Bí thư Đà Nẵng: Đừng để khách du lịch không dám đến vì... thực phẩm

(Dân trí) - Sáng 31/7, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi làm việc với Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố. Tại buổi làm việc ông Nghĩa cho hay, hiện lượng khách du lịch đến Đà Nẵng càng ngày càng lớn., vì thế làm sao để khách du lịch đến Đà Nẵng hoàn toàn yên tâm, đừng để người ta không dám đến vì thực phẩm.

Tại buổi làm việc này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị các sở, ban, ngành cần có những giải pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm phục vụ người dân cũng như du khách. Làm sao để người dân khỏe từ cái ăn chứ không phải ăn vào sinh ra bệnh. Và nếu làm được điều này, sẽ giảm áp lực cho y tế cũng như chi phí cộng đồng rất nhiều.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Tấn Hải – Trưởng Ban an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cho biết, phần lớn thực phẩm rau, quả, thịt cung cấp cho thị trường Đà Nẵng đều nhập từ ngoại tỉnh về các chợ đầu mối và cơ sở giết mổ tập trung.

Hiện nay chợ đầu mối Hòa Cường nhập khoảng 120.000 tấn/năm gồm rau và trái cây các loại. Trong đó rau 50.000 tấn nhập chủ yếu từ các tỉnh: Lâm Đồng, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Định, Bắc Ninh. Trái cây nhập khoảng 70.000 tấn chủ yếu từ các tỉnh Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Bình Định, Sóc Trăng, Ninh Thuận.

Bí thư Đà Nẵng: Đừng để khách du lịch không dám đến vì... thực phẩm  - 1

Buổi làm việc của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa với Ban quản lý an toàn thực phẩm Đà Nẵng

Để quản lý an toàn thực phẩm đối với nguồn rau, trái cây nhập vào thành phố, Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng đã phối hợp với Ban quản lý chợ đầu mối Hòa Cường thống kê nguồn gốc xuất xứ nguồn hàng rau, quả nhập vào thành phố. Tổ chức lấy mẫu giám sát, nếu phát hiện sản phẩm rau, quả có tồn dư thuốc bảo vệ thực vật vượt mức giới hạn cho phép thì áp dụng biện pháp cấm nhập loại sản phẩm có nguồn gốc xuất xứ không an toàn vào Đà Nẵng tiêu thụ trong thời gian 30 ngày kể từ ngày phát hiện mẫu không an toàn. Ban quản lý an toàn thực phẩm TP Đà Nẵng cũng đã ký kết hợp tác với 6 địa phương cung cấp rau, quả có sản lượng lớn để phối hợp quản lý, giám sát an toàn thực phẩm, truy xuất và xử lý sản phẩm không an toàn thực phẩm nhập vào thành phố.

Theo đại diện một số sở, ban, thành phố cần sớm xây dựng hiện đại chợ đầu mối nông sản, xây dựng Trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung và xây dựng cảng cá phù hợp với quy mô phát triển của Đà Nẵng.

Bí thư Đà Nẵng: Đừng để khách du lịch không dám đến vì... thực phẩm  - 2

Bí thư Trương Quan Nghĩa phát biểu kết luận tại buổi làm việc

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đề nghị các sở, ngành cần có những giải pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn nguồn thực phẩm phục vụ người dân cũng như du khách. Làm sao để người dân khỏe từ cái ăn chứ không phải ăn vào sinh ra bệnh. Và nếu làm được điều này, sẽ giảm áp lực cho y tế cũng như chi phí cộng đồng rất nhiều.

“Xu hướng hiện nay của Việt Nam và thế giới, cộng thêm dân số của thành phố hiện nay chỉ bằng 1/8 khách du lịch đến Đà Nẵng, có nghĩa là nhu cầu phải kiểm soát thực phẩm rất cao. Đây là một trong những nội dung quan trọng trong định hướng phát triển của Đà Nẵng”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.

Theo ông Nghĩa, quản lý an toàn thực phẩm đầu vào rất quan trọng. Vì thế cần có sự phối hợp giữa các sở, ban, ngành chuyên môn, trong đó Ban quản lý an toàn thực phẩm là nòng cốt. Đối với trách nhiệm của các quận cũng thế, nhu cầu phát triển của các quận không thể tách rời với sức khỏe của người dân. Không phải vì con số phải thu mà bỏ qua những tồn tại về an toàn thực phẩm.

Bí thư Trương Quang Nghĩa cho rằng, trong phát triển huyện Hòa Vang nên quy hoạch vùng nông sản trước sau đó mới làm những cái khác. Và nếu quy hoạch tốt, thành phố cam kết với người dân về tiêu thụ và người dân cam kết chất lượng ông tin rằng sẽ làm được.

“Chúng ta hay nói đến sức mua. Sức mua cũng quan trọng, nhưng an toàn của các sản phẩm chúng ta có so sánh được với các nước không? Các đồng chí sang Singapore, Nhật Bản mua thực phẩm không phải đắn đo gì cả. Cái đáng sống là vậy. Quả chuối mua ở ta chỉ một đồng, sang kia đắt đỏ là 5 đồng. 5 đồng nhưng ăn vào không phải lo gì cả, còn chúng ta một đồng thôi nhưng ăn vào cứ lo lắng. Ăn mà phải lo thì thôi rồi, không có cái khổ nào hơn. Việc thành phố chọn "4 an" trong đó có an toàn thực phẩm là rất chính xác”, Bí thư Nghĩa nói.

Bí thư Trương Quang Nghĩa cũng cho hay, hiện lượng khách du lịch đến Đà Nẵng càng ngày càng lớn. Làm sao để khách du lịch đến Đà Nẵng hoàn toàn yên tâm, đừng để người ta không dám đến vì thực phẩm, đó là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Đà Nẵng. Có giữ được cái này, Đà Nẵng mới có được ngành du lịch bền vững.

Khánh Hồng