Bị ung thư cổ tử cung vẫn sinh con khỏe mạnh

Tôi không có ý định sinh con. Bởi tôi đã có hai đứa, đủ nếp, đủ tẻ. Và chính khi ấy tôi biết mình có thai.

Tôi không có ý định sinh con. Bởi tôi đã có hai đứa, đủ nếp, đủ tẻ. Và chính khi ấy tôi biết mình có thai.
 

Tôi không bao giờ nghĩ sẽ bỏ đứa con trong bụng. Ám ảnh lo sợ ập đến, bởi tôi biết mình mang thai cùng tin bệnh hiểm ung thư cũng phát triển trong bụng tôi.

Giờ đây chị Magda Rusak đang nuôi con gái Zosia 6 tháng tuổi bằng sữa mẹ. Chị dành giây lát để trò chuyện cùng phóng viên nhật báo Ba Lan Gazeta Wyborcza.

Tôi rất muốn kể câu chuyện của tôi với đông đảo phụ nữ. Hy vọng họ thường xuyên làm xét nghiệm tế bào. Bởi dạng ung thư này ủ bệnh thời gian dài, lại không gây đau đớn.

Tôi đang có cuộc sống bình thường. Công việc, nhà cửa, hai con ngấp nghé trưởng thành: con gái Zuza 18 tuổi, con trai Jasiek 17 tuổi. Tôi làm nhân viên cung ứng, thuộc ngành thương mại. Chồng tôi, tài xế xe buýt. Đã 26 năm chung sống. Vậy nên khi thấy kỳ “bẩn người” lỡ hẹn, tôi thầm nghĩ: “Mình tắt kinh rồi!”. Dù sao tôi cũng đã 45 tuổi.

Bị ung thư cổ tử cung vẫn sinh con khỏe mạnh - 1

Chị Magda cùng con gái Zosia, tháng 2/2019.

Cho dù đã tháng thứ hai vẫn “sạch người”, Magda không cho rằng, cần thiết phải tìm gặp bác sĩ phụ khoa. Vậy nên cuối cùng, trong dịp kiểm tra sức khỏe định kỳ, lúc ngồi vào ghế phụ khoa, chị đã bị sốc khi nghe bác sĩ phán: Chị đã có thai!

Dường như đọc được tâm trạng của tôi, vị bác sĩ tận tâm lập tức ân cần giải thích: Không có gì phải lo lắng. Có khối người tuổi chị vẫn có thai và sinh con khỏe mạnh. Cùng lúc bác sĩ làm cho tôi xét nghiệm siêu âm, kê đơn thuốc an thai và chỉ định tiến hành những xét nghiệm cần thiết khác - Magda kể tiếp.

Người mẹ tương lai hoàn toàn tin tưởng mình sẽ sinh con. Vừa về đến nhà, Magda đã khoe với chồng: Grzegorz, em có thai!

Phản ứng đầu tiên của anh ấy? Chồng tôi trợn mắt: “Em có điên không?” - Magda tường thuật. Riêng con chị, khi biết chuyện, cả hai đều yêu cầu: bố mẹ không tịch thu phòng ở và không cắt giảm khoản tiền tiêu vặt. Về giới tính, chị Zuza thích mẹ sinh em gái, anh Jasiek muốn có một cậu em trai.

Vậy nên, như tất cả trường hợp mang thai, Magda phải tiến hành một số xét nghiệm tế bào học.

Sau 2 tuần, bác sĩ trực tiếp thăm khám gọi điện cho tôi. Bà ấy thông báo, xét nghiệm cho kết quả tôi thuộc nhóm 4.

Có nghĩa, cơ thể tôi hiện diện tế bào có đặc điểm ung thư. Và cần phải tiến hành xét nghiệm tiếp theo: xét nghiệm phết mỏng tế bào cổ tử cung (Pap smear), để quan sát đầy đủ cổ tử cung.

Hai chân tôi bỗng đổ sụp. Cảm giác đầu tiên? Hoảng sợ. Và cả nghìn câu hỏi. Chuyện gì sẽ xảy ra với tôi? Nếu tôi tử vong? Tương lai các con tôi sẽ thế nào? Liệu cái thai tôi mang trong bụng có an toàn? Nhưng tôi không khóc. Tôi vốn là mụ đàn bà gan cóc tía. Và tôi tuyên bố với chồng: “Chúng ta sẽ chiến!”.

Bác sĩ xác nhận, chị bị ung thư. Dạng ung thư tế bào cổ tử cung có vẩy tệ hại.

Tôi được giới thiệu đến Bệnh viện Brodnowski ở Warszawa. Tại bệnh viện, Hội đồng khoa học gồm 3 giáo sư thảo luận gần 60 phút về bệnh trạng của tôi. Sau đó tôi nghe nói, quyết định cuối cùng thuộc về tôi, nhưng họ khuyên tôi phá bỏ cái thai, vì tính mạng của mẹ. Tôi trả lời: Cảm ơn, xin chào!

