Bị vi trùng lao tấn công, nam thiếu niên tử vong
(Dân trí) - Nhập viện trong tình trạng cơ địa suy kiệt vì bị lao tấn công đa cơ quan, dù bác sĩ đã nỗ lực cứu chữa nhưng thiếu niên 15 tuổi không qua được nguy kịch.
BS Dư Tấn Quy, Phó trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1, TPHCM cho biết, tại đây vừa có một trường hợp tử vong vì bệnh lao. Nạn nhân là thiếu niên 15 tuổi, ngụ tại TPHCM được gia đình chuyển đến trong tình trạng suy kiệt, cân nặng chỉ được 24kg. Thời điểm nhập viện bệnh nhân có biểu hiện chướng bụng, đau dữ dội vùng bụng.
Bệnh nhân sống cùng mẹ ở khu trọ kém vệ sinh, ẩm thấp. Khoảng 1 tháng trước bệnh nhân than mệt, chán ăn, tình trạng bệnh ngày càng trở nặng nhưng gia đình khó khăn nên cậu bé cố gắng chịu đau, không đến bệnh viện.
Trên hình ảnh siêu âm, bác sĩ phát hiện bệnh nhi bị thủng ruột khiến chất thải từ đường tiêu hóa rò ra ổ bụng gây viêm phúc mạc. Ngay sau khi hội chẩn, ê kíp bác sĩ đã thực hiện phẫu thuật cấp cứu cho bệnh nhân. Đoạn ruột bị hoại tử, tím đen được cắt bỏ và nối lại.
Các kết quả xét nghiệm được thực hiện song song với quá trình phẫu thuật cấp cứu cho thấy bệnh nhân bị nhiễm lao. Kiểm tra nhanh vị trí chích ngừa lao, bác sĩ không ghi nhận vết sẹo nhỏ thường xuất hiện ở những người đã được chích ngừa lao.
Các kết quả kiểm tra chuyên sâu cho thấy, vi trùng lao đã tấn công đa cơ quan, là nguyên nhân khiến bệnh nhi bị hoại tử, thủng ruột. Sau phẫu thuật, bệnh nhi được thở máy, điều trị tích cực, sử dụng thuốc kháng lao. Tuy nhiên, tình trạng nhiễm trùng diễn tiến nặng trên cơ địa suy kiệt đã khiến bệnh nhi tử vong sau 4 ngày nhập viện.
Bệnh lao là do một loại vi khuẩn có tên Mycobacterium tuberculosis gây ra. Đây là căn bệnh truyền nhiễm, có thể lây lan từ người sang người qua không khí. Khi người bị bệnh lao ho, hắt hơi hoặc khạc nhổ, họ sẽ phát tán vi khuẩn lao vào không khí, người bình thường chỉ cần vô tình hít phải một vài trong số những vi khuẩn lao này đều có nguy cơ cao bị nhiễm bệnh tại phổi.
Vi khuẩn gây ra bệnh lao không chỉ tấn công phổi mà có thể thông qua đường máu hoặc hạch bạch huyết đến các bộ phận khác của cơ thể, điển hình như thận, ruột, cột sống và não để gây bệnh. Bệnh lao nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có nguy cơ tử vong cao.
Từ trường hợp trên, bác sĩ khuyến cáo, bệnh lao hiện đã có vắc xin được cung ứng trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Vắc xin lao thường được khuyến cáo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, có hiệu quả rất cao trong việc phòng ngừa các hình thái lao nguy hiểm, như lao viêm màng não với độ bảo vệ lên tới 70%. Đối với người lớn không mắc bệnh lao và chưa được chủng ngừa trước đây nhưng thường xuyên tiếp xúc với các yếu tố phơi nhiễm cũng nên chủng ngừa lao.
Những trường hợp nghi ngờ mắc lao hoặc có tiếp xúc với người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Những ca bệnh đã được xác định nhiễm vi trùng lao cần tuân thủ chỉ định và phác đồ điều trị của bác sĩ, tránh tình trạng lao đa kháng thuốc gây khó khăn cho điều trị dẫn tới những biến chứng nguy hiểm tính mạng.