Bị dị ứng thực phẩm là… bó tay?

Một thiếu nữ 15 tuổi, Christina ở Quebec (Canada) đã tử vong sau khi hôn bạn trai. Cậu bạn này đã ăn hai lát bánh mì trét bơ đậu phộng chín giờ trước khi cả hai hôn nhau. Cái chết được cho là do cô bé dị ứng với đậu phộng lây từ bạn trai.

Cái chết của Christina gây xôn xao ở phương Tây cả mấy tháng cho đến khi giới thẩm quyền xác nhận cái chết là do bệnh suyễn. Tuy nhiên, các chuyên gia của hiệp hội Dị ứng Canada vẫn cho rằng có liên quan đến dị ứng vì Christina vừa có bệnh suyễn vừa có tiền sử dị ứng đậu phộng.

Một tháng sau cái chết của Christina, một bé gái 13 tuổi, Chantelle ở Edmonton (Canada) cũng bị sốc phản vệ (anaphylaxis) do dị ứng đậu phộng. Cô bé tưởng mình lên cơn suyễn nên dùng thuốc dãn phế quản (bronchodilator). Cô bé chết vài ngày sau khi cấp cứu ở bệnh viện.

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm

Dị ứng thực phẩm là phản ứng bất thường của cơ thể đối với protein trong thực phẩm nào đó. Protein này kích thích hệ miễn dịch để gây ra phản ứng dị ứng. Lần đầu tiên ăn thực phẩm này, cơ thể sẽ tạo ra kháng thể. Lần sau lại ăn thực phẩm này, kháng thể sẽ nhận ra protein trong thực phẩm đó và kích thích cơ thể phóng thích ra chất histamin gây dị ứng.

Triệu chứng do dị ứng thực phẩm có thể nhẹ (ngứa, mẩn đỏ, ói mửa, tiêu chảy…) đến nặng hơn khó thở, sốc phản vệ và tử vong.

Trẻ em có thể dị ứng với một số thực phẩm sau: lòng trắng trứng, sữa bò, đậu phộng, hạt dẻ, bột mì, đậu nành (chủ yếu ở em bé). Nhưng khi lớn có thể sẽ hết dị ứng với trứng, sữa bò, đậu nành, nhưng với đậu phộng thì khó thoát.

Với người lớn, có thể dị ứng với một số thực phẩm sau: tôm, cua, sò, cá (cá thu, cá ngừ), đậu phộng, hạt dẻ… nhưng một khi đã dị ứng với thứ nào, thì coi như đeo nó đến hết kiếp.

Chất đạm nào cũng có khả năng gây dị ứng, nhưng trong thực tế người ta thường chỉ dị ứng với vài loại thực phẩm.

Thịt cá tươi không có histamin. Nhưng theo thời gian, histidine (một loại axít amin) sẽ bị chuyển hoá thành histamin dưới tác động của enzyme do vi khuẩn sinh ra. Do đó, nếu thịt cá bảo quản không tốt, bị biến chất sẽ có hàm lượng histamin rất cao, nhất là các loại cá ngừ, cá thu, nghêu sò… Người dù không bị dị ứng với thịt cá, nhưng ăn vào có thể bị ngộ độc histamin, với triệu chứng tương tự như dị ứng thực phẩm. Gọi là ngộ độc là vì ăn thực phẩm chứa nhiều histamin. Để tránh ngộ độc histamin, không nên ăn hải sản có dấu hiệu ươn, bảo quản không tốt.

Còn dị ứng là do ăn thực phẩm không hợp (chẳng hạn ăn cá thu, cá ngừ), kích thích hệ miễn dịch cơ thể tạo ra histamin. Histamin này gây triệu chứng buồn nôn, khó thở… tương tự như ngộ độc histamin do ăn hải sản bảo quản không tốt.

Không có thuốc chữa dị ứng, chỉ có thuốc làm giảm triệu chứng mà thôi. Tốt nhất là tránh ăn thực phẩm mà mình bị dị ứng. Nếu triệu chứng nặng (khó thở, tụt huyết áp, mạch nhanh…) thì nên đi bệnh viện ngay.

Bất dung nạp thực phẩm

Dị ứng thực phẩm (food allergy) thường bị lầm với bất dung nạp thực phẩm (food intolerance). Dị ứng liên quan đến hệ miễn nhiễm, còn bất dung nạp thực phẩm liên quan đến hệ tiêu hoá.

Một số người, hồi nhỏ uống được sữa, nhưng khi lớn, không thể dung nạp sữa. Đó là do enzyme tiêu hoá sữa (lactase) trong ruột bị sụt giảm theo tuổi tác. Thiếu enzyme tiêu hoá sữa, thì vi khuẩn trong ruột phải làm thay. Quá trình này phát sinh khí, gây đầy hơi, tức bụng, tiêu chảy.

Bột ngọt cũng gây khó chịu cho một số ít người khi ăn vào (đỏ bừng mặt, nhức đầu, tức ngực…) Những triệu chứng khó chịu này thường thoáng qua nhanh, và không gây nguy hiểm như dị ứng đậu phộng. Thực ra, bột ngọt (glutamate) có tự nhiên trong hầu hết các loại rau quả nấm thịt. Bị bất dung nạp có thể do ăn thực phẩm nêm nếm quá nhiều bột ngọt.

Sulfite là chất bảo quản thường dùng trong rau quả, thịt, thuỷ sản. Những người mắc bệnh suyễn có thể bị khó thở khi ăn thực phẩm chứa sulfite. Ở Mỹ và châu Âu, thực phẩm có sulfite phải ghi nhãn cảnh báo để người tiêu dùng lựa chọn. Việt Nam chưa có quy định này.

Theo Vũ Thế Thành

Thế giới tiếp thị

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm