Bộ trưởng Y tế: Sẽ thí điểm giám sát bán thuốc theo đơn

(Dân trí) - Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn thị Kim Tiến, việc sử dụng kháng sinh bừa bãi là một trong những nguyên nhân gia tăng tình trạng kháng thuốc. Sắp tới Bộ Y tế sẽ thí điểm giám sát bằng hệ thống camera tại nhà thuốc và đưa tiêu chí bán thuốc kháng sinh theo đơn vào tiêu chuẩn nhà thuốc đạt Thực hành tốt (GPP).

Sáng 21/9, tại Hội nghị sơ kết giai đoạn 1 thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, kháng sinh có vai trò rất quan trọng. Kháng sinh đã cứu hàng triệu triệu người trên thế giới khỏi các bệnh nhiễm khuẩn.

Bộ trưởng Y tế cho biết việc thí điểm giám sát nhà thuốc bán thuốc theo đơn sẽ được thực hiện đầu tiên tại các thành phố lớn. Ảnh: H.Hải
Bộ trưởng Y tế cho biết việc thí điểm giám sát nhà thuốc bán thuốc theo đơn sẽ được thực hiện đầu tiên tại các thành phố lớn. Ảnh: H.Hải

Tuy nhiên, do quá trình chọn lọc tự nhiên của vi khuẩn cũng như việc sử dụng kháng sinh không đúng của con người như: tự ý dùng kháng sinh, dùng thuốc không đủ liều, lạm dụng kháng sinh y tế, trong nông nghiệp đã làm làm gia tăng tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Đặc biệt là tình trạng tự ý sử dụng kháng sinh bừa bãi của người dân không theo chỉ định của bác sỹ là căn nguyên không nhỏ gây nên tình trạng này.

PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, hiện tượng dùng lại đơn thuốc cũ, mượn đơn thuốc của người quen, hay dùng lại thuốc kháng sinh cũ còn thừa từ đợt ốm khác của người Việt Nam là khá phổ biến. Trong khi đó, uống kháng sinh phải đúng chỉ định, đúng liều. Nếu uống không đủ liều lượng, tùy tiện dùng sẽ tăng nguy cơ kháng thuốc.

TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, tại bệnh viện vẫn gặp những ca nhiễm khuẩn bệnh viện do vi khuẩn kháng thuốc, tình trạng thường rất nặng. Với những trường hợp này, các bác sĩ phải sử dụng kháng sinh kết hợp, theo dõi nồng độ kháng sinh trong máu, điều trị trong thời gian dài mới vượt qua được tình trạng kháng kháng sinh.

Bệnh viện luôn tập huấn để nâng cao trách nhiệm của các bác sĩ về sử dụng kháng sinh hợp lý trong kê đơn nội trú và ngoại trú. 6 tháng một lần BV có bảng thông báo về vi khuẩn, vi sinh để cập nhật phác đồ điều trị chuẩn. Khi phác đồ điều trị chuẩn được tuân thủ, tỉ lệ kháng kháng sinh sẽ giảm.

Bên cạnh đó, TS Điển cho rằng kiểm soát việc sử dụng kháng sinh ngoài cộng đồng rất quan trọng. Tình trạng tự ý sử dụng kháng sinh khi bị bệnh, bỏ liều điều trị… đều là những căn nguyên tăng vi khuẩn kháng thuốc.

Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết, mặc dù đã có thông tư quy định về mua thuốc theo đơn nhưng việc xử phạt dường như không khả thi. Tuy nhiên, để thay đổi thói quen của người dân thì phải ứng dụng công nghệ thông tin vào các nhà thuốc và các tiêu chí của Nhà thuốc đạt Thực hành tốt kinh doanh thuốc GPP, phải bán thuốc theo đơn, phải có hệ thống camera, hệ thống công nghệ thông tin để giám sát. Hiện Bộ Y tế sẽ giao Cục Quản lý Dược triển khai đề án về mua và bán thuốc theo đơn, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Ý thức được mối nguy này, Việt Nam đã thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng chống kháng thuốc. Năm 2013, Việt Nam là một trong 6 nước đầu tiên trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đã xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống kháng thuốc với sự tham gia của Bộ Y tế và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Đồng thời đã chú trọng đến việc kiểm soát nhiễm khuẩn trong bệnh viện.

Bộ trưởng y tế nhắc nhở nhiều bệnh viện không có xà bông rửa tay trong nhà về sinh. “Bản thân tôi vào BV không thấy có xà bông rửa tay. Đây là những cái rất cơ bản. rửa tay phòng chống nhiều bệnh, chống nhiễm khuẩn, các giám đốc BV phải hết sức lưu ý. Nếu rửa tay không có xà phòng không tiêu diệt được vi khuẩn. Việc tăng cường chống nhiễm khuẩn rất có ý nghĩa trong phòng nhiều bệnh truyền nhiễm”, Bộ trưởng nói.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, kháng thuốc hiện không còn là vấn đề của mỗi quốc gia mà là của toàn cầu. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 700.000 người tử vong do kháng kháng sinh. Dự báo đến năm 2050, con số này sẽ tăng cao nếu không có những hành động phòng chống kịp thời. “Không hành động hôm nay, ngày mai không thuốc chữa”. Ước tính chi phí do hậu quả của tình trạng kháng thuốc trên toàn cầu sẽ lên tới hơn 1.300 tỷ đô la vào năm 2050. Triển khai phòng, chống kháng thuốc không chỉ tập trung vào thay đổi hành vi của người: dân mua thuốc theo đơn và chống nhiễm khuẩn bệnh viện mà còn tránh tình trạng dư lượng kháng sinh trong động vật, thực vật.

Hồng Hải