“Blouse trắng” của ngư dân miền Trung
(Dân trí) - Đó là bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng - Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng, người đã có hàng trăm lần vượt sóng ra khơi cấp cứu ngư dân gặp nạn ở vùng biển miền Trung.
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng là một trong 70 tấm gương điển hình hình tiên tiến toàn quốc có thành tích xuất sắc được tôn vinh tại Thủ đô Hà Nội hôm 3/6, nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2018).
Bác sĩ Hồng cũng là một trong 20 tấm gương tiêu biểu trong ngành y của Đà Nẵng được trao Giải thưởng “Toả sáng blouse trắng” từ năm 2016; và là một trong 72 tấm gương điển hình trong tất cả mọi lĩnh vực của Đà Nẵng được vinh danh tại Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc vừa diễn ra tại Nhà hát Trưng Vương - Đà Nẵng sáng 11/6.
“Vượt sóng to gió lớn ra khơi cấp cứu, gặp bệnh nhân là quên cả sợ”
Bác sĩ Hồng là người đầu tiên của Trung tâm Cấp cứu 115 cùng bộ đội biên phòng vượt sóng ra khơi để cứu ngư dân gặp nạn giữa biển. Chuyến đi đầu tiên ấy, chị đã không ngại ngần vượt 60 hải lý giữa lúc sóng to gió lớn, khi nghe tin có ngư dân gặp nạn, bị thương khi đang theo tàu đi đánh bắt cá ở vùng biển Hoàng Sa.
Từ chuyến đi đầu tiên ấy, đến nay, chị đã có hàng trăm chuyến trực tiếp theo tàu của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC) ra khơi cấp cứu ngư dân gặp nạn trên biển. Và cũng không biết bao nhiêu lần chị hỗ trợ sợ cấp cứu ngư dân qua icom. Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng nơi bác sĩ Hồng đang công tác có thể nói là Trung tâm cấp cứu của thành phố duy nhất trong cả nước phối hợp với Danang MRCC của quân đội trong công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.
“Những chuyến ra khơi cấp cứu ngư dân, rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ” - bác sĩ Hồng nói. Chị kể có lần nhận được tin một ngư dân bị té từ trên cao xuống bị thương rất nặng, chị đã quyết định đích thân đi. Hôm đó sóng lớn. Chị ngồi trên ghế trong khoang tàu mà phải ôm chân bàn cho khỏi ngã vì tàu lắc mạnh quá. Cả những anh em trên tàu cứu hộ bình thường cười nói rộn ràng, vậy mà hôm ấy ai trông cũng rất căng, tập trung lèo lái tàu vượt biển, tránh không để nước biển tấp lên tàu mỗi khi sóng đánh cao, có ngọn sóng cao hơn 5 mét. Chị đã nghĩ bụng: “Chuyến này mình đi mà có hề gì, không biết các con mình ở nhà sẽ ra sao!”
Vậy mà khi nạn nhân được đưa từ tàu cá sang tàu cứu hộ, chị và y sĩ đi cùng như quên hết mọi lo sợ, cả nghĩ, chỉ tập trung làm hết sức để sơ cấp cứu cho nạn nhân và đưa vào đất liền nhập viện. “Lúc ấy, tâm trí mình chỉ có một tâm niệm duy nhất là làm hết sức mình để cứu người” - bác sĩ Hồng nói.
Chị cũng không quên những ngày đầu làm việc ở Trung tâm Cấp cứu 115 của Đà Nẵng. Điều kiện công tác vô cùng khó khăn. Một chuyến cấp cứu phải vừa đi bộ, vừa đi xe, vừa đi đò (ghe thuyền) mới đến được nơi người gặp nạn kêu cứu. Như có lần đi Hoà Khương cấp cứu một sản phụ. Đường đi khó, xe cấp cứu không vào đến tận nhà được. Khiêng bộ thì quá xa. Phải mắc võng cho sản phụ nằm giữa hai xe máy chạy trên một quãng đường dài.
“Khó vậy đó. Mà cấp cứu thành công là niềm vui lại làm động lực cho tôi và các đồng nghiệp quên hết mọi vất vả, trắc trở. Còn khi đã làm hết sức mình rồi mà bệnh nhân vẫn không qua khỏi, là buồn, buồn lắm” - bác sĩ Hồng nói về những buồn vui trong trong công việc “cứu người như cứu hoả”.
Nhớ nhất lời Bác dặn rằng người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi cán bộ ngành y
Trong những lời Bác Hồ gửi gắm đến cán bộ ngành y, bác sĩ Hồng nhớ nhất một trong những điều Bác căn dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn.“Lương y như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng” (trích thư Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi cán bộ ngành y ngày 27/2/1955)
Bác sĩ Hồng nói, chiêm nghiệm trong công việc của mình, chị ý thức sâu sắc lời Bác Hồ căn dặn rằng người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi y, bác sĩ. Còn gì quan trọng hơn mạng sống của một con người mà họ đã “phó thác” cho y, bác sĩ trong những cơn “thập tử nhất sinh”. Nên có những lúc, chị và đồng nghiệp thực sự đã ở trong tình huống bệnh nhân chỉ còn 1% cơ hội sống còn, vẫn quyết cùng bệnh nhân “chiến đấu đến hơi thở cuối cùng”.
Và trong nghề y mà chị đã gắn bó suốt mấy mươi năm qua, chị khẳng định 5 chữ “lương y như từ mẫu” cần là “kim chỉ nam” cho tất cả những ai theo đuổi nghề nghiệp này. Theo chị, thật sự bên cạnh chuyên môn nhiệm vụ, y, bác sĩ phải luôn coi bệnh nhân như chính người thân ruột thịt của mình. Khi nghe nạn nhân kêu cứu, phải bất chấp khó khăn, thậm chí là quên cả những nguy hiểm có thể xảy ra cho mình, để đến hiện trường cứu người như chính khi mình nghe người thân của mình kêu cứu, mới làm tròn “lương tâm” của một bác sĩ.
Chị kể: “Có hôm tôi điều một em nữ y sĩ của Trung tâm đi cứu người bị nạn trong mưa bão. Em ấy vừa đi vừa nói: “Em đi công tác mà có hề chi thì chị có trách nhiệm lo cho con của em ở nhà đó!”. Trong câu nói của em ấy nghe như có nước mắt, nhưng cái chân cái tay vẫn nhanh nhẹn sửa soạn y cụ, lên đường ngay khi nghe điện gọi báo cấp cứu. Tôi thấy hình ảnh của mình từ những năm tháng thanh xuân nơi các em trẻ như em ấy ở Trung tâm hiện nay”
“Blouse trắng” quen thuộc trên những chuyến xe, chuyến tàu cấp cứu khắp Đà Nẵng và vùng biển miền Trung chia sẻ tâm tư: “Có những tình huống, như khi mưa bão, sóng to gió lớn, mình có thể từ chối ra biển cứu người, không ai trách, không ai phạt mình cả. Nhưng “lương tâm” không cho phép mình nói “không”. Không riêng gì tôi, mà tôi tin rằng tất cả anh chị em y, bác sĩ ở Trung tâm Cấp cứu nơi tôi công tác đều lấy câu nói “lương y như từ mẫu” làm “kim chỉ nam” trong công việc hàng ngày của mình”.
Khánh Hiền