Béo bụng đừng đổ tại bia?

(Dân trí) - Mùa hè được ngồi điều hòa, gọi bạn bè đến tụ tập, uống bia, ăn đồ nướng, cười cười nói nói, đó chính là một cái thú nhưng cũng có những người lo lắng: uống nhiều bia, lỡ có bụng bia thì biết phải làm sao?

  

Uống bia có thật là sẽ gây ra bụng bia không? Chúng ta cùng đi tìm hiểu:


Uống bia có thật là sẽ gây ra bụng bia không? Chúng ta cùng đi tìm hiểu:

 

1. Cứ uống bia là béo bụng?

 

Uống nhiều bia sẽ làm tăng vòng 2? Điều này quả là oan uổng cho bia quá. Một giáo sư dinh dưỡng của khoa Dinh dưỡng - Bệnh viện Hữu Nghị Bắc Kinh cho biết: “Thực ra, bia và bụng bia không hề có liên quan, nó chỉ mang ý nghĩa ở mặt câu chữ mà thôi, không hề có tính tương quan về mặt y học”.

 

Thế nào là “bụng bia”? Đó chỉ là cách gọi những người béo bụng, do mỡ tích tụ lại mà thành, đương nhiên nguyên nhân hình thành “bụng bia” có rất nhiều: Glucocorticoid (hoocmon vỏ thượng thận) dưới áp lực quá lớn nên bị rối loạn, thói quen ăn uống không lành mạnh, nhiều mỡ nhiều đường, làm việc văn phòng ngồi lâu, lười vận động…., tất cả đều là con đường dẫn tới “bụng bia”. Do đó, uống bia và bụng bia không hề có liên quan trực tiếp đến nhau.
 

2. Thủ phạm thực sự gây béo bụng?

 

Rất nhiều người nhầm tưởng uống nhiều bia sẽ sinh ra bụng bia, nhầm lẫn cho rằng bia có nhiều năng lượng. Trên thực tế, trên mỗi 100g đơn vị tính, năng lượng của bia không được tính là cao. Năng lượng của bia chủ yếu đến từ hàm lượng cồn nhưng bia bán trên thị thường có hàm lượng cồn bình thường là 3,6% - 5,1%. Năng lượng mà 100g bia sinh ra chỉ khoảng 27kcal – 42kcal (khoảng 112KJ – 175KJ), năng lượng này chỉ bằng khoảng 100g táo đỏ (khoảng 1/3 quả). Cũng có thể nói, uống 1 chai bia 330ml thì năng lượng nạp vào chỉ bằng một quả táo đỏ 300g.

 

Rõ ràng là bia và bụng bia không có liên quan đến nhau, năng lượng của bia không cao, vậy tại sao phần lớn những người uống bia đều béo lên, lộ ra bụng bia? Nguyên nhân chính là dưới đây:

 

- Do độ cồn trong bia thấp, rất nhiều người coi bia không giống như rượu, nên uống quá nhiều.

 

Một nhóm tụ tập, khi vui có thể uống đến cả hơn chục đến 2 chục chai bia. Chúng ta làm một phép tính đơn giản: ví dụ nồng độ cồn trong bia là 4%, 1 chai bia 500ml, năng lượng khoảng 162kcal, nếu uống khoảng 10 chai thì sinh ra 1620kcal năng lượng. Một người phụ nữ mỗi ngày cần 1.800kcal năng lượng, năng lượng của 10 chai bia đã gần bằng nhu cầu năng lượng cả một ngày của một người phụ nữ. Bình thường năng lượng nạp vào cao hơn năng lượng tiêu hao của 1 người 1 ngày thì phần năng lượng dư thừa sẽ chuyển hóa thành mỡ và tích tụ lại, gây ra béo phì.

 

- Khi uống bia, những đồ nhậu đi kèm đều giàu năng lượng và nhiều dầu mỡ, đây cũng chính là nhân tố lớn gây nên béo phì

 

Một giáo sư khoa dinh dưỡng BV Hữu Nghị Bắc Kinh cho rằng, đa phần mọi người trong khi uống bia đều ăn kèm đồ nhậu như đồ nướng, đồ chiên, những đồ ăn này hàm lượng chất béo cao, không cho cảm giác no bụng nên dễ ăn nhiều, dẫn đến năng lượng nạp vào quá nhiều, dẫn đến béo phì.

 

3. Cách nào uống bia vẫn giữ được sức khỏe?

 

Vậy mùa hè muốn thưởng thức những cốc bia mát lạnh sảng khoái đó mà vẫn giữ được sức khỏe thì chúng ta phải làm thế nào? Làm sao để vừa “được lòng anh dạ” vừa không lo sức khỏe? Một số ý kiến dưới đây, mong mọi người chú ý:

 

- Uống bia phải biết khống chế lượng uống: Những người đàn ông thành niên mỗi ngày lượng cồn đi vào cơ thể không được quá 25g, nếu tính theo độ cồn 3%, vậy mỗi ngày lượng bia uống vào không nên vượt quá 800ml.

 

- Đồ nhậu đi kèm cần chọn cẩn thận: Khi uống bia, để khống chế tổng năng lượng vào cơ thể, hãy thay đổi thói quen không hợp lý có hại cho sức khỏe là ăn những thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, thông qua tăng lượng rau xanh để giảm lượng chất béo nạp vào cơ thể, đồng thời giảm những thức ăn chủ yếu, tức là giảm lượng carbonhydrate nạp vào để đạt được mục đích không tăng tổng năng lượng.

 

- Những người mắc bệnh mỡ máu cao và thống phong (bệnh gút) nên ít uống và tốt nhất là không uống bia

 

Bởi vì cồn rất dễ thúc đẩy nhanh quá trình phân giải purine, tăng nhanh quá trình hình thành axit uric, đồng thời đồ uống chứa cồn không tốt cho việc lọc bỏ axit uric của thận, làm giảm sự bài trừ axit uric, dẫn đến bệnh thống phong (hay còn gọi là bệnh gút).

 

Trang Vương

Theo Meishij