Bị gút vẫn nghiện nhậu, đêm về khóc thét
Không bỏ được thói quen nhậu nhẹt, nhiều bệnh nhân gút vẫn lao vào bia rượu. Sau mỗi cuộc vui, cơn đau lại hành hạ họ. Càng gần Tết, bệnh nhân gút ‘khóc thét’ càng nhiều.
Kể từ ngày mắc gút, ông Toàn ‘thấy nhiều xa cách’ với không ít người bạn. Bạn biết ông mắc bệnh nên không gọi đi nhậu, còn ông thấy mình như bị cô lập. Nhưng có dịp nào tề tựu đông đủ mà bạn hữu bốc máy, ông Toàn lại lồng lên, tìm mọi lý lẽ để trấn an rồi đi nhậu, nhất là dịp cận Tết, khách khứa bạn bè dập dìu tất niên ...
Mỗi lần nhậu, ông Toàn đều cố gắng kiềm chế hết sức, toàn uống nước lọc, rón rén 'nhón' vài miếng rau. Nhưng trên bàn nhậu bao nhiêu thứ hấp dẫn: Bia, rượu, đồ ăn ngon, … Bạn ông thi thoảng lại ‘đế’ thêm vào: “Uống 1-2 cốc không sao đâu”, ông lại tặc lưỡi.
Đó là lý do mà lần nào trước khi đi nhậu ông cũng tự dặn lòng phải kiềm chế nhưng đến đêm về là say xỉn. Ngủ được một giấc đến nửa đêm, ông tỉnh dậy giữa chừng vì cơn đau hành hạ. Đến sáng hôm sau thì hậu quả mới thấy rõ.
“Ông ấy còn nghỉ cả họp vì chân đau nhức. Trong nhà tôi lúc nào cũng có thuốc giảm đau, nhưng uống nhiều mà không cai được nhậu thì cũng vô ích. Con cái có hôm còn phải ra quán mời bố về sớm vì sợ quá đà. Có đợt nhậu 2 ngày liền, chân ông ấy sưng vù lên, không đi được” - bà Mai - vợ ông Toàn kể và cho biết dịp sát Tết tình trạng này lại có vẻ tái diễn do ông Toàn không tránh được hết các cuộc tiếp khách, tiệc tùng, liên hoan cuối năm.
Còn ông Việt (59 tuổi, trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) có lần nửa đêm phải đi cấp cứu vì đi nhậu về chân sưng tấy, đau nhức, phải dùng thuốc giảm đau cấp tốc gây dị ứng toàn thân. Mỗi khi bệnh giảm, khớp không đau là ông Việt lại ‘ung dung’ đi nhậu và lần nào về cũng lãnh hậu quả nghiêm trọng. Vậy nhưng ông vẫn không ‘chừa’ được.
Rất sợ Tết
Đó là tâm lý của nhiều người bệnh mắc gút. Bởi dịp Tết ăn uống kéo dài từ ngày này qua ngày khác, không khí hân hoan vui mừng không ai nỡ từ chối. Bà Mai - vợ ông Toàn cho hay 3 cái Tết gần đây kể từ khi ông bị gút - gia đình đã không dùng rượu để tiếp khách, điều chỉnh cả chế độ ăn. “Có uống hay không là do mình, nhưng ông nhà tôi mắc bệnh ham vui nên rất khó kiếm chế’ - bà Mai nói.
Thực tế trong thời gian qua tại những bệnh viện lớn, cứ sau mỗi dịp nghỉ Tết là số bệnh nhân đến khám, điều trị vì gút lại tăng mạnh do không kiểm soát được chế độ ăn uống hoặc không tập luyện điều độ. Thậm chí có bệnh nhân không vào viện được, đến nửa đêm phải cầu cứu bác sỹ!
Theo BS Đào Ái Thủy (ĐH Y dược Huế), bia rượu là tác nhân số một gây bệnh gút, sử dụng nhiều sẽ làm tăng sản xuất acid uric trong máu làm bệnh trầm trọng thêm.
Bệnh gút là một bệnh rối loạn chuyển hóa, bên cạnh việc thầy thuốc phối hợp sử dụng thuốc hợp lý thì việc điều trị căn bệnh này đòi hỏi người bệnh phải kiên trì, theo dõi lâu dài, sẽ cho kết quả tốt nếu bệnh nhân tuân thủ tốt chế độ ăn uống và sinh hoạt, tránh tình trạng khi bệnh thuyên giảm thì chủ quan bỏ thuốc hoặc lại tái diễn nhậu nhẹt quá mức.
Để điều trị có hiệu quả cần kiên trì và tuân thủ điều trị, thường xuyên kiểm tra acid uric máu và niệu, chức năng thận. Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần được chẩn đoán và điều trị các bệnh kèm theo như rối loạn chuyển hoá lipid, đái đường, tăng huyết áp, …
Những khó khăn khi điều trị bệnh gút
- Thói quen tùy tiện khi sử dụng thuốc của bệnh nhân, trong đó có nhiều loại giảm đau nhanh nhưng có thể có thành phần độc hại, sử dụng lâu ngày gây nguy hiểm cho sức khỏe. Nhiều bệnh nhân thường nôn nóng khi điều trị, ảnh hưởng đến kết quả điều trị.
- Sự thiếu tuân thủ điều trị của người bệnh. Bệnh nhân gút thường chỉ dùng thuốc trong đợt cấp rồi bỏ thuốc, dẫn đến bệnh vẫn tiến triển nặng dần. Một số bệnh nhân lạm dụng thuốc corticoid dẫn đến tác dụng phụ đáng tiếc như xuất huyết tiêu hóa, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não... Nhiều bệnh nhân vẫn tiếp tục những thói quen hàng ngày (ăn nhậu…) quá mức và sinh hoạt không điều độ, do vậy bệnh vẫn có nguy cơ tái phát.
- Sau lần đầu lên cơn gút cấp thường phải vài tháng sau hoặc vài năm sau mới tái phát tiếp cơn đau nên bệnh nhân thường hay chủ quan cho rằng bệnh đã hết, không quan tâm điều trị và điều chỉnh chế độ sinh hoạt để bệnh tiến triển nhanh.
-Tác dụng phụ của một số thuốc chữa bệnh gút như colchicin có thể gây tiêu chảy, allopurinol có thể gây dị ứng, các thuốc tăng thải acid uric có thể gây sỏi thận.
- Cơ địa dị ứng thuốc của bệnh nhân. Có bệnh nhân gút bị dị ứng với nhiều thuốc chữa gút như colchicin và allopurinol. Một số trường hợp xảy ra tác dụng không mong muốn nặng, có thể dẫn đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
- Một phần do người bệnh thiếu kiến thức về bệnh gút, không hiểu được nguyên nhân cũng như dự phòng bệnh gút.
BS Đào Ái Thủy - ĐH Y dược Huế
Theo Hoài An