1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

Bộ kít thử nhanh phát hiện melamine trong sữa

ThS Bùi Quốc Anh, Phó ban Công nghệ Sinh học, TT Nghiên cứu triển khai, khu Công nghệ cao TPHCM và các cộng sự vừa nghiên cứu thành công bộ kit phát hiện nhanh dư lượng melamine trong các sản phẩm sữa với giá chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm cùng loại nhập ngoại.

Bộ kít ELISA phát hiện melamine
Bộ kít ELISA phát hiện melamine
Cho kết quả sau 30 phút

 

ThS Bùi Quốc Anh cho biết: “Từ các vụ ngộ độc melamine trong sữa có nguồn từ Trung Quốc, gây sỏi thận ở trẻ em, nhu cầu kiểm tra nhanh dư lượng melamine trong thực phẩm tăng cao. Vì vậy, việc nghiên cứu phát triển một công cụ kiểm tra nhanh melamine là cần thiết. Đầu năm 2012, nhận được đơn đặt hàng của Sở KH&CN TPHCM, chúng tôi liền bắt tay ngay vào việc sản xuất bộ kit phát hiện nhanh dư lượng melamine trong các sản phẩm sữa”.

 

Bộ kít có tên ELISA này bao gồm một microplate có 96 giếng (khe cắm) được phủ kháng thể đặc hiệu với melamine, các lọ hóa chất chuẩn, cơ chất hiện màu, cộng hợp enzym và dịch hãm. Nó được sản xuất dựa trên cơ chế cạnh tranh miễn dịch giữa kháng nguyên có gắn enzym đánh dấu và melamine lên kháng thể đặc hiệu. Nồng độ melamine được hiển thị dựa trên mức độ phát quang trên mỗi giếng (nồng độ cao ứng với màu nhạt và nồng độ thấp ứng với màu đậm).

 

Ông Quốc Anh cho biết thêm: “Bộ kít ELISA phát hiện melamine do nhóm chúng tôi phát triển có những ưu điểm là độ nhạy cao, có khả năng phát hiện dư lượng melamine ở ngưỡng phát hiện 1ppb (1ng/g). Bộ kit còn có độ chọn lọc cao (không cho kết quả sai lệch do nhiễm chéo với các đồng phân khác của melamine). Thời gian cho kết quả trong vòng 30 phút.

 

Ngoài ra, so với các phương pháp phân tích dụng cụ, bộ kit này có ưu điểm là có thể phân tích nhiều mẫu cùng một lúc. Theo đó, ứng với một bộ kit có thể kiểm tra được tối đa 96 mẫu trong một lần thử. Người dùng chỉ cần tuân theo tài liệu hướng dẫn là có thể sử dụng được, không cần phải có trình độ cao và qua các khóa đào tạo”.

 

Giá thành bằng 1/3 sản phẩm nhập ngoại

 

ThS Bùi Quốc Anh cho hay, do kỹ thuật tạo kháng thể phát hiện các chất có phân tử lượng nhỏ là một kỹ thuật mới và khó ở Việt Nam, liên quan đến nhiều ngành khoa học (hóa học, sinh học), nên có ít nhóm nghiên cứu đi theo hướng này. Do vậy, khi tiến hành nghiên cứu, nhóm nhà khoa học thuộc Trung tâm Nghiên cứu triển khai cũng gặp nhiều khó khăn. Hầu hết các bước nghiên cứu đều phải tự mày mò, khám phá, tốn nhiều thời gian vì phải làm đi làm lại nhiều lần.

 

So với các sản phẩm nhập ngoại, sản phẩm “made in Việt Nam” này có giá thành chỉ bằng 1/3 so với các sản phẩm nhập ngoại. Nhóm nghiên cứu cho biết, việc hoàn thiện công nghệ sản xuất bộ kit này là một tín hiệu mừng bởi giá thành rẻ và là sản phẩm do chính các nhà khoa học Việt Nam làm ra.

 

Hiện nay, sản phẩm vẫn còn một vài nhược điểm như quy trình lấy mẫu còn phức tạp, thời gian bảo quản ngắn (6 tháng). Dự kiến, trong thời gian tới, nhóm tiếp tục hoàn thiện sản phẩm sao cho đạt độ ổn định tốt hơn, thời gian bảo quản lâu hơn, quy trình trích mẫu đơn giản hơn để đáp ứng yêu cầu của thị trường.

 

Theo Minh Châu

Khoa học & Đời sống