Bí quyết dưỡng sinh phòng bệnh mùa thu
Sách Hoàng đế nội kinh viết: “Xuân hạ dưỡng dương, thu đông dưỡng âm”. Mùa thu thời tiết từ nóng chuyển sang mát lạnh, dương suy âm thịnh. Thời tiết khô hanh, vì thế dưỡng âm phòng ngừa khô hanh là chủ yếu của dưỡng sinh mùa thu để phòng bệnh
Bí quyết dưỡng sinh phòng bệnh trong mùa thu
Mùa thu, trước cảnh lá vàng rơi, cành khô lá úa, hoa cỏ lụi tàn… lòng người thường hay thương cảm, man mác buồn… dễ rơi vào trạng thái trầm cảm.
Đông y cho rằng, dưỡng sinh và chăm sóc tinh thần trong mùa thu cần phải “sử chí an ninh, dĩ hoãn thu hình, thu liễm thần khí, sử thu khí bình, vô ngoại kỳ chí, sử phổi khí thanh, thử thu khí chi ứng”. Nghĩa là : mọi người hãy nhìn nhận sự biến đổi của thiên nhiên bằng trạng thái tinh thần bình thường, nên ra khỏi nhà, đi du lịch hoặc leo núi ngắm cảnh, thư giãn tinh thần, có như thế mọi lo âu và buồn bã sẽ tiêu tan. Bạn cũng có thể tập khí công, thu liễm tâm thần, duy trì sự yên tĩnh của nội tâm. Đồng thời bạn cần thường xuyên tắm nắng, đi lại hoặc loại bỏ tâm trạng không vui. Đó chính là cẩm nang “thu dưỡng”, là phương pháp dưỡng sinh tốt cho mọi người nhất là các bậc cao niên trong mùa thu.
Trong sinh hoạt và lao động, bạn cũng cần thuận theo quy luật âm dương cân bằng, giúp cơ thể duy trì trạng thái “âm bình dương bí”. Khi chúng ta lấy thực hiện cân bằng âm dương làm mục đích, thì khi âm dương sẽ không thiên lệch, không gây bệnh lý.
Theo đó, điều quan trọng nhất về dưỡng sinh trong mùa thu là bạn phải có tinh thần lạc quan, độ lượng cởi mở, điềm đạm, bình tĩnh, tránh xúc động, tránh khí huyết dâng trào, định tâm thần cho phẳng lặng để tránh mọi bệnh tật.
Trong mùa thu tập trung dưỡng sinh thân thể là điều rất cần làm. Tuy nhiên bạn cần hiểu rõ: dưỡng sinh không đồng nghĩa với ăn uống nhiều chất bổ dưỡng, phải hiểu đạo dưỡng sinh mùa thu mới có thể dưỡng thân thể một cách tốt nhất.
Mùa thu trong ngũ hành là tương ứng với kim, cũng ứng với phổi. Do đó đây là mùa của phế kim, khí thuộc phế kim sẽ vượng. Khi phế kim quá mạnh có thể làm tổn thương cho can mộc (tạng gan ứng với mộc trong ngũ hành), cũng làm hao tổn tỳ thổ (tỳ ứng với thổ trong ngũ hành). Vì vậy mùa thu cần chú ý dưỡng âm ẩm chống khô hanh, chăm sóc can và tỳ tránh suy tổn.
Phối hợp nhiều biện pháp dưỡng sinh
Trong phương pháp dưỡng sinh phòng bệnh mùa thu, bạn cần phối hợp nhiều biện pháp như : ăn uống, ngủ nghỉ, tập luyện, điều hòa khí huyết…. theo nguyên tắc dưỡng âm ẩm chống khô hanh.
Ăn tăng chua, giảm cay
Theo thuyết Ngũ hành, món ăn có ngũ vị là : chua, cay, đắng, mặn, ngọt, năm vị này có quan hệ với ngũ tạng. Theo Đông y: “Chua vào can, cay vào phế, đắng vào tim, mặn vào thận, ngọt vào tỳ”. Theo đó món ăn chua giúp dưỡng can, ngọt dưỡng tỳ.
Tuy nhiên bạn không nên ăn quá chua sẽ có hại. Đối với người bị đau dạ dày, viêm loét đường tiêu hóa thì càng phải hạn chế ăn chua để phòng viêm loét nặng thêm. Bạn cũng không nên ăn nhiều dưa muối, cà muối vì sẽ gây rối loạn tiêu hóa, tăng huyết áp vì ăn mặn nhiều. Đông y còn lý luận: “chua ngọt hóa âm”, vì thế món ăn chua ngọt giúp điều dưỡng can và tỳ, nên dùng nhiều hơn vào mùa thu. Mặt khác, mùa thu cần kiêng bớt vị cay như : hạt tiêu, tỏi, ớt, gừng, rượu… vì các món này làm khí phổi phát quá độ gây tổn hại cho phổi và tổn thương tới can, tỳ.
Nên ngủ sớm, dậy sớm
Đông y cho rằng: mùa thu cần ngủ sớm, dậy sớm, để giúp tinh thần bình ổn, tránh khí tiêu điều vào mùa thu. Tiết trời mùa thu khiến cơ thể dễ mệt mỏi, bạn nên ngủ trưa để điều dưỡng tốt cho tim, làm khỏe tim, giảm rủi ro bệnh tim mạch. Một số người còn khuyên nên dưỡng sinh khởi xướng “thu đông”, nghĩa là : mùa thu nên để cơ thể chịu lạnh một chút làm giảm tiết mồ hôi, vì mồ hôi ra làm âm khí hao tổn, đảm bảo nguyên tắc “trữ âm tinh, giữ âm khí”. Thế nhưng bạn cũng không nên để cơ thể lạnh quá, nhất là người già, trẻ nhỏ và người sức khỏe kém nên mặc thêm áo ấm, tránh để khí lạnh làm thương tổn cho phổi.
Giảm quan hệ tình dục
Bạn nhớ rằng: mùa thu chúng ta cũng phải thuận theo nguyên tắc tích trữ của giới tự nhiên, vì thế cần tiết chế chuyện phòng the là tích trữ âm tinh. Như thế, bạn chỉ nên “giao ban” tuần một lần điều độ thôi. Còn các bậc cao niên nên thực hiện theo quy luật số 9: 51-60 tuổi thì 5 tuần làm 4 lần; 61-70 tuổi thì 6 tuần gặp gỡ 3 lần; 71-80 tuổi trong 7 tuần chỉ âu yếm 2 lần thôi…
Giảm vận động
Mùa thu không khí mát mẻ, bạn nên ra ngoài vận động như đi du lịch, leo núi ngắm cảnh, thư giãn tinh thần, chạy bộ, bơi… để tăng cường sức khỏe tim phổi.
Tuy nhiên bạn không nên vận động quá mức, vì mùa thu lấy tích trữ làm chủ, không cần thiết vận động cho đổ nhiều mồ hôi để hạn chế tiêu tán âm khí, thế mới dưỡng được khí, cơ thể mới khỏe mạnh.
Luôn giữ tinh thần lạc quan
Cảnh mùa thu dễ gợi cảm xúc buồn thương, nhất là với người già khi tuổi đã xế chiều, người trẻ cũng vì cảnh buồn người chẳng thể vui, nên tâm trạng dễ bực tức… Bởi vậy bạn cần phải giữ tinh thần lạc quan yêu đời để làm nền cho hai khí âm dương cân bằng, phòng tránh bệnh tật.
Theo BS. Phạm Văn Thân
Sức khỏe & Đời sống