Tôi chạy như điên ra khỏi phòng khám, cùng chồng trở về nhà. Tôi sực nhớ, dọc đường đến công ty, hàng ngày tôi vẫn đi qua tấm biển quảng cáo lớn với dòng chữ Rak’n’Roll.

Tôi đã tìm thấy số điện thoại của Quỹ này, ở đó các nhân viên Quỹ giới thiệu tôi gặp GS.Romuald Debski, chuyên gia phụ khoa nổi tiếng chuyên giải quyết các trường hợp hết hy vọng. Đó là ngày thứ sáu. Ngay thứ hai tôi đã được xếp lịch hẹn với GS. tại Bệnh viện Bielanski.

Magda nhớ lại: Ở nhà tôi không có cuộc họp gia đình nào đặc biệt, cũng không có tranh cãi dạng “chuyện gì xảy ra, nếu như...”

 

Có thể bởi thực tế bản thân tôi không bao giờ nghĩ đến kịch bản xấu nhất - bại trận trước bệnh hiểm. Tôi cũng tin chắc mình sẽ sinh con hoàn toàn khỏe mạnh. Chồng tôi thì liên tục động viên: Vợ chồng mình phải quyết chiến. Chúng ta tự xoay xở được.

Chỉ một lần tôi hỏi hai con: Nếu mẹ có mệnh hệ gì, hai con có chăm sóc được em bé? Cả con gái và con trai đều giang tay bịt miệng tôi, để tôi không thể phát ngôn thành lời. Thâm tâm tôi biết chắc, trường hợp xấu nhất xảy ra, hai con tôi có thể hoàn toàn làm tốt việc đó. Và chúng tôi không trở lại đề tài này nữa. Sau đó, khi tôi nằm viện, một lần hai bố con vào thăm đúng lúc các bác sĩ truyền hóa chất cho tôi. Lúc bác sĩ đã ra khỏi phòng, chồng tôi bật khóc. Con trai Jasiek liền chạy đến, ôm choàng bố và an ủi: Bố đừng khóc. Con sẽ giúp bố.

Cuộc nói chuyện với GS. Romuald Debski tại Bệnh viện Bielanski diễn ra ngắn gọn, bởi chuyên gia phụ khoa nổi tiếng làm việc rất cụ thể - Magda nhớ lại. - Đọc kết quả xét nghiệm hình ảnh, nhà khoa học khẳng định, các khối u đều nhỏ lẻ. GS. nói: Ung thư cổ tử cung là bệnh hiểm nghèo. Nhưng tôi sẽ cố gắng cứu cả hai mẹ con. Chị sẽ sinh con gái khỏe mạnh.

Rồi sau đó chị còn nghe nói, liệu pháp hóa chất mang lại hiệu quả, rằng giáo sư đã điều trị thành công khá nhiều trường hợp bệnh nhân mang thai, như chị. Và sau đó tất cả đều sinh con bình thường. Cho dù tất nhiên nguy cơ rủi ro bao giờ cũng có. Rằng, với việc chữa trị cần phải kiên nhẫn, tốt nhất duy trì đến tuần thứ 18-19 thai kỳ, để các cơ quan nội tạng của thai nhi có thể phát triển tối ưu. Bởi đây là liệu pháp có can thiệp, song nguy cơ tổn thương sẽ giảm từ  3 tháng giữa của thai kỳ. - Vậy tôi phải chờ - Magda tường thuật.

Tuần thứ 19 thai kỳ. - Chúng ta bắt đầu - GS. Debski thông báo. “Lát nữa tôi sẽ gọi điện đến Trung tâm Ung bướu, để họ chuẩn bị liều hóa chất cho chị. Chị sẽ thực hiện 5 đợt, cứ 3 tuần truyền một lần”.

Tôi phấn khởi, giáo sư đã quyết. Tôi biết, tôi buộc phải gồng mình, quyết qua liệu trình điều trị khó khăn, miễn sao đứa con trong bụng khỏe mạnh. Khó khăn nhất là giây phút, tôi phải ký cam kết, chấp nhận liệu trình điều trị mới. Tôi thầm nhắc lại câu chồng tôi đã nói: Chúng ta quyết chiến và sẽ giành phần thắng!

Những ngày tiếp theo, lần nào chồng cũng đưa Magda đến Trung tâm Ung bướu để thực hiện công việc truyền hóa chất.

Lần hóa trị cuối cùng gây bã người nhất. Có thể vì lý do nội lực của tôi đã cạn kiệt. Ngay khi ấy từ GS. Debski, tôi đã biết với con gái Zosia đang nằm trong bụng, tất cả sẽ tốt đẹp, bởi ông nói với tôi: “Với con chị, 99% là khỏe mạnh bình thường. Hai tuần nữa, cháu sẽ chào đời”.

