Bộ Y tế cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4
(Dân trí) - "Diễn biến Covid-19 ở Campuchia đang hết sức phức tạp. Thực sự chúng tôi rất quan ngại vấn đề lây nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở biên giới Tây Nam", Bộ trưởng Bộ y tế nói.
Chiều 26/4, ông Nguyễn Thanh Long - Bộ trưởng Bộ Y tế làm trưởng đoàn có buổi làm việc tại TP Cần Thơ về công tác phòng chống dịch Covid-19.
Ông Nguyễn Phước Tồn- Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết: Từ khi xảy ra dịch Covid-19 đến nay Cần Thơ đã ghi nhận và điều trị thành công 10 trường hợp nhiễm (đều là những trường hợp nhập cảnh được cách ly tập trung). Hiện, thành phố có 3 cơ sở thực hiện xét nghiệm Covid-19.
Ngành Y tế TP Cần Thơ đã phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện trong việc rà soát, kiểm tra cộng đồng dân cư, quản lý chặt những người mới đến cư trú trên địa bàn.
Từ ngày 22 đến 28/4/2021, TP Cần Thơ đã triển khai kế hoạch tiêm 6.700 liều vắc xin phòng Covid-19 cho các đối tượng ưu tiên trên địa bàn. Đến nay, TP Cần Thơ đã triển khai 2.833 Tổ Covid-19 cộng đồng, "đi từng ngõ, gõ từng nhà", rà soát, kiểm tra trong cộng đồng dân cư…
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết: "Diễn biến Covid-19 ở Campuchia đang hết sức phức tạp. Thực sự chúng tôi rất quan ngại vấn đề lây nhiễm Covid-19 có thể xảy ra ở biên giới Tây Nam. Cho nên Bộ Y tế đã cảnh báo có thể xuất hiện đợt dịch thứ 4. Thông thường kinh nghiệm thế giới cho thấy là những lần sau số mắc bao giờ cũng nhiều hơn lần trước, tàn khốc hơn lần trước.
Ông Long cho rằng TP Cần Thơ là địa bàn trọng điểm, vì đây là đầu mối giao thông quan trọng cho cả vùng, lượng người đi qua thành phố Cần Thơ rất lớn, đặc biệt tới đây ngày lễ 30/4-1/5 người dân đi du lịch đông; biểu hiện lơ là trong phòng chống dịch của người dân khiến ngành chức năng hết sức lo lắng.
"Campuchia mỗi ngày có trên 600 trường hợp nhiễm và việc lây nhiễm từ Campuchia vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Bởi vì đường bộ, đường trên biển hết sức phức tạp, khó kiểm soát và rất có thể sắp tới đây nhiều người giãn cách xã hội ở Campuchia họ có thể quay trở lại Việt Nam. Nếu để xảy ra dịch trên khu vực này, ảnh hưởng về tất cả mọi mặt từ an sinh xã hội, kinh tế, sức khỏe của người dân…", ông Long cảnh báo.
Ông Long đánh giá rất cao về công tác phòng chống dịch của Cần Thơ và đề nghị: Cần Thơ phải lưu ý triển khai các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt người đứng đầu địa phương cần tiếp tục nêu cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của người dân, không được lơ là.
Bên cạnh đó, rà soát lại tất cả các kịch bản, khoanh vùng, xét nghiệm diện rộng nhưng phong tỏa trên diện hẹp để giảm các tác động kinh tế, xã hội. Các địa phương nâng cao con số xét nghiệm; triển khai tầm soát, xét nghiệm, càng phát hiện sớm những ca bệnh ở cộng đồng thì giảm bớt được ca nhiễm và các hệ lụy sau đó.
Ông Long cũng cho rằng, Cần Thơ chuẩn bị cho phương án cách ly tập trung rất tốt nhưng cũng phải đặt ra câu chuyện nếu có dịch xảy ra trong cộng đồng, phải cách ly số lượng người rất lớn trong thời gian rất nhanh. Bởi cách ly càng nhanh thì càng hiệu quả. "Yếu tố thành công của chúng ta là cách ly nhanh để đưa mầm bệnh ra khỏi cộng đồng, ngắt được đường lây truyền", Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh.
Người đứng đầu Bộ Y tế cũng cho rằng: Cách ly tập trung từ tuyến phường, xã nhưng phải đảm bảo đúng quy định. Phải hành động nhanh, quyết liệt và kiểm soát tốt tình hình dịch tại địa phương để kiểm soát tốt lây nhiễm trong cộng đồng. Triển khai tiêm vắc xin phòng dịch Covid-19 theo đúng đối tượng, đúng tiến độ. Xem phòng chống dịch Covid-19 là một nhiệm vụ trọng tâm", ông Long nhấn mạnh.
Về phương án điều trị, Bộ trưởng Y tế hoan nghênh Bệnh viện Đa khoa Trung ương, Trường ĐH Y dược Cần Thơ đã phối hợp để xây dựng BV dã chiến 800 giường.
Cụ thể là xây dựng bệnh viện dã chiến ở đây mang tính khu vực, tất cả bệnh nhân nặng ko phải chuyển lên Chợ Rẫy mà điều trị ở đây. Bộ trưởng đề nghị TP, BV Đa khoa Trung ương Cần Thơ và Trường ĐH Y dược tập trung xây dựng bệnh viện này để làm sao điều trị cấp cứu tương đương BV Chợ Rẫy, kể cả trong điều trị hồi sức tích cực ICU và thở máy ECMO.