tiếp xúc phải giám sát y tế, 335 trường hợp tiếp xúc gần đã kết thúc giám sát y tế.
Có 1.625 người đến từ vùng dịch cần giám sát y tế, trong số này hiện còn phải giám sát 633 người, 922 người đã kết thúc giám sát. Có 28 trường hợp còn phải cách ly.
Trường hợp một thanh niên sau vận chuyển hàng đến huyện Bình Xuyên có dấu hiệu sốt cũng cho kết quả âm tính với virus corona mới.
Nam Phương