Sau đợt truyền hóa chất đầu tiên gần như tất cả mái tóc của tôi đều rụng hết, nhưng điều đó với tôi hoàn toàn không có ý nghĩa gì - chị Magda tường thuật. - Chồng tôi cạo trọc đầu bằng tông đơ điện - mãi đến khi nhớ lại giây phút đó, chị mới xúc động. - Tôi không muốn tiếp xúc với bất cứ ai. Chị thông báo với bạn gái cùng công ty, chị đang mang thai và mắc bệnh ung thư cổ tử cung. Một số nữ đồng nghiệp gọi điện đến nhà, song phần nhiều, để thỏa mãn tính tò mò, chứ không phải bày tỏ ý muốn, thí dụ giúp đỡ công việc chợ búa.

Ung thư khiến mọi người sợ hãi. Họ không biết, nên cư xử thế nào, nói cái gì. Có thể đồng cảm? Liệu có thể an ủi?

Bố mẹ Magda đều qua đời đã nhiều năm. Chồng và hai con là chỗ dựa chủ yếu. Ngoài ra có sự hỗ trợ của em dâu và mẹ chồng đã 78 tuổi.

Sau liệu trình hóa trị, theo Giáo sư Debski, kết quả xét nghiệm và quan sát cho thấy, cổ tử cung đã ngày càng “sạch” hơn. Thai nhi phát triển bình thường. Tôi hết sức phấn khởi. Và khi nghe giáo sư dự đoán: chị sẽ sinh con vào tuần thứ 32 thai kỳ, tôi đã òa khóc, sung sướng. Song tôi còn muốn chắc chắn hơn, nên đã bạo mồm hỏi: Giáo sư sẽ trực tiếp mổ cho tôi?

“Chắc chắn như vậy!”- Đến lúc ấy tôi đã hoàn toàn yên tâm. Cả về tính mạng của con, cũng như tính mạng bản thân.

Magda còn nhớ, ngay trước ngày sinh con, chị thèm của ngọt. - Phó giáo sư Marzena, phu nhân GS. Debski, cũng là bác sĩ phụ khoa, đã mang cho tôi hộp bánh chocolate truffle - tôi thật sự cảm động - Mình sẽ ăn sau mổ đẻ ” - tôi thầm nghĩ.

Trong thời gian mổ đẻ, Magda hoàn toàn tỉnh táo, bác sĩ chỉ thực hiện thủ thuật gây tê màng cứng.

Phòng phẫu thuật khá đông, chừng khoảng 20 người: các bác sĩ gây mê, các chuyên gia về trẻ sơ sinh, bác sĩ phẫu thuật thần kinh, các nữ hộ lý, bác sĩ sản khoa và tôi không biết còn những ai. Một trong số nữ bác sĩ suốt thời gian đó giữ tay tôi và tường thuật, chuyện gì xảy ra. Tôi trò chuyện với bác sĩ, tôi hỏi, đã nhìn thấy con tôi chưa. Tôi đã òa khóc, khi nghe nói, Giáo sư Debski đang lôi con ra từ bụng tôi...

Giáo sư trao con gái Zosia cho tôi ôm ấp, ông hôn nhẹ vào trán tôi. Con gái tôi cân nặng 1.950 gam, được 9 điểm theo bảng chỉ số Apgar. Sau đó các hộ lý bế bé đến lồng ấp, còn tôi thiếp đi sau liều thuốc an thần và giảm đau hậu phẫu. Các bác sĩ đã cắt bỏ buồng trứng và tử cung của tôi.

Chị nhà báo nhìn thấy đấy, bé Zosia đã ăn súp rau. Nó cũng ăn cả quả chuối chín nghiền nhỏ. Nhưng tôi vẫn cho cháu bú mẹ - chị Magda phấn khởi khoe. Rồi chị nựng con theo cách của mình. Bé gái có gương mặt giống hệt bố Grzegorz. Thậm chí đến móng tay cũng giống bố.

Bé đã cân nặng 9kg. Tôi yêu cục cưng Zosia này hơn cả cuộc đời. Tất nhiên, với hai con lớn cũng thế. Hai đứa ra đời cũng không dễ dàng. Phải chạy chữa 6 năm, tôi mới có con gái đầu lòng Zuza.

Về ông chồng, Magda nói rằng, chưa bao giờ ông ấy vui vẻ như thế, bây giờ ông như phát cuồng vì con gái Zosia. Chỉ đôi lúc tỉnh táo, ông lắc đầu ngán ngẩm, tự oán bản thân quá già để làm bố - Grzegorz đã 54 tuổi. Và ông cầu nguyện để sống được đến ngày con gái tròn 18 tuổi...

Chuyện rắc rối với ung thư của tôi đã kết thúc. Tôi hy vọng như vậy - chị Magda chia sẻ - Tất nhiên tôi còn phải thường xuyên kiểm tra, trong những năm tới. Cuộc hẹn gần nhất của tôi là tháng 3 tới, tại Bệnh viện Bielanski. Tôi đã trải qua thử thách nặng nề: 5 đợt hóa trị khắc nghiệt trong thời gian mang thai. Không quan trọng, vì bệnh hiểm, tôi đã bị cắt bỏ tử cung - người phụ nữ, nạn nhân ung thư cổ tử cung vẫn sinh con khỏe mạnh, chân thành bộc bạch.

Theo Ngọc Báu (Sức khoẻ & Đời sống)