1. Dòng sự kiện:
  2. Viện Y dược học dân tộc TPHCM

TPHCM:

Bí thư Thăng quy trách nhiệm cho Sở Y tế về vấn đề thực phẩm

(Dân trí) - Một mâm cơm của người dân nhưng ba bộ quản lý không nổi. Nếu người dân ăn phải thực phẩm bẩn thì xử Sở Y tế thế nào? Không thể để tình trạng làm theo quy định nhưng người dân vẫn phải ăn đồ bẩn.

Đó là những vấn đề được Bí thư Thành ủy thành phố Đinh La Thăng đặt ra tại buổi làm việc với Bộ Y tế và các ban ngành liên quan về những vấn đề liên quan đến ngành y trên địa bàn TPHCM ngày 6/3.

Một điểm bán thức ăn đường phố bên cạnh thùng rác công cộng trên đường Sư Vạn Hạnh
Một điểm bán thức ăn đường phố bên cạnh thùng rác công cộng trên đường Sư Vạn Hạnh

Chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm từ khâu sản xuất đến bàn ăn, theo quy định hiện hành đang là trách nhiệm quản lý của ba bộ gồm: Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Bộ Công thương và Bộ Y tế. Mặc dù cả ba bộ chia nhau quản lý theo từng khâu sản xuất - kinh doanh - tiêu thụ, nhưng trên thực tế cảnh “cha chung không ai khóc” đang diễn ra bởi vấn nạn thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng, kháng sinh…. tồn dư trong thực phẩm đang đe dọa trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng người dân.

Theo phân tích của các chuyên gia, mất an toàn trong vệ sinh thực phẩm dẫn tới các vụ ngộ độc cấp tính chỉ là tảng băng nổi của một vấn nạn, bởi tình trạng ngộ độc mạn tính, sẽ từng ngày, từng giờ gặm nhấm sức khỏe của con người gây ra các chứng bệnh nan y đặc biệt là ung thư.

Báo cáo trước Bộ Y tế và UBND thành phố trong buổi làm việc ngày 6/3, TS.BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế cho biết: Trong năm 2015, trên địa bàn thành phố để xảy ra 6 vụ ngộ độc thực phẩm tập thể khiến 268 người mắc (trong đó có 4 vụ trên 30 người). Qua thanh tra giám sát mẫu thực phẩm đã phát hiện 13,2% trên tổng số 4.897 mẫu không đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.

Bí thư Thăng yêu cầu Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về vấn đề thực phẩm trên địa bàn
Bí thư Thăng yêu cầu Sở Y tế phải chịu trách nhiệm về vấn đề thực phẩm trên địa bàn

Chi cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm thành phố lấy 253 mẫu thức ăn nhanh như: bánh tráng bò bía, bánh mì thịt, cá viên, rau củ quả ngâm chua, thịt heo quay… mang đi kiểm nghiệm thì phát hiện tới 110 mẫu không đạt (chiếm 43,5%). Ngoài ra, việc thanh kiểm tra trong năm 2015 còn phát hiện gần 1.600 cơ sở chế biến, kinh doanh thực phẩm không đạt các tiêu chuẩn chất lượng.

Cắt ngang bài báo cáo của TS.BS Tăng Chí Thượng, ông Đinh La Thăng, Bí thư Thành ủy thành phố đặt câu hỏi: “Ai chịu trách nhiệm trước các vụ ngộ độc? Ai chịu trách nhiệm trước tình trạng thực phẩm bẩn?” Sở Y tế là đầu mối về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đã hoàn thành nhiệm vụ chưa? Nếu người dân thành phố vẫn ăn phải thực phẩm bẩn thì xử Sở Y tế thế nào?”

Khi TS Chí Thượng còn chưa biết phải trả lời ra sao thì ông Thăng tiếp lời: “Vệ sinh an toàn thực phẩm có tới “ba ông” (ba Bộ - PV) quản lý nhưng vẫn không bảo vệ được dân. Khi xảy ra ngộ độc, chưa thấy “ông” nào đứng ra nhận trách nhiệm.”

Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh: “Từ nay, vấn đề thực phẩm trên địa bàn thành phố sẽ được quy trách nhiệm cho mình Sở Y tế. Nếu để xảy ra các vụ việc liên quan đến chất lượng thực phẩm không đảm bảo, các ông sẽ phải lãnh trách nhiệm.”

Nạn nhân một vụ ngộ độc tập thể phải cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức
Nạn nhân một vụ ngộ độc tập thể phải cấp cứu tại bệnh viện quận Thủ Đức

Trước sự quả quyết của Bí thư Đinh La Thăng, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải thích: “Luật quy định, đây là nhiệm vụ của cả ba Bộ, không phải của riêng Bộ Y tế. Nếu giao hoàn toàn trách nhiệm liên quan đến lĩnh vực an toàn thực phẩm cho Sở Y tế TPHCM thì năng lực của sở khó có thể đáp ứng được.”

Phản biện lại ý kiến của Bộ trưởng Kim Tiến, Bí thư Thăng nhấn mạnh: “Không thể có tình trạng làm hết trách nhiệm và tuân thủ quy định, thông tư như lâu nay nhưng người dân vẫn phải ăn mãi thực phẩm bẩn. Nếu Luật không phù hợp thì cần phải sửa. Nếu nhiệm vụ đảm bảo an toàn thực phẩm cho người dân do mình Sở Y tế thành phố chịu trách nhiệm là không sai Luật thì cho thí điểm. Vấn đề là cần có một đơn vị đầu mối thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trong việc giúp người dân được ăn thực phẩm an toàn hơn.”

Bên cạnh vệ sinh an toàn thực phẩm, ông Đinh La Thăng cũng yêu cầu ngành y tế thành phố kiểm tra lại các quy trình cấp phép, quản lý thực phẩm chức năng, kịp thời ngăn chặn và xử lý triệt để các hành vi sản xuất hàng giả, nhập lậu, kinh doanh thực phẩm chức năng không đảm bảo chất lượng.

Vân Sơn