Bộ trưởng Bộ Y tế: “Đặt mình vào địa vị người dân thì chịu sao nổi”!

(Dân trí) - “Nếu chúng ta đặt mình vào địa vị người dân, đến khám bệnh phải ngồi dưới cái nóng hầm hập của trần mái tôn, người già ngồi từ sáng đến chiều để đợi khám, người bệnh đợi đủ 12 chữ ký... mới thanh toán được BHYT… thì chịu sao được? Vì thế, cải cách trong ngành y tế, mọi cái đều tiến tới đích quan trọng nhất là làm hài lòng người bệnh”.

Người đứng đầu ngành y tế đã thẳng thắn bày tỏ những thực trạng còn tồn tại trong công tác cải cách hành chính tại hội nghị Tổng kết công tác cải cách hành chính năm 2015 diễn ra ngày 23/12.

Theo Bộ trưởng, với ngành y tế hay bất cứ ngành nghề nào, cái khó nhất trong cải cách là để tiến tới sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp. Vì thế, cải cách trong ngành y tế, mọi cái đều tiến tới đích quan trọng nhất là làm hài lòng người bệnh và ngành y tế đã bước đầu làm được. Thời gian qua, Bộ Y tế đã quyết triển khai, đổi mới toàn bộ khoa khám bệnh tại các bệnh viện.


Mục tiêu cuối cùng của ngành y tế là nâng cao chất lượng điều trị, làm hài lòng người bệnh. Trong ảnh, tác phẩm Mũi tiêm không đau được chụp tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: Vũ Quang Hưng

Mục tiêu cuối cùng của ngành y tế là nâng cao chất lượng điều trị, làm hài lòng người bệnh. Trong ảnh, "tác phẩm" 'Mũi tiêm không đau' được chụp tại Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Ảnh: Vũ Quang Hưng

Khoa khám bệnh tại các bệnh viện được đổi mới toàn diện, từ chỗ ngồi chờ khám, phát số điện tử theo một chiều, giảm từ 12 – 16 chữ kí để khám bệnh BHYT xuống còn 6 chữ kí. Hiện nay các bệnh viện cũng thành lập phòng công tác xã hội, có đơn vị hướng dẫn khách hàng là những người bệnh được thuận lợi hơn trong khám bệnh.

Bên cạnh đó, các công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính được đẩy mạnh, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được đổi mới theo hướng đơn giản hóa, bãi bỏ các thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục cấp phép, thủ tục khám chữa bệnh, giúp thời gian khám bệnh trung bình giảm 48,5 phút/lượt khám và góp phần giảm quá tải bệnh viện. Hiện 80% bệnh viện tuyến trung ương khẳng định không còn nằm ghép.

Thế nhưng trong năm 2015, ngành y tế vẫn xếp 17/19 bộ ngành về chỉ số cải cách hành chính. Vì thế, Nữ Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2016 ngành y tế phải tiếp tục cải cách mạnh hơn nữa.

Bà Tiến thẳng thắn bày tỏ: “Phải nói thẳng, nói thật, nhiều đồng chí đứng đầu cơ sở chưa thực sự quan tâm đến công tác cải cách hành chính vì chưa nhận thấy cải cách hành chính là quan trọng. Có đồng chí đặt câu hỏi, tôi đang làm chữa bệnh tốt, chính sách tốt vậy phải cải cách cái gì? Cái đích cuối cùng của mọi cải cách là làm hài lòng người bệnh như thế nào? “Nếu chúng ta để người dân đến khám bệnh ngồi ở ghế đá, trần mái tôn nóng như thế mà không có quạt, trẻ con thì ốm khóc, người già ngồi từ sáng đến chiều để đợi khám, đợi đủ 12 chữ kí... mới thanh toán được BHYT, chúng ta đặt địa vị mình vào người dân thì chịu sao được?”, Bộ trưởng đặt câu hỏi.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ ra thực trạng nhiều thủ tục hành chính với người dân vẫn còn phiền hà. Như với cấp phép chứng chỉ hành nghề, chính ngành y tế lại trói buộc ngành y tế trong cấp chứng chỉ. Luật khám chữa bệnh đã đưa ra phải đào tạo 18 tháng, lại yêu cầu lý lịch tư pháp, chờ xác minh được lý lịch tư pháp thì đến bao giờ mới cấp được chứng chỉ hành nghề. Hay với thông tư thí điểm bác sĩ gia đình. Các ông đòi phải thực hành 18 tháng ở những đơn vị phòng khám hoặc bệnh viện có phòng khám bác sĩ gia đình. Mình đã triển khai bác sĩ gia đình đâu mà có nơi để họ thực hành?

“Muốn phát triển mà lại đưa ra quy chế kìm hãm, không khả thi. Tôi có thể lấy ra rất nhiều “ví dụ”, như quy định tiêu chuẩn giám đốc Sở phải thành thạo 1 trong 3 ngoại ngữ. Rồi, với quy định này, ông nào cũng chạy được bằng C ngoại ngữ hết nhưng hỏi có nói được không, có giao tiếp được không? Có ngoại ngữ nhưng ông không biết quy hoạch cán bộ, không biết quy định mua sắm cơ bản... thì ngoại ngữ làm gì? Hay như tiêu chuẩn Giám đốc BV phải là TS, chuyên khoa 2, chúng tôi sẽ xem xét lại. Học hàm, học vị là tốt nhưng tiêu chuẩn về quản lý quan trọng không kém. Tiêu chuẩn đặt ra phải phù hợp với thực tiễn. Giám đốc BV là một nhà quản trị chứ không phải nhà chuyên môn sâu, họ phải nắm bắt, quản lý hạ tầng, nhân lực, quản lý về xã hội...”, Bộ trưởng nói.

Trước thực trạng một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực y tế vẫn còn rườm rà, tiến độ, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn chậm, thái độ, phong cách phục vụ của một số cán bộ, viên chức y tế còn chưa tốt, trang thiết bị chưa đáp ứng nhu cầu, Bộ trưởng yêu cầu trong năm 2016 cả hệ thống phải cải cách mạnh mẽ, rõ rệt hơn nữa, không để áp chót trong các bộ ngành.

Bộ trưởng nhấn mạnh, phải tinh giản bộ máy, tập trung trung đầu mối tinh gọn. Sau quy hoạch trong giai đoạn 2020-2030, thay vì quản lý 80% bệnh viện như hiện nay, Bộ Y tế sẽ chỉ quản lý các bệnh viện hạng đặc biệt, các cơ sở y tế còn lại giao cho từng địa phương quản lý.

Về việc tuyển dụng tại các BV, nữ Bộ trưởng cũng không đánh giá cao các BV chỉ chăm chăm tuyển thạc sĩ, tiến sĩ mà không coi trọng thực hành. "Tiến sĩ, thạc sĩ có cứu được bệnh nhân không, có đặt được stent không? Quan điểm này phải thay đổi toàn diện. Bộ cũng sẽ đổi mới đào tạo bác sĩ. Theo đó, ai đi theo hướng nghiên cứu thì học thạc sĩ, còn hệ thực hành thì học bác sĩ nội trú, bác sĩ chuyên khoa 1, chuyên khoa 2", Bộ trưởng cho hay.

Hồng Hải