Biểu hiện bệnh trên da ở người mắc Covid-19

Hà An

(Dân trí) - Bệnh nhân Covid-19 có thể thấy ngứa, đau/bỏng rát ở da, nổi các ban dạng mề đay, các ban dạng hồng ban, phát ban dạng mụn nước mụn mủ, phát ban giống dạng cước ở đầu ngón tay chân…

Theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 phiên bản cập nhật mới nhất của Bộ Y tế, người bệnh Covid-19 có thể phát tán virus từ 2 ngày trước khi có triệu chứng đầu tiên và phát tán mạnh nhất trong 3 ngày đầu từ khi biểu hiện các triệu chứng. Thời gian phát tán virus gây lây nhiễm khoảng 8 ngày kể từ khi xuất hiện triệu chứng, nhưng có thể dài hơn ở những người bệnh có suy giảm miễn dịch. Tuy vậy, những người bệnh không triệu chứng vẫn có thể phát tán virus gây lây nhiễm.

Biểu hiện bệnh trên da ở người mắc Covid-19 - 1

Ảnh minh họa: BVCC

Bệnh được chia làm 3 giai đoạn: khởi phát, toàn phát và hồi phục.

Giai đoạn khởi phát

- Thời gian ủ bệnh: 2-14 ngày, trung bình 5-7 ngày, chủng Delta có thời gian ủ bệnh ngắn hơn.

- Khởi phát:

Với chủng Alpha, Người bệnh có thể có các biểu hiện: sốt, ho khan, mệt mỏi, đau họng, đau đầu. Một số trường hợp bị nghẹt mũi, chảy nước mũi, mất vị giác và khứu giác, buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng...

Với chủng Delta, biểu hiện bệnh gồm đau đầu, đau họng, chảy nước mũi, ho, sốt, ỉa chảy, khó thở, đau cơ.

Với chủng Omicron, hiện tại không có thông tin nào cho thấy các triệu chứng liên quan đến Omicron là khác so với các triệu chứng ở các biến thể khác.

- Diễn biến:

80% các trường hợp nhiễm chủng Alpha có triệu chứng nhẹ, 20% diễn biến nặng và diễn biến nặng thường khoảng 5-10 ngày và 5% cần phải điều trị tại các đơn vị hồi sức tích cực.

Đối với chủng Delta, tỉ lệ nhập viện cấp cứu 5,7% (cao hơn 4,2% chủng Alpha), tỉ lệ nhập viện, nhập ICU và tử vong tăng hơn trước. Ngoài ra chủng Delta liên quan đến tăng mức độ nặng của bệnh biểu hiện bởi tăng nhu cầu oxy, nhập ICU hoặc tử vong so với những chủng khác. Ngoài ra chủng Delta có tải lượng virus cao hơn 1.260 lần so với 19A/19B và khả năng lây cao hơn 15-20% so với chủng khác.

Đối với chủng Omicron là biến thể B.1.1.529, được WHO báo cáo lần đầu ngày 21/11/2021. Biến thể Omicron có một số lượng lớn các đột biến vì thế nó khác với các biến thể khác đang lưu hành. Các nghiên cứu đang được tiến hành để xác định xem có sự thay đổi về mức độ dễ dàng lây lan của virus hoặc mức độ nghiêm trọng của bệnh mà virus gây ra và liệu có bất kỳ tác động nào đối với các biện pháp bảo vệ hay không. Các nghiên cứu sắp tới sẽ đánh giá hiệu quả của các vắc xin hiện tại chống lại chủng Omicron là như thế nào.

Giai đoạn toàn phát

Giai đoạn này xuất hiện sau 4-5 ngày khởi phát bệnh.

Bệnh có thể ảnh hưởng đến hệ hô hấp như người bệnh ho nhiều hơn, đau ngực, cảm giác ngạt thở, sợ hãi, tùy mức độ người bệnh, thở sâu. Khoảng 5-10% người bệnh có thể giảm oxy máu thầm lặng. Những trường hợp này người bệnh không có cảm giác khó thở nhưng SpO2 giảm rất dễ bị bỏ qua. Thể nặng của bệnh có biểu hiện giống ARDS.

Ngoài ra, bệnh còn ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, thận, thần kinh, dạ dày-ruột, gan mật, nội tiết, huyết học, da… Biểu hiện ở da với ngứa, đau/bỏng rát ở da với hình thái bao gồm các ban dạng mề đay, các ban dạng hồng ban, phát ban dạng mụn nước mụn mủ, phát ban giống dạng cước ở đầu ngón tay chân, ít gặp hơn phát ban dạng lưới (chỉ điểm bệnh diễn tiến nặng), giống tổn thương xuất huyết chủ yếu ở chi, ban đỏ đa hình thái ở tay chân niêm mạc, kết mạc miệng, viêm kết mạc ở trẻ em.

Giai đoạn hồi phục

- Đối với trường hợp nhẹ và trung bình, sau 7-10 ngày, người bệnh hết sốt, toàn trạng khá lên, tổn thương phổi tự hồi phục, có thể gặp mệt mỏi kéo dài.

- Những trường hợp nặng: Biểu hiện lâm sàng kéo dài, hồi phục từ 2 đến 3 tuần, mệt mỏi kéo dài đến hàng tháng.

- Những trường hợp nguy kịch có thể phải nằm hồi sức kéo dài nhiều tháng, có thể tiến triển xơ phổi, ảnh hưởng tâm lý, yếu cơ kéo dài.

- Một số trường hợp sau nhiễm SARS-CoV-2, gặp các rối loạn kéo dài: bệnh lý tự miễn, hội chứng thực bào...