Bệnh vùi dương vật ở trẻ

Vùi dương vật ở trẻ trai là bệnh lý chỉ mới được chú ý trong thời gian trở lại đây. Do vậy, bố mẹ, và ngay cả giới y khoa không chuyên thường hay nhầm lẫn "vùi - không vùi" hoặc nhầm giữa "vùi" với bệnh lý khác, dẫn đến xử lý không đúng, gây tác hại cho trẻ.

Rất dễ nhầm lẫn

 

Mới đây, ông bố Nguyễn Văn H. (ở TPHCM) cứ tưởng cậu con trai 8 tuổi của mình có dương vật (DV) bị vùi, nên nhân dịp hè đưa cháu đi khám bệnh và phẫu thuật cho tiện. Tuy nhiên, qua khám, làm một số động tác "thử nghiệm", bác sĩ Nguyễn Thành Như - Trưởng đơn vị Nam khoa, Bệnh viện (BV) Bình Dân (TPHCM) cho biết, cậu bé không hề bị vùi DV, không cần phẫu thuật gì cả. DV của bé bình thường, chỉ tại bé hơi béo, nên lớp mỡ ở xương mu nhiều, phủ xuống, thấy DV ngắn đi.

 

Bác sĩ Nguyễn Thành Như cho biết, rất nhiều phụ huynh nhầm tưởng DV của bé bị vùi (lý do nhầm tưởng thường rơi vào giống trường hợp con của anh Nguyễn Văn H. nói trên), nên lo lắng đưa bé đi chữa trị. Thậm chí có người còn nằng nặc đòi bác sĩ phải mổ. Không chỉ phụ huynh, đã có nhiều trường hợp bị chẩn đoán nhầm, mổ không đúng xoay quanh "chuyện vùi" này.

 

Thông thường, nếu trẻ nhỏ, đo độ dài từ xương mu đến đầu DV mà dưới 2cm thì gọi là DV nhỏ. Còn ở người lớn, độ dài này dưới 4cm - 6cm cũng xem là nhỏ.

 

Sau khi phân biệt, loại bỏ được hai loại DV nhỏ và hẹp da qui đầu thì đi đến chẩn đoán DV vùi.

 

DV vùi chia làm 3 nhóm nhỏ:

 

-         DV lưới, là trường hợp da bìu tràn lên DV

 

-         DV bị "nhốt" là trường hợp bao qui đầu có vòng xơ dài gây bít hẹp nhốt  DV vào trong (có thể do bẩm sinh; có thể do mắc phải vì cắt da qui đầu lúc nhỏ không đúng)

 

-         Thứ 3 là DV vùi thật sự, là trường hợp DV thụt hẳn vào bên trong. Nhiều trường hợp đến khám tại BV Bình Dân có cả trẻ em lẫn người lớn. Người lớn thì rải đều trong năm, còn trẻ em tập trung nhiều vào dịp nghỉ hè".

 

Bác sĩ Lê Thanh Hùng (khoa Ngoại tổng hợp, BV Nhi đồng 1, TPHCM) cho biết: "Vùi DV thường có kèm theo hẹp da qui đầu. Mỗi tháng khoa phẫu thuật chữa vùi DV cho khoảng 10 trẻ.

 

Vùi DV chiếm gần 1/2 các bệnh lý bất thường về bộ phận sinh dục ở trẻ trai vào điều trị tại khoa. Bệnh có thể do bẩm sinh; do bất thường. Một số trường hợp trẻ béo phì, lớp mỡ xương mu che phủ DV giống như DV bị vùi.

 

Thông thường lứa tuổi trẻ đến BV từ 4 - 6 tuổi, do gia đình lo lắng vì thấy DV trẻ nhỏ quá, sợ ảnh hưởng về sau, do có những triệu chứng...

 

Đây là bệnh dễ chẩn đoán nhầm lẫn, nếu không phải chuyên khoa. Thường khi bị vùi, sờ bóp nhẹ không chạm được thân DV hoặc chạm được rất ít, mà chỉ sờ được da qui đầu; da bìu có xu hướng chạy hướng lên trên DV".

 

Nguyên nhân

 

Vấn đề nhỏ DV có liên quan đến vấn đề bệnh lý nội tiết; do di truyền, hormon testosterone tác động lên. Thường DV nhỏ có thể do 3 lý do:

 

-         Não không tiết ra chất nội tiết tố LH để kích thích tinh hoàn tiết ra testosterone

 

-         Não có tiết ra chất LH bình thường, nhưng tinh hoàn bị suy không tiết ra testosterone

 

-         Não tiết ra LH bình thường, tinh hoàn tiết ra testosterone bình thường, nhưng DV không chịu sự tác động của testosterone (hội chứng kháng Androgen).

 

 

Chữa trị ra sao?

 

Cần phải phân biệt các trường hợp: DV nhỏ; DV vùi và hẹp da qui đầu vì ở mỗi trường hợp có hướng xử trí, điều trị khác nhau. Theo bác sĩ Nguyễn Thành Như: "Nếu là hẹp da qui đầu, thường da qui đầu dài, hẹp, kéo xuống rất khó khăn hoặc không được. Còn DV nhỏ là vấn đề rất phức tạp.

 

Đối với những trường hợp vùi giả (do béo phì, mỡ che phủ như nói trên), thì không cần phẫu thuật, mà cần cho trẻ tập thể dục, điều tiết chế độ dinh dưỡng để trẻ giảm cân. Thông thường, ở người lớn khi béo thêm 10kg, thì mỡ sẽ che lấp, làm cho "nó" ngắn đi 1 cm! 

 

Đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị chẩn đoán nhầm (không vùi mà bảo vùi); hoặc bị vùi thật sự nhưng chỉ chẩn đoán là hẹp da qui đầu, rồi cắt da qui đầu, khiến DV trẻ càng bị thụt vào trong hơn; và cũng có nhiều trường hợp chẩn đoán đúng vùi, nhưng phẫu thuật không đúng cách, không giải quyết được gì, mà còn để lại di chứng cho trẻ.

 

Mới đây (hôm 27/7) khi vào BV Bình Dân, chúng tôi đã tận mắt chứng kiến trường hợp bé Huy (6 tuổi, ngụ ở TPHCM) đến chữa trị về bệnh này. Trước đó Huy đã được một vị bác sĩ phẫu thuật đến 3 lần (lúc Huy 6 tháng, gần 1 tuổi và 3 tuổi). 3 lần mổ, Huy bị một vết xẹo hình tam giác thật to ngay phía bên trên gốc DV, rất xấu xí, nhưng bệnh tình thì không giải quyết được, bố Huy đành đưa em tiếp tục vào đơn vị Nam khoa BV Bình Dân để mổ lại! Trường hợp tương tự không phải là hiếm.

 

Việc chữa trị vùi DV, theo bác sĩ Nguyễn Thành Như, hiện nay có rất nhiều phương pháp phẫu thuật (tùy nơi). Điều quan trọng là phải chẩn đoán phân biệt đúng, để có hướng xử lý đúng. Nên sớm đưa trẻ đi chữa trị, để lớn trẻ dễ bị mặc cảm.

 

Theo T.T

Thanh niên

Dòng sự kiện: Chăm sóc trẻ