Bộ trưởng Y tế xúc động trong chuyến công tác "cuối cùng" trên cương vị bộ trưởng
(Dân trí) - Ngày 15/10, trong buổi làm việc tại Thái Nguyên, trực tiếp đi thăm Trung tâm Y tế dự phòng, bệnh viện, tiếp xúc bệnh nhân, Bộ trưởng Tiến bày tỏ xúc động, khi đây có thể là chuyến công tác cuối cùng của bà trên cương vị Bộ trưởng Y tế.
Kết thúc buổi làm việc với UBND tỉnh Thái Nguyên về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TƯ của T.Ư về tăng cường công tác bảo vệ chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới và công tác y tế cơ sở diễn ra chiều muộn ngày 15/10, Bộ trưởng Tiến "bông đùa" cuộc họp kết thúc vừa kịp lúc để mọi người có thể cùng xem bóng đá (trận bóng giữa Đội tuyển quốc gia Việt Nam và Indonesia diễn ra chiều 15/10).
Sau phút vui vẻ về bóng đá, bà Tiến xúc động chia sẻ, chuyến công tác tại Thái Nguyên có thể là chuyến công tác cuối cùng của bà trên cương vị Bộ trưởng.
Chiều mai (16/10) Bộ trưởng cũng có lịch công tác tại thành phố Huế nhưng về một nội dung khác, có khả năng không có sự tiếp xúc trực tiếp với từng người bệnh, chia sẻ với niềm vui của sản phụ vừa sinh con như chuyến công tác tại Thái Nguyên ngày 15/10.
Trong sáng 15/10, Bộ trưởng Y tế đã đến thăm Trung tâm Y tế thành phố Thái Nguyên, Trạm Y tế xã Sơn Cẩm và Bệnh viện A Thái Nguyên.
Đến nay, Bộ trưởng Tiến đã có 8 năm trên cương vị Bộ trưởng Y tế, 5 năm làm công tác Thứ trưởng. Sắp tới, bà sẽ đảm nhiện công việc trưởng Ban Bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cán bộ T.Ư.
Ở cương vị mới, bà sẽ ít có những chuyến đi gần dân như thế này.
Người dân chia sẻ, họ theo dõi các bệnh mãn tính ngay tại Trung tâm y tế của thành phố, không còn phải lên tuyến trên khám bệnh,
Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, trong những năm qua, bộ mặt ngành y đã có nhiều thay đổi đáng kể.
Tình trạng quá tải khu vực điều trị nội trú đang từng bước được khống chế. Năm 2012, tình trạng nằm ghép ở bệnh viện tuyến Trung ương là 58%, tuyến tuyến tỉnh là 47% thì sang năm 2016, tỷ lệ bệnh viện có tình trạng nằm ghép từ 2 người trở lên trên 1 giường bệnh chỉ chiếm 16,7% ở tuyến Trung ương và 11,4% ở tuyến tỉnh.
Công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến Trung ương giảm, tăng công suất sử dụng giường bệnh của bệnh viện tuyến huyện; Giảm tỷ lệ chuyển tuyến từ tuyến dưới lên tuyến trên, tiến tới mục tiêu đến năm 2020 không còn tình trạng quá tải bệnh viện (Đạt mục tiêu đề ra của Đề án giảm quá tải bệnh viện).
Tư lệnh ngành y cũng chia sẻ, theo quan điểm của bà, ngành y tế Việt Nam phải phát triển theo mô hình kiềng 3 chân mới bền vững.
Kiềng thứ nhất, đó là chăm sóc sức khỏe con người khi chưa bị bệnh (chăm sóc sức khỏe ban đầu, tiêm chủng phòng bệnh, ngăn ngừa suy dinh dưỡng, béo phì, tim mạch, phát hiện dị tật thai nhi ngay trong thời gian mang thai…); Kiềng thứ 2 là khi đã bị bệnh phải vào viện, kể cả hệ thống công lập hay dân lập, người bệnh cần được khám chất lượng nhất và hài lòng nhất, không để ai khó khăn tài chính mà bỏ lại phía sau, kể cả các kỹ thuật cao. Kiềng thứ 3 để giúp cân đối, vững bền hai kiềng trước đó, đó là tài chính y tế, nhân lực y tế và các cung ứng khám chữa bệnh là thuốc và trang thiết bị.
Trong suốt quá trình công tác của mình, nhiều lần bà Tiến chia sẻ, điều bà tâm đắc nhất là thái độ nhân viên y tế đã hoàn toàn thay đổi. Cơ sở vật chất được cải thiện, nhưng thay đổi con người là khó nhất.
Trước năm 2012, nhiều bệnh viện chỉ có ghế đá, ghế nhựa mà cũng không đủ chỗ ngồi cho bệnh nhân, bệnh nhân đứng ngồi lố nhố dưới sàn nhà. Thì nay, không chỉ các bệnh viện tuyến Trung ương, mà bệnh viện tuyến huyện cũng thay đổi hẳn, phòng ốc khang trang, bộ mặt khoa khám bệnh thay đổi, giờ toàn ghế ngồi chờ như sân bay, khám bệnh thì lấy số điện tử, có những bệnh viện tuyến huyện đẹp như công viên.
Giường bệnh những năm trước là trải chiếu, chỉ có quạt, không có máy lạnh, tủ đầu giường hoen gỉ thì nay đã thay đệm, điều hòa, giường bệnh đạt chuẩn.
Bệnh nhân vào viện thay vì tự mò mẫm tìm nơi khám, nay có bàn tiếp đón, có phòng công tác xã hội, có đường dây nóng, có hòm thư góp ý, có camera giám sát.
Đây là hình ảnh quen thuộc trong những chuyến công tác của Bộ trưởng Tiến. Bà hỏi han người dân về thời gian chờ đợi, về thái độ của cán bộ y tế và sẵn sàng "truy" ngay lãnh đạo bệnh viện nếu người dân phản ánh có bất cập. Ảnh: H.Hải
Rõ nhất là đường dây nóng, trước kia “nóng máy”, mỗi năm mười mấy ngàn cuộc gọi phản ánh giờ ít đi rất nhiều cho thấy việc thực hiện đổi mới phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế bước đầu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, được người dân và cả cán bộ y tế đồng tình ủng hộ; ý thức của cán bộ y tế đã có sự thay đổi từ tư tưởng “ban ơn” sang trạng thái “cung cấp dịch vụ, phục vụ”, Bộ trưởng Tiến nói.
Mức độ hài lòng của người bệnh đối với phong cách thái độ phục vụ của cán bộ y tế: đạt chung 89,8% (Trung ương: 88%; tỉnh: 94%; huyện: 85,7% - số liệu 6/2017). Một khảo sát được thực hiện độc lập cho thấy, tỉ lệ hài lòng của người nhà sau khi ra viện là trên 80%.
Hồng Hải