Bị trói trên giường vì hoảng hốt thấy quái vật, rắn rết trong phòng bệnh
(Dân trí) - Không hung dữ đến mức đuổi đánh bác sĩ, nhưng những bệnh nhân đó luôn trong tình trạng la hét, hoảng sợ bởi “nhìn thấy” quái vật trong phòng bệnh, thấy từng đàn chuột khổng lồ… đuổi theo.
Trói để an toàn cho người bệnh
Phòng 524, khoa Tiêu hóa (Bệnh viện Bạch Mai) rất đặc biệt, nhiều người đi chăm nom bệnh nhân ốm ở khoa, không hiểu “căn phòng đặc biệt” này chăm những bệnh nhân gì mà phải trói, buộc người bệnh lại.
TS Vũ Trường Khanh, Phó trưởng khoa Tiêu hóa cho biết, đó là những bệnh nhân đang mắc hội chứng cai rượu. Nếu bác sĩ và người nhà phải hợp sức để trói, buộc các bệnh nhân bởi thì họ sẽ la hét, vật vã, chạy, ngã, thậm chí đòi nhảy xuống từ tần cao.
Khoa Cấp cứu (BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương) cũng thường trong tình cảnh phải tiếp nhận những bệnh nhân vật vã, la hét, hoảng sợ vì hội chứng cai này.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, khoa Cấp cứu cho biết, hội chứng cai xảy ra ở những người đang nghiện rượu, uống rượu thường xuyên, lâu ngày bỗng dưng không được uống rượu.
Tại khoa Cấp cứu mới đây tiếp nhận bệnh nhân là ông chủ một quán nhậu lớn ở Hà Nội. Vào viện sau 3 ngày sốt cao 39 độ C vì vi rút, nhưng nghiêm trọng hơn là tình trạng “vật rượu” của bệnh nhân.
Do đang uống rượu thường xuyên, bị ốm không thể uống được rượu nên đã xuất hiện một loạt các dấu hiệu hội chứng cai. Biểu hiện thường gặp ngày đầu tiên bồn chồn, mất ngủ, ngày sau chân tay run lẩy bẩy, vã mồ hôi toàn thân, hoang tưởng, ảo giác.
“Bệnh nhân gặp nhiều nhất là hoang tưởng ghen tuông nên đánh vợ. Hoang tưởng nhìn thấy quái vật, chuột khổng lồ, rắn rết… ; có người thì thầm vào tai… co rúm người, lúc cười, lúc khóc, có người thì tìm cách chạy trốn”, BS Cấp nói.
Nhiều nguy cơ
Bên cạnh tình trạng hoang tưởng rượu, TS Khanh cho rằng, nguy hại nhất là tình trạng co giật có thể có, rối loạn về điện giải như kali máu, hạ đường máu khiến bệnh nhân có thể tử vong. Vậy nên các bác sĩ vừa phải điều trị bệnh đang nhiễm, vừa phải điều trị hội chứng cai. Các bác sĩ phải áp dụng nuôi dưỡng dạ dày, tĩnh mạch do người bệnh không ăn nên dễ bị hạ đường huyết.
Trong khi đó, nhóm bệnh nhân nghiện rượu sức đề kháng yếu, hay bị nhiễm trùng, thường nhiễm trùng các vi khuẩn có độc lực cao hơn, điều trị khó khăn hơn.
“Hơn nữa, những bệnh nhân nghiện rượu lâu năm thường nghèo. Ngày thường thì hay xung đột, đánh vợ, mắng con, gây sự với hàng xóm nên khi phải nhập viện điều trị, sự chăm sóc của gia đình kém hơn. Nhiều bệnh nhân nghèo không có tiền điều trị, nên việc điều trị càng khó khăn hơn”, BS Cấp nói.
Theo các bác sĩ, khả năng dừng rượu sau điều trị của các bệnh nhân này rất khó, vì quá trình cai đòi hỏi sự quyết tâm lớn từ bệnh nhân, sự động viên của gia đình cũng như hỗ trợ của bác sĩ.
“Sau hội chứng cai, hoang tưởng, ảo giác sẽ hết. Nhưng cái nặng nề nhất, khi người bệnh vẫn gắn bó với rượu, là nguy cơ xơ gan, đến ung thư gan do rượu sau đó”, BS Cấp cho biết.
Bởi thông thường, bệnh nhân nghiện rượu từ 15 năm trở lên, nguy cơ xơ gan và dẫn tới ung thư gan là rất lớn. Khoa Tiêu hoá ngày nào cũng tiếp nhận 5 - 7 bệnh nhân đã xơ gan, chướng to bụng do vẫn uống rượu ngay cả khi bác sĩ chẩn đoán gan nhiễm mỡ cách đó vài năm.
Thực tế, có những bệnh nhân xơ gan tuổi đời rất trẻ như trường hợp thanh niên 24 tuổi, vào khoa Cấp cứu vì bệnh lý sốt nhiễm khuẩn và sảng rượu với biểu hiện vật vã, chân tay run, có cơn co giật. Chẩn đoán cho thấy bệnh nhân có tình trạng tổn thương do xơ gan và khai thác tiền sử cho thấy bệnh nhân này đi làm phụ hồ từ năm 14 tuổi, uống rượu 10 năm nay.
Hồng Hải